Sai lầm khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp vào mùa xuân

Trẻ dưới 5 tuổi có thể viêm đường hô hấp cấp 4-6 lần mỗi năm nếu cha mẹ không biết cách giữ ấm cho con, tự chữa trị hoặc uống thuốc sai liệu trình...

Sai lầm khiến trẻ dễ mắc bệnh hô hấp vào mùa xuân

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có hơn một triệu trẻ em tử vong vì viêm phổi. Một đứa bé dưới 5 tuổi có thể viêm đường hô hấp cấp 4-6 lần mỗi năm, làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều bậc phụ huynh.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, Phó chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM cho biết: "Mùa bệnh viêm phổi năm nay ghi nhận nhiều trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, thậm chí mới 2-3 tháng tuổi phải nhập viện vì viêm phổi nặng. Thông thường, đây là nhóm trẻ vẫn còn miễn dịch từ mẹ nên ít mắc bệnh, nhưng gần đây, các trẻ này cũng bị tấn công bởi virus, vi khuẩn".

"Sai lầm lớn nhất của các gia đình là chủ quan, trong khi bệnh ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh. Có bé chỉ trong vài giờ đã trở nặng, thậm chí phải thở máy”, bác sĩ Tuấn lưu ý. Ví dụ như trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi mới đây, chị Yến - mẹ của bé lúc đầu thấy con có nước mũi trong, nghẹt mũi, sau đó sốt nóng, bỏ bú, nhưng chỉ hơn một ngày đã khó thở. Bác sĩ phải cho bé nhập viện ngay vì viêm phổi.

polyad

Trẻ nhỏ miễn dịch kém, nên dễ mắc các bệnh đườnghô hấp.

Bà ngoại của một bé trai 9 tháng tuổi khác cũng cho biết: "Cháu chỉ ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở như ngạt mũi thôi, không sốt và ăn uống bình thường. Gia đình tự mua kháng sinh và thuốc ho cho uống. Nhưng sau 2 ngày, cháu đã mệt li bì, thở khó khăn hơn nên mới đưa vào viện. Bác sĩ chẩn đoán cháu suy hô hấp do viêm phổi".

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, cần cặp sốt cho trẻ để biết chính xác diễn biến nhiệt độ cơ thể, chứ không nên đặt tay lên trán để đo nhiệt độ. Khởi đầu, bé có thể chỉ sốt, chảy nước mũi, song cần theo sát để nhận biết tình trạng bệnh nặng lên, đặc biệt là lưu ý nhịp thở. Viêm phổi không ho nhiều nhưng trẻ mệt, thở nhanh. Trẻ nặng sẽ thở lõm lồng ngực, thậm chí tím tái.

Mùa xuân trời trở lạnh, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, phù hợp với nhiệt độ bên ngoài. Nên mặc thêm áo, mũ len, mang bao tay, vớ, khăn…, nhất là khi cần đưa trẻ ra ngoài. Tiêm chủng mở rộng lẫn tự nguyện (cúm, phế cầu) là cách hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi các bệnh hô hấp nặng nề.

Rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và viêm phổi, vì chúng có thể lây qua bàn tay nhiễm bẩn. Trẻ cũng cần tránh tiếp xúc với người lớn hay trẻ ốm khác, dù chỉ là cảm ho thông thường. Khi bệnh vào mùa, nên tránh đưa trẻ đến nơi đông người nếu không cần thiết.

polyad

Khi thầy thuốc chỉ định, cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc, liều lượng, số lần trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống.

Bác sĩ Tuấn lưu ý, mọi trẻ viêm phổi phải được thầy thuốc thăm khám, điều trị, theo dõi cẩn thận để tránh hậu quả xấu. Bên cạnh các biện pháp chăm sóc thông thường, cần điều trị kháng sinh thích hợp để giúp trẻ khỏi bệnh. Theo WHO, nếu phát hiện và điều trị sớm bằng kháng sinh phù hợp, kết quả điều trị sẽ khả quan. Khoảng 70-80% các trường hợp viêm phổi không nặng sẽ được chữa khỏi tại nhà bằng kháng sinh đường uống, không đắt tiền.

Khi thầy thuốc chỉ định, cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc, liều lượng, số lần trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống. Không được tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẻ bớt bệnh hơn. Liệu trình điều trị trung bình cho viêm phổi là 7-10 ngày.

Tuy nhiên, việc cho trẻ uống thuốc dài ngày, nhiều lần trong ngày không hề dễ dàng với các bậc phụ huynh. Có thể điều trị kháng sinh ngắn ngày, song cần lưu ý không phải trẻ nào, bệnh nào và thuốc kháng sinh gì cũng có thể áp dụng. Chỉ có bác sĩ điều trị mới giúp cha mẹ chọn lựa biện pháp điều trị phù hợp nhất với trẻ.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ