Để thấu hiểu những quy định mang tính tiêu chuẩn của sách giáo khoa, từ quan điểm cá nhân, ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã phân tích sâu hơn ý nghĩa, bản chất của từng thành phần cơ bản, giúp giáo viên (GV), các cơ sở giáo dục trong tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phương pháp dạy học, chuẩn bị tốt nhất cho việc thay sách giáo khoa vào năm học tới.
Hình thành kiến thức mới
Theo ông Đặng Tự Ân, đôi khi người ta gọi hoạt động mở đầu bài học là hoạt động khởi động. Hoạt động này tạo tâm thế hứng thú cho HS trước khi vào học bài mới; huy động những kiến thức đã có và kinh nghiệm của HS có liên quan tới nội dung kiến thức sắp học; tạo tình huống có vấn đề để kích thích ham muốn, óc tò mò, khả năng sáng tạo của HS; xác định rõ mục đích, mục tiêu bài học cho HS.
Sau khi có các hoạt động tạo hứng thú cho HS trước khi học kiến thức mới, GV cho HS thực hiện các hoạt động trải nghiệm, bao gồm: Việc nhớ lại, huy động kiến thức cũ, kinh nghiệm sẵn có của HS, mà nội dung có liên quan tới đối tượng học tập. Ông Đặng Tự Ân cho rằng, làm như vậy, HS đã thay đổi cách học: Tự học, tự tìm hiểu nội dung bài học trên kinh nghiệm và kiến thức sẵn có của mình.
HS tiến hành hoạt động phân tích - sáng tạo - làm bộc lộ thái độ, rút ra niềm tin, bao gồm: Các hoạt động thông qua việc quan sát, phân tích, phản ánh, thảo luận và tương tác với nội dung bài học, với bạn cùng lớp và GV. Hoạt động này cũng giúp củng cố kiến thức thông qua một trò chơi hoặc một câu chuyện nhỏ, cho phép HS xây dựng kiến thức, nâng cao thái độ và giá trị mà HS đang được hình thành và phát triển. Phần này kết hợp hướng dẫn tăng cường đánh giá quá trình học của HS theo quy trình dạy học, theo sự tiếp thu và phát triển kiến thức của HS.
HS tự nghiên cứu, trải nghiệm, khám phá, hình thành kiến thức, kỹ năng của riêng mình thông qua sử dụng học liệu (vật thật, mô hình, tài liệu...); tương tác, chia sẻ, trao đổi với bạn trong cặp, trong nhóm để cùng nhau giải quyết vấn đề. HS thực hành, áp dụng vào các tình huống tương tự, nhưng dựa trên những dữ liệu khác để củng cố kiến thức, kỹ năng vừa được lĩnh hội; bước đầu hợp thức hóa kiến thức mới vào hệ thống kiến thức (tri thức), kỹ năng đã có của bản thân.
Ảnh minh họa/ INT |
Dạy học 4 bước
Nhấn mạnh các hoạt động trên có quan hệ khăng khít với nhau, vừa là tiền đề, vừa là hệ quả trong nội dung bài học, nên người ta gọi chung là hoạt động cơ bản trong bài học của sách giáo khoa, ông Đặng Tự Ân cho biết, nhìn chung hoạt động cơ bản bao giờ cũng được cấu trúc theo nội dung tiến trình dạy học 4 bước:
Bước 1: Tạo tình huống có vấn đề để HS hào hứng, sẵn sàng chuẩn bị cho hoạt động tiếp thu nội dung bài học mới.
Bước 2: Chỉ ra một cách khéo léo sự liên kết giữa kinh nghiệm bản thân và kiến thức cũ với kiến thức mới sắp học, cũng như phân tích nguyên nhân bản chất của kiến thức mới có xuất xứ từ đâu.
Bước 3: Thông qua tư duy phân tích, tổng hợp và khái quát hóa những dữ kiện để hình thành kiến thức mới.
Bước 4: Bổ sung, sắp xếp và thay đổi “kho kiến thức cũ” bằng “kho kiến thức mới”. Hình thành cho HS phương pháp thực hiện và cách thức vận dụng theo phương thức mới để giải quyết vấn đề.
Đánh giá quá trình học tập của HS qua hoạt động cơ bản chủ yếu về nhận thức và tư duy theo các mức độ như: Nhắc lại; mô tả; liệt kê; trình bày; gọi tên và nhận diện; giải thích; tóm tắt; mở rộng; cho ví dụ… đối với tất cả các đơn vị kiến thức trong bài học mới.
Ảnh minh họa/ INT |
Hoạt động luyện tập
Theo ông Đặng Tự Ân, đôi khi người ta còn gọi hoạt động luyện tập là hoạt động thực hành. HS phải vận dụng trực tiếp những hiểu biết đã học vào giải quyết các bài tập/ tình huống cụ thể tương tự các bài tập/ tình huống đã học nhưng có thay đổi các dữ liệu ban đầu. Nhóm hoạt động này mang tính cá nhân cao, nên HS tự thao tác và sau đó cần có sự hỗ trợ của bạn, của nhóm để hoàn thành các câu hỏi, bài tập, bài thực hành.
Hoạt động ở phần này rất quan trọng vì nó giúp HS kết hợp giữa lí thuyết với thực hành, đồng thời giúp GV kiểm tra kết quả HS đã lĩnh hội. Ngoài ra, nhằm hướng dẫn việc đánh giá kết quả học của HS qua một hoặc một số đơn vị kiến thức. Hoạt động này có thể hiểu như hướng tới chính xác hóa kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho HS.
Hoạt động ứng dụng
Hoạt động này là hoạt động vận dụng. Lưu ý của ông Đặng Tự Ân, hoạt động ứng dụng phải phù hợp với lứa tuổi và kiến thức hiện có của HS. HS có thể thực hiện hoạt động này tại lớp, hoặc thực hiện tại nhà với sự trợ giúp của cha, mẹ và người có khả năng.
Hoạt động này có thể hiểu như là hướng tới đánh giá việc HS áp dụng kiến thức, kĩ năng vào các tình huống cụ thể ở nhà, trong cộng đồng.
Ngoài 4 nhóm hoạt động nêu trên, ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh, nhất thiết khi tổ chức dạy học, GV không thể không có hoạt động tìm hiểu mục tiêu bài học. Nó là đích của bài học, chỉ ra HS cần đạt được về kiến thức, kĩ năng/năng lực, thái độ/phẩm chất như thế nào trong và sau khi học bài học.
Sau khi hiểu cấu trúc và nội dung sách giáo khoa, GV (gián tiếp hay trực tiếp) phải tổ chức các tình huống để cho HS suy ngẫm, hoạt động, qua đó HS được chủ động kiến tạo kiến thức, từ đó hình thành, phát triển trí tuệ và nhân cách bản thân. Điều này sẽ đơn giản rất nhiều nếu các GV hay các trường đã có trải nghiệm phương pháp dạy học theo Mô hình Trường học mới.