Thẩm định Sách giáo khoa: Đại biểu Quốc hội đặt niềm tin vào Hội đồng

GD&TĐ - Việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn SGK, đồng thời tin tưởng vào những đề xuất của Hội đồng thẩm định.

Mua SGK đầu năm học mới. Ảnh minh họa/ INT
Mua SGK đầu năm học mới. Ảnh minh họa/ INT

Tin tưởng vào sự lựa chọn khách quan của Hội đồng

Theo đại biểu Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa), cho đến thời điểm này, các quy định về thẩm định SGK đã đáp ứng được yêu cầu. Luật Giáo dục 2019 quy định, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK.

Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Đại biểu Lê Tuấn Tứ. Ảnh: TG
Đại biểu Lê Tuấn Tứ. Ảnh: TG

Với quy định này, chúng ta yên tâm về thành phần và tin tưởng vào sự lựa chọn khách quan của Hội đồng để có bộ SGK chất lượng, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước. “Trong quá trình lựa chọn SGK, có thể bộ SGK này được lựa chọn, bộ kia không, điều đó là bình thường. Vì đây không chỉ là vấn đề của giáo dục mà của quốc gia. Do đó, các thành viên Hội đồng sẽ khách quan, thận trọng khi đưa ra ý kiến thẩm định của mình. Chúng ta nên có niềm tin vào những đề xuất của Hội đồng” - đại biểu Lê Tuấn Tứ nói.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho biết, các tỉnh đang chờ kết quả thẩm định của Bộ GĐ&ĐT về SGK lớp 1. Về cơ bản, việc thẩm định SGK không khó khăn vì đã có các tiêu chí và quy trình thẩm định cụ thể, minh bạch. “Tôi cho rằng, thành phần của Hội đồng thẩm định khá là ổn, bảo đảm tính khách quan. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực cho nên, việc bộ SGK này được chọn hay không được chọn cũng là chuyện bình thường.

Không được chọn nhưng không có nghĩa là bỏ đi. Vì có thể không được chọn ở thời điểm này nhưng sau đó hoàn chỉnh theo góp ý của Hội đồng thẩm định có thể được chọn ở thời điểm khác. Hoặc được chọn một số môn để nhà xuất bản tham khảo. Đó là điểm có lợi cho giáo viên và học sinh vì không bị khuôn cứng trong dạy - học như trước đây” - đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ.

Cũng theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, tỉnh Trà Vinh đã thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới. Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn và giới thiệu về Chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới đến giáo viên và cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt là đối với giáo viên lớp 1. Việc lựa chọn SGK lớp 1 sẽ chờ Hội đồng thẩm định cấp quốc gia để địa phương tiến hành các bước tiếp theo.

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: TG
  Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: TG

Được chọn hay không là chuyện bình thường

Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho biết, tỉnh Trà Vinh cũng đã thành lập Hội đồng thẩm định SGK trên cơ sở các quy định hiện hành và theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Về phần giáo dục địa phương, tỉnh đang tổ chức sưu tầm, biên soạn. Riêng đối với lớp 1, nội dung này được tích hợp vào môn tập viết và tiếp tục được biên soạn, bổ sung tài liệu một cách phù hợp.

Tinh thần là kế thừa, phát huy, có tham khảo ý kiến của giáo viên, và các cơ sở giáo dục. Nhìn chung, địa phương chưa gặp bất cứ khó khăn gì; mọi việc vẫn đang diễn ra theo đúng quy trình, tiến độ. Tuy nhiên, điều mà đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai băn khoăn là, nếu cứ quy định “cứng” giảm 10% biên chế trong đội ngũ giáo viên sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TG
 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TG

Tin tưởng, chắc chắn Bộ GD&ĐT tuân thủ tất cả các quy định về thẩm định SGK, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh: Hội đồng thẩm định SGK không chỉ gồm các nhà khoa học mà còn là những người đang trực tiếp giảng dạy. “Tôi tin việc thẩm định sách của Hội đồng không những khách quan, trung thực mà còn làm việc hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương quả quyết.

Theo đại biểu, quy trình thẩm định rõ ràng, tiêu chí cụ thể nên không phải tất cả các bộ sách đưa ra đều được lựa chọn. Sẽ có bộ được chọn, bộ không được chọn hoặc góp ý để chỉnh sửa thêm. Đó là điều tất yếu và đó mới là bảo đảm yếu tố khách quan, trung thực và chất lượng. Tác giả của những bộ sách không được chọn cần bình tĩnh, không nên bức xúc.

Thay vào đó cần thận trọng, xem lại mức độ cần điều chỉnh những gì và điều chỉnh như thế nào. “Đơn giản là một bài tham luận của cá nhân, đọc lần đầu đã tốt rồi nhưng khi đọc lần 2 sẽ thấy cần chỉnh sửa thêm và đọc đến lần thứ 5, thứ 6 vẫn thấy phải điều chỉnh… cho nên việc một bộ SGK được chọn hay không, có phải chỉnh sửa hay không là chuyện bình thường” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn giải.

“Tôi tin việc thẩm định SGK của Hội đồng không những khách quan, trung thực mà còn làm việc hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm các tiêu chí về chất lượng”. 
                                                         Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ