PGS.TS Ngô Hoàng Long - giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, qua lĩnh hội từ các thành viên ban xây dựng chương trình môn Toán mới, thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn học này.
Chương trình môn Toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất (đặc biệt chú trọng nội dung thống kê).
Trong 3 mạch kiến thức mới mạch có sự thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là Thống kê và xác suất.
PGS.TS Ngô Hoàng Long cũng có bài giảng đại chúng giới thiệu về “Thống kê và xác suất trong chương trình giáo dục phổ thông mới” tại Ngày hội Toán học mở năm 2019 do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với ĐHQG Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 3/11.
Bên lề ngày hội Toán học Mở, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Hoàng Long về chủ đề này:
Phóng viên: Ông có thể cho biết những sự thay đổi đó cụ thể ra sao?
PGS.TS Ngô Hoàng Long: Trước đây thống kê được dạy một chút ở lớp 4 và 5, lên cấp THCS học sinh được học ở lớp 7 và cấp THPT là ở lớp 10. Còn xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11.
Tinh thần của chương trình phổ thông mới muốn đẩy mạnh ứng dụng của Toán học và xác suất và thống kê là mạch kiến thức rất tốt để thực hiện nhiệm vụ đó.
Cụ thể, trong chương trình phổ thông mới, thống kê sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. Tức là trong 11 năm, học sinh đều được học những nội dung về xác suất và thống kê với chương trình mang tính đồng tâm và nâng cao dần.
So với chương trình hiện hành, các nội dung về thống kê (thu thập, phân tích và xử lý số liệu; các loại bảng và biểu đồ; các số đặc trưng của mẫu) ở chương trình mới về cơ bản không nhiều thay đổi. Chỉ có một lượng ít kiến thức mới chủ yếu nằm ở lớp 12.
Như vậy, việc tăng về mặt kiến thức là không đáng kể mà chủ yếu ở thời lượng, để học sinh có thời gian xây dựng những kỹ năng giải quyết các bài toán thống kê. Các học sinh sẽ có thêm thời lượng để đọc và khai thác tốt hơn dữ liệu, vẽ bảng biểu, trình bày những hiểu biết về thống kê,...
Ví dụ, trong chương trình hiện hành, ở lớp 7 có đủ cả 3 biểu đồ tranh, quạt và cột. Nhưng chương trình mới thì lớp 6 sẽ học về biểu đồ cột, lớp 7 học về biểu đồ quạt,... Tức tách riêng ra để tăng cường việc luyện tập cho học sinh.
Nhìn chung, thời lượng của mạch kiến thức Thống kê và xác suất tương đối cao trong chương trình mới và tăng dần theo từng khối lớp.
Ở cấp tiểu học, chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp THPT chiếm khoảng 14%.
- Tại sao thống kê và xác suất được định hướng là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán ở chương trình phổ thông mới, thưa ông?
Chúng ta biết công dân của thế kỷ 21 thì ngoài các kỹ năng tư duy cơ bản cần phải có kỹ năng tư duy về mặt thống kê và xác suất. Bởi xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều luồng thông tin và vấn đề đặt ra giờ đây không phải chỉ là biết thông tin mà còn phải biết phân tích, xử lý các thông tin mà mình nhận được. Việc có kiến thức về xác suất và thống kê sẽ giúp học sinh nói riêng và công dân nói chung có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn và tốt hơn.
Học sinh sẽ học xác suất và thống kê ngay từ lớp 2 ở chương trình mới. Ảnh: Thanh Hùng |
- Các nội dung kiến thức về xác suất và thống kê sẽ được đưa vào lớp 2 như thế nào để các học sinh có khả năng tiếp cận và phù hợp nhận thức?
Ở lớp 2, học sinh sẽ được làm quen từ những khái niệm đơn giản và dần dần được nâng lên các cấp cao hơn.
Về xác suất, học sinh sẽ được bắt đầu làm quen với phép thử và chỉ yêu cầu các em nhận thức được kết quả của những phép thử đơn giản. Ví dụ như biết khi nào một kết quả nào đó của phép thử có thể hoặc không thể xảy ra. Như gieo một con xúc xắc 6 mặt thì có bao nhiêu khả năng có thể xảy ra?
Hoặc có thể đặt câu hỏi số chấm xuất hiện có thể nhiều hơn 7 được không? Các em sẽ trả lời được là không, tức sẽ làm quen với việc hiện tượng không xảy ra.
Hay hỏi số chấm đó có thể ghi được bằng các số từ 1 đến 10 hay không. Học sinh cần trả lời là có bởi những việc đó có thể làm được.
Còn về chương trình thống kê, ở lớp 2, học sinh sẽ làm quen với biểu đồ tranh. Ví dụ trong bức tranh cụ thể, có bao nhiêu bông hoa, cái bút,... Rồi phân biệt có bao nhiêu bút xanh, bao nhiêu bút đỏ,... Tức là từ những thao tác thống kê kiểm đếm rất đơn giản.
Tôi nghĩ cái khó không phải nằm ở phía học sinh mà phía các giáo viên. Các thầy cô cần nâng cao trình độ, nhận thức được đúng đắn nội dung của xác suất và thống kê để truyền đạt cho học sinh không bị sai. Có những khái niệm nếu bị truyền đạt sai thì lên các cấp học cao hơn, học sinh sẽ rất khó sửa.
Tuy nhiên khó khăn với giáo viên là việc chuyển từ dạy học theo chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học.
Cái khó thứ hai là giáo viên tiểu học chưa được làm quen với xác suất và kiến thức thống kê dạy trong chương trình hiện hành cũng tương đối ít. Do đó việc triển khai nội dung xác suất và thống kê ở trường phổ thông tương đối khó khăn.
Bộ GD-ĐT cũng nhận thức rõ điều này nên thời gian qua đã có những dự án, hoạt động đào tạo cho giáo viên để quen với những kiến thức này và từ đó có thể dạy học sinh được tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!