Bảo đảm những cuốn sách giáo khoa chất lượng nhất

GD&TĐ - Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định, so với các lần sửa đổi sách giáo khoa trước đây, lần triển khai này bài bản, chặt chẽ hơn và bảo đảm được tính khoa học hơn.

Một lớp học của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG
Một lớp học của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG

- Theo đại biểu, các quy định về tiêu chí và quy trình thẩm định SGK mới đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

- Việc đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu của hệ thống tiêu chí và quy trình thẩm định sách giáo khoa (SGK) ngay bây giờ có lẽ khó chính xác, vì đang trong thời kỳ triển khai thẩm định bộ SGK đầu tiên dành cho lớp 1. Chỉ có thể ghi nhận rằng, về tính pháp lý là ổn, vì việc thẩm định SGK đang được tiến hành dựa trên hai văn bản: Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cũng phải chia sẻ thêm, việc căn cứ vào 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí, 40 minh chứng như quy định trong Thông tư 33 để xem xét, thẩm định SGK từ lớp 1 - 12 là một thách thức lớn đối với Hội đồng thẩm định; đòi hỏi các thành viên Hội đồng phải vừa tuân thủ tiêu chí và cấu trúc chương trình; vừa có sự linh hoạt, xem xét SGK theo hướng “mở”, tránh cứng nhắc khi vận dụng từng tiêu chí vào các bản thảo SGK. Theo tôi được biết, ngoài các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ GD&ĐT đã mời các chuyên gia phân tích và xây dựng hệ thống thông số cần đạt để sử dụng nội bộ trong thẩm định.

Bên cạnh đó, quy trình thẩm định được tiến hành gồm các bước chặt chẽ ứng với thời gian cụ thể, có đối thoại giữa các tác giả và thành viên Hội đồng thẩm định; có sự tương tác, chia sẻ giữa người thẩm định và các tác giả biên soạn sách. Theo quy định, nếu chưa đạt, các tác giả có thể chỉnh sửa và đề nghị thẩm định lại lần 2 theo quy trình các bước như thẩm định lần đầu. Hy vọng với cách làm này, việc thẩm định sẽ đảm bảo khách quan, linh hoạt.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: TG
 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: TG

- Việc quy định các thành phần trong Hội đồng thẩm định SGK có bảo đảm tính khách quan hay không?

- Thẩm định là một trong hai yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng SGK được đưa vào sử dụng. Theo Thông tư 33, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK bao gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan; trong đó có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Cơ cấu này cũng được thảo luận kỹ và quy định tại Luật Giáo dục năm 2019. Tôi cho rằng, với thành phần tham gia Hội đồng thẩm định SGK như vậy, cơ bản là đảm bảo đa dạng về thành phần, phù hợp yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn.

Tất nhiên, đó là về lý thuyết. Còn trong thực tiễn, việc lựa chọn cá nhân từng thành viên Hội đồng cũng phải có sự cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó, đặc biệt là vấn đề năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm và uy tín cao trong giới chuyên môn. Như vậy, áp lực đối với Hội đồng thẩm định là rất lớn; áp lực bởi tiến độ về thời gian, bởi sự quan tâm của xã hội đối với chất lượng SGK phổ thông mới (thậm chí có cả tâm lý hoài nghi), nhất là lần đầu tiên thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK.

Do vậy, mỗi thành viên Hội đồng chắc chắn sẽ phải làm việc cẩn trọng, trách nhiệm, khách quan, công tâm, bản lĩnh. Và để bảo đảm tính khách quan, công bằng trong thẩm định, cũng cần lưu ý thêm một vài điều kiện nhỏ như: Người tham gia thẩm định không tham gia viết sách, không có quyền lợi trực tiếp liên quan đến biên soạn, tuyển chọn; đồng thời tăng cường cơ chế kiểm soát, giám sát, bảo đảm các khâu trong quy trình thẩm định phải được thực hiện minh bạch, công khai để bảo đảm uy tín cho Hội đồng thẩm định và lòng tin của xã hội.

HS tìm mua SGK. Ảnh minh họa/ INT
 HS tìm mua SGK.              Ảnh minh họa/ INT

- Trong quá trình thẩm định SGK, có thể sẽ có những bộ sách không được lựa chọn hoặc sẽ phải chỉnh sửa. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Đây là giai đoạn nước rút của việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK. Điểm nhấn của lần đổi mới này là cho phép các nhóm tác giả, các tác giả được tham gia biên soạn SGK trên cơ sở chương trình tổng thể đã được phê duyệt. Thông thường, tổ chức, cá nhân nào tham gia biên soạn SGK đều dành tâm huyết, trách nhiệm để có được chất lượng tốt nhất; và đương nhiên, nguồn lực đầu tư cũng không nhỏ. Vì vậy, tác giả SGK đều muốn được thẩm định loại “đạt”, hoặc “đạt nhưng cần sửa chữa”; khó chấp nhận “những đứa con tinh thần” của mình “không đạt”; đó là lợi ích, nhưng trên hết, đó là tâm huyết, là danh dự của từng tác giả, nhóm tác giả.

Tuy nhiên, đã gọi là thẩm định thì phải dựa trên tiêu chí, quy trình cụ thể. Mục tiêu đặt ra là cần chọn được các bộ SGK tốt, có chất lượng về nội dung, phương pháp, nhưng trước hết phải đáp ứng được chương trình mới ban hành năm 2018. Do vậy, cũng khó tránh khỏi việc có những SGK “đạt nhưng cần sửa chữa”, thậm chí “không đạt”.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Xét về vai trò truyền thông, cũng nên tuyên truyền, phản ánh quá trình thẩm định SGK theo hướng tích cực, góp phần giảm độ “nóng” nếu có nguy cơ xảy ra. Điều quan trọng là bảo đảm có được sản phẩm là những cuốn SGK tốt nhất, chất lượng nhất.
                                                            Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ