Sách giáo khoa qua các thời kỳ đổi mới

GD&TĐ - Lịch sử phát triển sách giáo khoa giáo dục phổ thông Việt Nam đã trải qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1957, 1981, 2002, 2020.

Học sinh thăm quan Triển lãm sách giáo khoa qua các thời kỳ.
Học sinh thăm quan Triển lãm sách giáo khoa qua các thời kỳ.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng cần nhìn lại những lần đổi mới chương trình sách giáo khoa để có thể rút ra cách xử lí đúng đắn, tối ưu nhất về việc biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác có thể thấy vì sao có được những bộ sách giáo khoa có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất học sinh, có giá bán phù hợp với mức sống của đa số người dân trong cộng đồng, góp phần cùng ngành giáo dục thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo các nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Thời kì loại bỏ giáo dục thực dân, đặt nền móng, tạo tiền đề quan trọng trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nền giáo dục cách mạng

Sau Cách mạng Tám năm 1945, Đảng và Chính phủ đã chú ý ngay đến việc cải cách giáo dục, nhưng do tập trung vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến tháng 7/1950, Hội đồng Chính phủ mới thông qua đề án cải cách giáo dục, với mục tiêu loại bỏ nền giáo dục thực dân, xây dựng nền giáo dục dân chủ nhân dân. Theo đó, hệ thống giáo dục thực dân hệ 12 năm và hệ thống phân ban tú tài nội địa hệ 10 năm đều được chuyển sang hệ 9 năm, theo cấu trúc ba cấp học: Cấp 1: 4 năm; Cấp 2: 3 năm; Cấp 3: 2 năm; thực hiện chương trình mới với nguyên lí đại chúng, dân tộc, khoa học.

Để biên soạn sách giáo khoa cho chương trình 9 năm, tháng 7/1950, Bộ Giáo dục đã thành lập Trại Tu thư để biên soạn sách giáo khoa tại Đào Dã, Phú Thọ. Đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Trung ương Đảng, đã đến Trại Tu thư quán triệt việc biên soạn sách giáo khoa, trong đó nhấn mạnh, do hoàn cảnh cuộc kháng chiến nên Trại sách cần tập trung khả năng trước mắt vào việc biên soạn sách giáo khoa các môn học: Quốc văn, Lịch sử, Toán, Lí, Hoá, Chính trị thường thức.

Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng ác liệt, Trại sách không hoạt động liên tục, nhưng đến năm 1952, với tinh thần nỗ lực cao và khẩn trương, Trại sách đã hoàn thành biên soạn lại toàn bộ sách giáo khoa cấp 1 theo chương trình mới. Các sách giáo khoa cấp 2, cấp 3 biên soạn được một số tài liệu về Lịch sử, Chính trị, Giáo dục công dân.

Với nền giáo dục cách mạng non trẻ, trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn gian khổ, ngành giáo dục khi ấy đã có nhiều cố gắng biên soạn sách giáo khoa hệ 9 năm. Đây là thời kì ngành giáo dục đã đạt được những thành quả, tiền đề đầu tiên trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa của nền giáo dục cách mạng.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần thứ nhất (1956 – 1975): Chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm.

Về cuộc cải cách giáo dục từ năm 1956 đến năm 1975, tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 “ban hành quy chế trường phổ thông 10 năm” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, các trường phổ thông thực hiện dạy học theo hệ 10 năm, chia làm 3 cấp học: Cấp 1: 4 năm, từ lớp 1 đến lớp 4; Cấp 2: 3 năm, từ lớp 5 đến lớp 7 và Cấp 3: 3 năm, từ lớp 8 đến lớp 10. Lần cải cách này, chương trình sách giáo khoa có nhiều nội dung học tập chương trình sách giáo khoa các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Để phục vụ cho việc chuyển hệ giáo dục 9 năm thành hệ giáo dục 10 năm, sách giáo khoa đã phải được tổ chức biên soạn, biên tập lại cho phù hợp. Việc biên soạn, biên tập sách giáo khoa do Ban Tu thư của Bộ Giáo dục đảm nhiệm.

Để xuất bản sách giáo khoa, ngày 1/6/1957, Nhà xuất bản Giáo dục được Bộ Giáo dục thành lập, được coi như một phòng của Bộ nhưng đồng thời lại được cho phép “hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia”. Bộ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục những nhiệm vụ quan trọng...

Việc biên soạn, biên tập sách giáo khoa được Ban Tu thư của Bộ Giáo dục trực tiếp thực hiện giai đoạn đầu cũng cho thấy Bộ Giáo dục đã hết sức thận trọng trong các công việc này, bởi đó là những công việc quyết định nội dung, tư tưởng, chất lượng của sách giáo khoa. Qua đó có thể thấy, vai trò của sách giáo khoa đã được xác định hết sức quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục...

Qua lần đổi mới chương trình sách giáo khoa lần này có thể nhận thấy, ngay từ giai đoạn đầu của nền giáo dục mới, vai trò của một nhà xuất bản chuyên nghiệp về xuất bản sách giáo khoa là không thể thiếu được. Việc thành lập Nhà xuất bản Giáo dục không chỉ đóng vai trò tổ chức in ấn, mà đó phải là đơn vị phải đảm trách toàn bộ các công đoạn của việc xuất bản sách giáo khoa. Vai trò quán xuyến toàn bộ các công đoạn của quá trình xuất bản sách giáo khoa sẽ làm cho việc xuất bản sách giáo khoa có chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước.

Sách giáo khoa mới đã đáp ứng yêu cầu dạy học, đổi mới giáo dục.

Sách giáo khoa mới đã đáp ứng yêu cầu dạy học, đổi mới giáo dục.

Đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ hai (1976 – 2000): Hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Bắc – Nam

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, với chủ trương “xúc tiến việc chuẩn bị thực hiện Cải cách giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị”, ngày 4/12/1975, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 219/CP “Giao cho Bộ Giáo dục nhiệm vụ tổ chức biên soạn sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy các bộ môn theo Chương trình Cải cách giáo dục cho tất cả các lớp từ vỡ lòng đến hết cấp phổ thông trung học (kể cả sách bổ túc văn hoá cho người lớn tuổi)”. Đây là việc cấp bách nhằm thống nhất hai hệ thống giáo dục ở hai miền Bắc – Nam.

Thực hiện quyết định đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã ra Quyết định 410/QĐ “thành lập Trung tâm biên soạn sách Cải cách giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục”.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục cùng với các Vụ, Cục chỉ đạo các ngành học phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục và Trung tâm biên soạn sách Cải cách giáo dục chỉnh lý sách giáo khoa B, biên soạn những tài liệu sửa đổi bổ sung cần thiết vào các sách giáo khoa phổ thông ở cả hai miền cho phù hợp với hệ thống giáo dục thống nhất ở cả nước.

Trong giai đoạn đầu sau khi thống nhất hai miền Nam - Bắc, từ 1976 - 1981, trong khi chưa có chương trình - sách giáo khoa dùng chung, miền Bắc tiếp tục chương trình 10 năm và miền Nam tiếp tục chương trình 12 năm.

Qua nhiều khâu chuẩn bị, sau một thời gian khá dài, tới năm học 1981 – 1982, mới thực hiện được việc thay sách Cải cách giáo dục ở lớp 1 trên toàn quốc.

Bên cạnh những thành công thì những bài toán “sao”, việc trích dùng thơ văn của sách Học vần, nhất là vấn đề kiểu chữ viết trong sách Tập viết đã đặt ra những vấn đề gay cấn, gây ra những cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều...

Nhìn chung, từ năm 1981 - 1988, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện đúng tiến độ của Bộ trong việc phối hợp với đội ngũ tác giả, với các Cục, Vụ, Viện thay sách đảm bảo tiến độ của ngành giáo dục.

Tuy nhiên trong thời gian này cũng đã xảy ra không ít vấn đề, sự cố tưởng như phải dừng lại, hoãn lại, song với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm, việc đổi mới sách giáo khoa vẫn được diễn ra...

Đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ ba (2002 – 2008) theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội “đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Giai đoạn này, theo chỉ đạo của Bộ, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện việc biên soạn và xuất bản theo hình thức cuốn chiếu sách giáo khoa, từ năm 2002 trở đi thực hiện sách giáo khoa mới ở các lớp 1 - lớp 6; 2003 là lớp 2 - lớp 7; 2004 là lớp 3 - lớp 8; 2005 là lớp 4 - lớp 9; 2006 là lớp 5...

Trong khoảng thời gian đó, Nhà xuất bản Giáo dục đã xuất bản đồng bộ sách giáo khoa, sách giáo viên mới các lớp nêu trên, đồng thời cung cấp đủ bản đồ, tranh ảnh giáo khoa, băng đĩa CD giáo khoa phục vụ việc dạy học theo sách giáo khoa mới.

Và theo lộ trình đến năm 2006, Nhà xuất bản Giáo dục đã hoàn thành việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 9 theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Việc biên soạn sách giáo khoa lần này được triển khai theo chương trình khung năm 2000, và đến năm 2006, sau khi hoàn thành việc xuất bản sách giáo khoa từ lớp 1 - 9 thì chương trình chi tiết cũng mới được hoàn thành và được in xuất bản thành tài liệu chính thức. Nên cũng vì thế, chương trình 2000 còn được gọi là chương trình 2006...

Đến năm 2008, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục đã hoàn thành việc biên soạn xuất bản sách giáo khoa 12 lớp theo Nghị quyết 40 của Quốc hội. Sách giáo khoa theo chương trình 2000 được đổi sang khổ to 17x24cm, sách tiểu học được in 4 màu, có hình thức đẹp hơn sách giáo khoa trước đó.

Việc phát hành sách giáo khoa trong lần này được thực hiện theo cơ chế thị trường, bên cạnh việc sách giáo khoa được ngân sách nhà nước cấp phát cho một số học sinh vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, phần lớn còn lại, phụ huynh học sinh tự mua sách giáo khoa cho con em dùng đi học.

Giá sách giáo khoa có giá bán rẻ bởi có nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, đồng thời vì chỉ tập trung đầu tư vào một bộ sách cho cả nước, số bản in lớn, nên chi phí tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, nhuận bút... phân bổ trên một bản sách giáo khoa thấp.

Bên cạnh đó, hằng năm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ tặng cho học sinh, đẩy mạnh công tác thư viện trường học và xã hội từ thiện, tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và con em gia đình diện chính sách, tặng sách cho các thư viện trường học.

Sách giáo khoa mới đã tiệm cận với sách giáo khoa các nước phát triển.

Sách giáo khoa mới đã tiệm cận với sách giáo khoa các nước phát triển.

Đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ tư (2013 - nay) theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa, sách giáo khoa lần này được biên soạn xuất bản theo chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa. Theo đó, từ năm 2017 đã có thêm nhiều nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách giáo khoa.

Tháng 12/2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.

Năm 2019, Bộ thành lập các hội đồng quốc gia thẩm định để thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 1, từ năm học 2020 - 2021 toàn quốc đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được đưa vào sử dụng: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) và bộ Cánh Diều (của Công ty CP Vepic kết hợp với một số nhà xuất bản).

Từ đó cho đến nay, theo lộ trình, năm học 2020 - 2021 sách giáo khoa lớp 1; 2021 - 2022 sách giáo khoa lớp 2 - lớp 6; 2022 - 2023 sách giáo khoa lớp 3 - lớp 7 - lớp 10 đã được đưa vào nhà trường sử dụng đại trà.

Để tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng xuất bản sách giáo khoa, từ lớp 2 trở đi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ chỉ còn 2 bộ sách là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo. Nên từ lớp 2, về cơ bản, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc có 3 bộ sách để lựa chọn sử dụng là: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều.

Và hiện nay, sách giáo khoa mới đang tiếp tục lộ trình của Bộ GD&ĐT. Tiệm cận với sách giáo khoa các nước phát triển, khổ sách giáo khoa đã được điều chỉnh từ khổ 17x24 cm thành khổ lớn hơn là 19x26,5cm. Không chỉ sách giáo khoa tiểu học được in 4 màu mà hầu sách giáo khoa tất cả các lớp đều được in 4 màu.

Việc phát hành sách giáo khoa lần này cũng chủ yếu được thực hiện như giai đoạn ngay trước đó. Bên cạnh những thành công, lần đổi mới sách giáo khoa này cũng còn những vấn đề tồn tại mà hiện Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo khắc phục để việc xuất bản sách giáo khoa được tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mikhail Bogdanov.

Tiết lộ cuộc thảo luận Moscow với HTS

GD&TĐ -Các nhà ngoại giao Nga tại Damascus đã gặp đại diện của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - nhóm đối lập đã nắm quyền ở Syria, để thảo luận một số vấn đề.