Sách giả giống đến 70% 'giết chết' sách thật

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sách giả tràn lan nhưng không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu khiến các nhà xuất bản điêu đứng.

Theo Anbooks, sách giả giống đến 70% sách thật.
Theo Anbooks, sách giả giống đến 70% sách thật.

Từ đó, sách có hàm lượng giá trị tri thức cao không được đầu tư, ngành sách sẽ không “lớn” lên được.

Sách giả giống đến 70% sách thật

Cứ đầu sách nào bán chạy là sách giả xuất hiện, thậm chí chỉ vài ngày sau khi xuất bản thì sách giả đã nhan nhản trên thị trường. Sách giả có giá thấp hơn đã khiến cho sách thật không còn “đường sống”, đơn vị phát hành sách không chỉ lâm vào tình trạng điêu đứng, mà còn tuyệt vọng trước hành trình tìm lại công bằng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks cho biết, mới đây bộ sách “Dạy con trong hoang mang” của tác giả Lê Nguyên Phương, một bộ sách do Anbooks đầu tư và sở hữu quyền khai thác, được cấp phép bởi NXB Tổng hợp TPHCM, đã bị làm giả.

Theo bà Thảo, sách “Dạy con trong hoang mang” xuất bản lần đầu từ tháng 6/2017 và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của bạn đọc. Từ năm 2017 đến nay, Anbooks đã in 35.000 bản. Bộ sách đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng cho hạng mục sách hay, sách viết, sách mảng giáo dục.

Toàn bộ 35.000 bản sách do Anbooks in đều được bảo vệ bởi “Giải pháp chống giả và tương tác với độc giả” (Social books), một giải pháp do Anbooks sáng tạo, xây dựng và thử nghiệm từ 2016.

Tuy nhiên vừa qua, Anbooks đã tiếp nhận thông tin từ các kênh phân phối về việc bộ sách “Dạy con trong hoang mang” bị làm giả và bán công khai trên các trang thương mại điện tử trong khoảng từ tháng 9/2023.

Anbooks đã tiến hành đặt sách theo link từ các nguồn Salabookz, Shopee Mall. Sau khi nhận được hàng, đơn vị này xác nhận đó là sản phẩm giả.

“Đáng chú ý, các đơn vị bán sách giả đều xác nhận: Có sách số lượng lớn (500 – 1.000 cuốn), sẵn sàng giao, ký hợp đồng, có xuất hóa đơn. Dựa trên các bằng chứng thu thập được, chúng tôi đủ cơ sở để công bố bộ sách “Dạy con trong hoang mang” đã bị làm giả và đang phân phối tràn lan trên thị trường”, bà Ngô Phương Thảo cho hay.

Đại diện Anbooks cho biết thêm, sách giả trên các sàn thương mại điện tử được chiết khấu từ 30 - 50%. Sách giả giống đến 70% sách thật. Tuy nhiên, bìa của sách giả không có nhũ óng ánh bắt mắt. Đặc biệt là không có mã QR code ở bìa 4.

Khi sự việc sách giả bị phát giác, Anbooks đã có thông cáo trên website công ty cũng như trên các nền tảng mạng xã hội để độc giả được biết. Tuy nhiên, việc tiến hành lập vi bằng và theo đuổi vụ kiện có lẽ sẽ không xảy ra vì kinh nghiệm cho thấy, sẽ không thay đổi được cục diện và chỉ mất thời gian cũng như tiền bạc.

Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm tìm giải pháp ngăn chặn sách giả nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khả thi.

Đã có nhiều hội thảo, tọa đàm tìm giải pháp ngăn chặn sách giả nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khả thi.

Sách giả “giết chết” sách thật

Sách giả tràn lan trên thị trường đã là một chuyện rất cũ ở nước ta nhưng đến nay gần như chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn. Một trong các nguyên nhân khiến tác giả cũng như các nhà xuất bản ngại kiện tụng bởi những phức tạp trong quá trình đi đòi công lý.

Điển hình như PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học) bị ai đó chia sẻ file PDF cuốn sách “Bách khoa thư làng Việt cổ truyền”. Rất nhiều người khuyên ông nên “dựa vào cơ quan pháp luật, làm cho ra nhẽ”. Tuy nhiên, ông chỉ cười vì ông ngại kiện tụng.

Theo ông Đính, khi sách bị làm giả, khi bản quyền bị xâm hại thì thiệt thòi nhất chính là các nhà xuất bản cũng như đơn vị phát hành. Họ phải bỏ tiền ra in ấn, biên tập viên phải nhọc nhằn, kỳ công rà soát, bỏ tiền ra làm truyền thông quảng cáo…

Ở cấp quản lý, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Xuất bản Việt Nam cũng có nhiều hội thảo, tọa đàm tìm giải pháp ngăn chặn vấn nạn sách giả.

Theo đó, việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội. Đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng.

File PDF cuốn sách 'Bách khoa thư làng Việt cổ truyền' của PGS.TS Bùi Xuân Đính bị chia sẻ trên mạng xã hội.

File PDF cuốn sách 'Bách khoa thư làng Việt cổ truyền' của PGS.TS Bùi Xuân Đính bị chia sẻ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, ngay các nhà xuất bản cũng ngại động chạm đến việc kiện tụng. Cực chẳng đã, các đơn vị này đành nghĩ ra cách nhận diện sách giả - sách thật, mã thẻ cào, quét mã QR… nhằm giúp người mua cảnh giác, làm theo các bước để tránh mua phải sách giả.

Ngay như Anbooks, từ lâu đã đầu tư vào ứng dụng công nghệ Reading Code với hai tính năng cơ bản: Chống giả (thông qua xác thực ID) và tương tác trực tiếp với những nhóm người liên quan đến sách.

Tính năng chống giả được xây dựng trên nguyên tắc mỗi cuốn sách có một ID. Nếu ISBN là dãy số được cấp bởi Cục Xuất bản, In và Phát hành để quản lý theo đầu sách thì Reading Code được xây dựng để cấp ID cho từng cuốn sách. ID này do đơn vị sản xuất quy định trong hệ thống lưu trữ.

Tuy nhiên, có thể thấy khá ít độc giả quan tâm đến sách giả - sách thật, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ở đâu bán sách giá rẻ thì dễ “chạy hàng”. Reading Code mà Anbooks thực hiện chỉ có tác dụng chứng minh đó là sách thật của công ty phát hành chứ không có tác dụng ngăn chặn kẻ làm giả - “Dạy con trong hoang mang” đang bị làm giả chính là ví dụ điển hình.

Tuy vậy, bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks vẫn cho rằng, bao nhiêu năm nay chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn mà quên phần gốc, chúng ta chỉ sử dụng chế tài, truyền thông mà không sử dụng công nghệ. Khi chúng ta chuyển đổi số ngành xuất bản cùng các quy trình phát hành số, thì toàn bộ công nghệ xuất bản sẽ hóa giải được chuyện sách giả.

“Ngành sách muốn “lớn” được thì phải tăng dung lượng thị trường, tăng doanh thu lợi nhuận. Không phải sách nào cũng bán chạy, có khi in vài chục đầu sách mới có một cuốn bán chạy. Và không phải lúc nào người làm xuất bản cũng chỉ chạy theo thị trường, có những cuốn sách hàm lượng tri thức cao, dành cho nhóm độc giả kén chọn thì sách nhóm luôn bị lỗ.

Để “nuôi” những cuốn sách có giá trị định hình tư tưởng đất nước thì phải có những cuốn sách bán chạy để làm nguồn vốn tái đầu tư. Khi người ta làm giả những cuốn sách bán chạy, tức là đang “giết chết” nguồn lực đầu tư cho những cuốn sách giá trị” - Bà Ngô Phương Thảo - Giám đốc Anbooks.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ