Giám đốc doanh nghiệp và cựu cán bộ Nhà nước vướng lao lý
Theo đó, các bị cáo trong vụ án bị truy tố, xét xử về các tội danh: Sản xuất, buôn bán hàng giả; Sản xuất hàng giả; Buôn bán hàng giả; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong số này, bị cáo Trần Hùng (cựu Tổ trưởng Tổ 304 thuộc Tổng cục Quản lý thị trường) bị truy tố, xét xử về tội Nhận hối lộ. Ngoài ra, có 3 cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường số 17 bị đưa ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) bị đưa ra xét xử về tội Môi giới hối lộ. Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Vụ án được xét xử công khai từ ngày 31/5 do Thẩm phán Mai Văn Quang làm chủ tọa phiên tòa. Phiên xét xử này dự kiến diễn ra trong 7 ngày, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP Hà Nội, hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Trần Hùng có 5 luật sư bào chữa.
Chu trình sản xuất sách giả khép kín
Trong vụ án trên, Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Cao Thị Minh Thuận là chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả.
Theo nội dung cáo trạng, Công ty Phú Hưng Phát có địa chỉ trụ sở tại phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là mua, bán sách, thiết bị giáo dục, đồ chơi, đồ lưu niệm...
Từ năm 2018, Cao Thị Minh Thuận đã tổ chức sản xuất và đặt mua các loại sách giáo khoa giả với số lượng đặc biệt lớn để bán cho một số đối tượng tại các tỉnh từ Quảng Bình trở ra phía Bắc với cách thức rất tinh vi.
Cụ thể, đối với hành vi sản xuất sách giáo khoa giả, Cao Thị Minh Thuận trực tiếp và chỉ đạo nhân viên Công ty Phú Hưng Phát bàn bạc, thỏa thuận đặt in sách giáo khoa giả tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội do Hoàng Mạnh Chiến làm Giám đốc.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng đặt in bản kẽm tại Công ty TNHH Tạp phẩm và vật tư ngành in do Nguyễn Minh Đức làm Giám đốc, Công ty TNHH in và Thương mại INP do Nguyễn Mạnh Thắng làm Giám đốc và các đối tượng khác. Đây là một trong những công đoạn để thực hiện việc in sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số nhà xuất bản khác.
Thuận cũng chỉ đạo thuộc cấp đặt mua tem giả Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và một số loại tem giả khác của Nguyễn Văn Toàn (Giám đốc Công ty TNHH TM và in Lâm Anh) và các đối tượng khác để dán lên sách giả.
Không dừng ở đó, các đối tượng còn mua giấy in các loại, cung cấp bản kẽm cho các công ty và cá nhân thực hiện việc in sách. Sau đó, chúng giao cho các xưởng gia công các bản in và tem giả hoàn thiện sách giáo khoa giả, đưa về kho cất giấu để bán ra thị trường.
Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện số lượng lớn sách giả. |
Sách giả được “tuồn” ra thị trường như nào?
Đối với hành vi bán sách giáo khoa giả, Cao Thị Minh Thuận chỉ đạo nhân viên của Công ty Phú Hưng Phát đi đến các cửa hàng sách để chào hàng. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng lập 2 tài khoản trên mạng xã hội Zalo với tên “Nhà sách Minh Thuận 1” và “Nhà sách Minh Thuận 2” để các khách hàng thông qua phần mềm liên hệ với nhân viên của công ty đặt mua sách.
Sau khi thống nhất, thỏa thuận việc mua bán, mức chiết khấu (từ 30% đến 65% trên giá bìa), chủng loại, số lượng sách, 2 bên chốt đơn hàng theo từng hóa đơn. Cao Thị Minh Thuận chỉ đạo nhân viên giao sách cho khách hàng bằng 3 cách.
Cụ thể, nhân viên của Công ty Phú Hưng Phát trực tiếp chở hàng đến địa chỉ của khách hàng. Khách hàng kiểm đếm đủ số thùng, ký nhận vào 1 bản hóa đơn để lái xe mang về, khách hàng giữ lại 1 bản hóa đơn với mục đích để 2 bên kiểm tra, đối chiếu công nợ.
Với cách thứ 2, nhân viên của Thuận sẽ gửi sách cho các xe tải đường dài giao sách theo chỉ định của khách hàng. Cách cuối cùng, khách hàng sẽ trực tiếp hoặc tự thuê xe tải đến kho của công ty để nhận sách và ký nhận vào 1 bản hóa đơn bán lẻ.
Quá trình giao dịch, Thuận cũng yêu cầu các khách hàng tạm ứng trước một số tiền bằng hình thức trả tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của Thuận. Đến cuối năm hoặc qua vụ bán sách, 2 bên mới đối chiếu công nợ, thanh toán dứt điểm hoặc chốt số liệu để nợ gối sang năm sau.
Nhân viên của Công ty Phú Hưng Phát được Thuận chỉ đạo tập hợp công nợ của khách hàng, chụp và gửi qua Zalo cho khách hàng. Trường hợp khách hàng xem xong không có ý kiến gì, những nhân viên này sẽ lưu lại để đối chiếu nối tiếp những lần tiếp theo. Khi cần chỉnh sửa, bổ sung, khách hàng phản hồi lại ngay để 2 bên cùng sửa chữa, tính toán lại công nợ.
Để thực hiện việc sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, Cao Thị Minh Thuận mua 5 xe ô tô tải làm phương tiện vận chuyển sách về kho và đi tiêu thụ. Thuận cũng chỉ đạo nhân viên Công ty Phú Hưng Phát đi thuê, quản lý các kho trên địa bàn TP Hà Nội để cất giấu sách giả, chờ đi tiêu thụ.
Kết quả điều tra xác định, trong năm 2021, Thuận đã tổ chức sản xuất và thực tế nhập kho tổng số hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác với tổng trị giá (theo giá in trên bìa) là hơn 260 tỉ đồng.
Công ty của Thuận đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả với tổng giá trị sách theo giá in trên bìa là hơn 164 tỉ đồng (tổng trị giá theo hóa đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73 tỉ đồng). Trong đó, Thuận đã thu của các khách hàng với số tiền thực tế là hơn 30 tỉ đồng.