Cứ sách bán chạy là bị làm giả
Càng sát thời điểm đầu năm học mới, sách giả, đặc biệt là sách giáo khoa giả càng được rao bán rầm rộ. Đây không chỉ là mối đe dọa của ngành xuất bản, mà còn đem lại những hệ luỵ khó lường đối với người đọc.
Với đủ mọi mức giá, cuốn sách “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie vốn là tác phẩm bán chạy nhất và có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại được rao bán tràn lan trên mạng xã hội (MXH).
Trong khi đơn vị mua bản quyền niêm yết mức giá bìa 86.000 đồng và giá bán là 77.400 đồng, thì trên MXH lại rẻ hơn rất nhiều, từ 55.000 đồng cho đến 50.000 đồng.
Ở mức giá nào, người mua cũng dễ dàng mua được cuốn sách “Đắc nhân tâm” hoặc combo bộ 7 cuốn: Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đắc nhân tâm, Nghệ thuật bán hàng bậc cao, 7 thói quen để thành đạt, Hạt giống tâm hồn, Đọc vị bất kỳ ai - với mức giá chỉ trên 290.000 đồng.
Gõ tìm kiếm “mua sách online”, chỉ trong thời gian 0,41 giây, Google đã cho ra 142 triệu kết quả. Ngoài các trang web chính thống của các đơn vị xuất bản, các nhà sách thì còn vô số các kênh mua bán trực tuyến về sách giả, sách lậu với đủ mọi mức giá.
Ông Nguyễn Văn Phước - CEO First News Trí Việt bức xúc nói với GD&TĐ khi hàng trăm đầu sách bị làm giả: “Cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” giá 219.000 đồng, bán trên sàn Shopee chỉ với giá 111.000 đồng. Khi giới thiệu hình ảnh trên sàn là sách thật, khi giao hàng cho khách toàn là sách giả. Nhiều bạn đọc mua phải sách giả ở đây, đổi không được báo lại với First News”.
Theo ông Phước, không chỉ “Muôn kiếp nhân sinh” bị làm giả cả 3 tập mà hàng trăm đầu sách khác của đơn vị, cũng như rất nhiều đầu sách bán chạy của các nhà xuất bản, các công ty xuất bản khác cũng bị in giả rồi bán tràn lan mà không có một ai, một cơ quan nào để các đơn vị xuất bản kêu cứu.
Bên cạnh First News, Alpha Books cũng đưa ra thống kê gây “sốc”: Trong số 1.000 tựa sách của đơn vị thì có tới 20 - 30% sách bị làm giả, in lậu. Có những đầu sách, đơn vị chỉ mới xuất bản 2 tuần thì lập tức bị làm giả, công khai bày bán trên MXH.
Thái Hà Books cũng cho biết, có hơn 100 đầu sách đang bị in lậu. Điều đáng chú ý, cứ đầu sách nào có hiệu ứng truyền thông tốt, bán chạy thì đều bị làm giả.
Cách nhận diện trực quan sách giả - sách thật. |
Quét mã nhận diện thật - giả
Không chỉ in lậu, làm giả đối với những đầu sách bán chạy, trước thềm năm học mới 2023 - 2024 tình trạng sách giáo khoa giả cũng được bày bán sôi động. Vừa qua, cơ quan chức năng tại các địa phương trên cả nước đã thực hiện ra quân rà soát và kiểm tra các nhà sách, hiệu sách và phát hiện nhiều đầu sách giáo khoa, sách tiếng Anh giả.
Thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, vào tháng 7/2023 cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện 3.447 quyển sách giáo khoa giả mạo sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Các tựa sách được làm giả phần lớn là sách giáo khoa, sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12, có giá trị ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Tại Đồng Nai, khi kiểm tra ngẫu nhiên 2 nhà sách đã phát hiện trên 4.100 tựa sách giáo khoa bị in ấn giả mạo cùng hàng trăm cuốn sách giáo khoa tiếng Anh trung học cơ sở bộ Global Success không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Tại Cà Mau, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng trăm đầu sách bị làm giả bao gồm sách giáo khoa các cấp, sách tiếng Anh các khối lớp 4, 6…
Từ tháng 6 trở lại đây, NXB Giáo dục Việt Nam đã tiếp nhận nhiều thông tin và phản ánh từ người tiêu dùng (chủ yếu là phụ huynh, học sinh, giáo viên) về việc mua nhầm sách giả, sách lậu dẫn đến hậu quả là không kích hoạt được sách điện tử.
Trước vấn nạn trên, NXB Giáo dục Việt Nam đưa ra cách nhận diện: Sách giả thường bị cắt xén, khổ sách nhỏ hơn nếu so với sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang.
Điều dễ nhận thấy nhất là sách giả in ấn kém chất lượng do sử dụng giấy in chất lượng thấp, không sử dụng các công nghệ in ép nhũ, cán mờ; phần chữ không đều, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt.
Phần hình ảnh của sách giả không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều (đậm hơn so với sách thật) do dùng máy scan và xử lí lại. Điều quan trọng nhất là phần nội dung của sách giả, do được đánh máy lại nhưng không qua các khâu kiểm duyệt nên thường sai lệch kiến thức, nhầm lẫn các dòng nội dung.
Các đơn vị xuất bản cũng khuyến cáo phụ huynh chú ý kiểm tra mã thẻ cào và cào tem, quét mã QR trên tem chống hàng giả dán trên bìa để xác thực. Trong trường hợp mua nhầm sách giả, kiên quyết yêu cầu được hoàn trả sách thật với mã số có thể kích hoạt được.
Để giúp phụ huynh và học sinh không mua phải sách giả, ngành giáo dục các địa phương cũng đưa ra các khuyến cáo nên tới các cửa hàng sách, thiết bị trường học uy tín.
Khi chọn sách, người dân nên chú ý đến chất lượng mực in, hình ảnh trực quan. Đặc biệt, sách do các nhà xuất bản uy tín phát hành luôn có QR code để người mua có thể trực tiếp kiểm tra các thông tin, giá cả, đảm bảo không mua phải sách giả, sách kém chất lượng.
Xung quanh vấn nạn sách giả, mới đây tại hội thảo “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc” do Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam và một số nhà xuất bản tổ chức đã “mổ xẻ” những vấn đề đã tồn tại rất lâu mà chưa xử lý được. Trong đó, có chuyện về một cuốn sách tái bản đến 76 lần nhưng vẫn không thoát khỏi số phận bị làm giả.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định nhiều tác hại của sách giả, sách lậu đối với sự phát triển của văn hóa đọc.
Không chỉ vậy, vấn nạn này còn gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động xấu đến cơ quan tổ chức, thực thi pháp luật, xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu; gây thất thoát thuế; tạo thói quen tiêu dùng xấu và tác động tiêu cực đối với văn hóa đọc.
Hội thảo khoa học 'Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc'. |
“Tại hội thảo Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội.
Hiện nay, một số cơ sở đào tạo luật có quy định bắt buộc sinh viên học sách thật. Tới đây, chúng tôi mong muốn cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên toàn quốc có những cam kết để 100% sinh viên học sách thật.
Đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng”.