Chậm lương - chuyện “thường ngày”
Theo University World News (UWN), việc trì hoãn trả lương cho cả GV và nhân viên trong các trường ĐH diễn ra thường xuyên tại Rwanda. Đơn cử, tại ĐH Kibungo (UNIK) có trụ sở ở huyện Ngoma (tỉnh Đông), một số GV được nhận lương lần cuối cùng là từ tháng 8 năm ngoái. Ngoài ra, tại ĐH Christian Rwanda, nơi có khoảng 2.000 SV đang theo học, một số GV đã không được trả tiền lương trong vòng 8 tháng qua.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi đã không có lương trong 8 tháng và cũng không hy vọng sẽ nhận được khoản thanh toán sớm nào, vì ban quản lý trường hoàn toàn làm lơ trước những yêu cầu của chúng tôi”, một GV giấu tên tại ĐH Christian Rwanda bức xúc cho biết. Cũng theo GV này, trường ĐH đang nợ ông mức lương lên tới 3.900 USD. “Chúng tôi phải chi trả tiền thuê nhà, ăn uống và các nhu cầu cơ bản khác như đi lại. Nhưng mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn vì tình trạng nợ lương”, ông này nói thêm.
Trường ĐH Christian Rwanda bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2016 và chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, nhiều nhân viên trong trường đã không được trả lương suốt hơn một năm. “Chúng tôi không thể dạy tốt vì không có động lực. Cuộc sống của chúng tôi ngày càng bế tắc vì không được trả lương; Chất lượng GD cũng đang bị ảnh hưởng”, một GV khác chia sẻ.
Một nữ GV tại UNIK, trước đây là Viện Nông nghiệp, Công nghệ và Giáo dục của Kibungo, cho biết được trả lương lần cuối vào tháng 8/2018. “Trường ĐH nợ tôi tổng cộng là 10 tháng lương và tôi đang phải vật lộn để sống. Tôi trở thành con nợ của nhiều người và không biết làm thế nào để xóa được các khoản nợ đang không ngừng tăng lên”, cô bức xúc chia sẻ.
Nữ GV này cũng tiết lộ, trường ĐH đã đưa ra kế hoạch cung cấp dịch vụ đi lại cho các GV để có thể tiếp tục giảng dạy. GV sẽ được nhận khoảng 11 USD/tuần chi phí đi lại. Theo nữ GV giấu tên ở trên, một số GV khác trong trường thậm chí đã quyết định sử dụng số tiền trợ cấp đi lại này để mua lương thực và chỉ đi làm 1 lần/tuần.
Con số thống kê cho thấy, lượng SV tại UNIK đã giảm từ 4.400 trong năm 2014 xuống còn 1.200 ở cả 2 cơ sở của trường. Theo UWN, UNIK đang đề xuất sẽ trả lương cho nhân viên càng sớm càng tốt, nhưng chỉ khoảng 75% tiền lương hàng tháng và sẽ không trả thêm bất cứ khoản tiền lương nào mà cơ sở GD này nợ nhân viên thời gian trước đó.
“Thay vì trả tiền lương còn nợ nhân viên, trường ĐH muốn cắt giảm và vay 25% tiền lương của chúng tôi ”, một trong những nhân viên của trường chia sẻ.
“Cừu bị bỏ rơi”
SV từ các trường ĐH tại Rwanda khẳng định đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng nợ lương của trường. Chia sẻ với truyền thông, một SV tại ĐH Christian Rwanda nói: “Chúng tôi giống như những con cừu bị bỏ rơi vậy”. SV này cũng nhấn mạnh, cho đến nay trường ĐH vẫn chưa có bất cứ động thái chính thức nào; đồng thời, bày tỏ lo lắng về khả năng sẽ không được tốt nghiệp đúng hạn.
Giáo sư Pierre Damien Habumuremyi, chủ sở hữu ĐH Christian Rwanda, cho biết trường đang phải đối mặt với sự “mất cân bằng” giữa chi phí và thu nhập. “Chúng tôi đã trải qua sự mất cân đối giữa chi phí và thu nhập từ học phí. Đây là một thách thức lớn”, ông Habumuremyi khẳng định.
Cũng theo người chủ sở hữu ĐH Christian Rwanda, chỉ có 60% trong số 2.000 SV tại trường thường xuyên đóng học phí, tương đương khoảng 451 USD/năm. Trong khi đó, nhà trường có tới hơn 60 nhân viên và phải trả ít nhất 22.551 USD/tháng. Ngoài ra, cơ sở GD này cũng mất một khoản tiền tương tự trong việc thuê cơ sở vật chất và khoảng 11.275 USD cho chi phí vận hành. “Chúng tôi đang lên một danh sách thanh toán và hy vọng các nhân viên sẽ được trả lương vào cuối tuần tới”, ông Habumuremyi chia sẻ và xác nhận nhân viên sẽ được nhận lương của tháng 3 đến tháng 5.
Theo Phó Giáo sư Egide Karugarama của ĐH Kibungo, sự chậm trễ trong việc trả lương là do SV không đóng học phí đúng hạn, gây áp lực lớn lên tổ chức GD. “Có một vấn đề là, SV thường đóng học phí muộn, trong khi chúng tôi dùng khoản tiền đó để trả lương cho các GV và nhân viên. Đây là lỗi hệ thống tồi tệ, ảnh hưởng đến dòng tiền, khiến chúng tôi không thể trả lương cho nhân viên của mình”, ông Karugarama cho biết.
Vị Phó Giáo sư khẳng định đang giải quyết vấn đề nhằm bảo đảm rằng, các SV sẽ đóng học phí trước, giúp nhà trường không còn phải chịu cảnh “khan hiếm tiền mặt”.
Trước tình trạng nợ lương kéo dài tại nhiều trường ĐH, Tiến sĩ Emmanuel Muvunyi - Giám đốc điều hành của Hội đồng Giáo dục Đại học, khẳng định không hề hay biết về bất kỳ trường hợp nào như vậy. Ông Muvunyi cho biết, Hội đồng Giáo dục Đại học là cơ quan quản lý các hoạt động và cách vận hành của các trường theo tiêu chuẩn, chứ không phải cách những cơ sở GD đó quản lý tài chính.