Nepal: Cấm sinh viên học dự bị và ngôn ngữ ở nước ngoài

GD&TĐ - Ước mơ được ra nước ngoài học tập của sinh viên Nepal đã gần như bị khép lại bởi quyết định đột ngột từ chính phủ nước này, không cho phép họ học các khóa học dự bị hoặc ngôn ngữ ở nước ngoài.

Nhiều sinh viên Nepal vô cùng bức xúc trước quyết định mới của chính phủ
Nhiều sinh viên Nepal vô cùng bức xúc trước quyết định mới của chính phủ

Quyết định đột ngột

Luật mới được chính phủ Nepal ban hành vào hôm 12/6 đã khiến SV không được cấp “Không có Chứng nhận phản đối” (NOC) nếu không có sự tham khảo ý kiến với các bên liên quan. Đây là một phần trong việc thực thi theo luật hiện hành, cũng như đối phó với các vấn đề gia tăng, khi ngày càng có nhiều SV Nepal du học tại các trường không uy tín hoặc không thực sự đi học khi tới nước ngoài.

Nói về nguyên nhân của quyết định bất ngờ này, ông Maheshwor Sharma, người đứng đầu Bộ phận Quản lý NOC thuộc Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Chúng tôi đã quyết định thực hiện các quy định pháp lý sau khi số lượng SV Nepal gặp vấn đề ở nước ngoài ngày càng tăng. Phần lớn SV này đều đang theo học dự bị hoặc khóa học ngôn ngữ”. Ông Sharma khẳng định, nhiều SV nước này theo học các khóa ngôn ngữ ở nước ngoài nhưng thực ra lại làm việc để kiếm tiền thay vì theo đuổi sự nghiệp học tập.

Theo thống kê, có khoảng 1/2 số SV Nepal lựa chọn theo học các khóa học dự bị tại Australia. Trong khi đó, Nhật Bản lại là điểm đến yêu thích đối với những SV quyết định tham gia khóa học ngôn ngữ. Dữ liệu từ chính phủ Nepal cho thấy, trong số 62.800 SV được cấp NOC để học tại 72 quốc gia trong năm 2017 – 2018, có tới khoảng 32.200 SV đã theo học tại Australia. Nepal hiện là quốc gia xếp thứ ba về số lượng SV đến học ở Australia.

Việc ban hành luật mới một cách đột ngột đã khiến một số SV Nepal không thể theo học các khóa học đã lựa chọn trước đó. Anh Sunil Kumar Thapa (21 tuổi) đến từ huyện Surkhet thuộc miền Tây Nepal đã bị từ chối khi xin cấp chứng chỉ để học một khóa học ngôn ngữ, trước khi theo học tại một trường ĐH ở Nhật Bản. Nam thanh niên đã nộp đơn xin NOC để tham gia khóa học 2 năm tại Học viện Nghiên cứu Văn hóa Nhật Bản có trụ sở tại Okinawa. Tuy nhiên, lãnh đạo trường ĐH đã yêu cầu anh nộp thư xác nhận tuyển sinh cho bằng cử nhân và khóa học ngôn ngữ.

“Làm sao tôi có thể nhận được xác nhận cho bằng cử nhân nếu không hoàn thành khóa học ngôn ngữ?”, anh bức xúc cho biết. Cũng theo anh này, luật mới “là một điều nực cười”. Nam thanh niên chia sẻ, một người bạn của anh đã được nhận NOC vì nộp đơn chỉ trước khi chính phủ ban hành luật 2 ngày; đồng thời, khẳng định đây quả là điều bất công đối với những người như anh.

Một nữ SV khác có tên Anita Shrestha đến từ Syangja, cách thủ đô Kathmandu 250 km, tiết lộ đã hoàn toàn bị sốc sau khi bị Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ từ chối đơn xin NOC học dự bị điều dưỡng tại Australia. Tương tự như Sunil Kumar Thapa, để được nhận NOC, cô này cũng được yêu cầu nộp thư mời cho bằng cử nhân và khóa học dự bị. Trước đó, Anita đã được Học viện Nghiên cứu chuyên sâu Tây Australia có trụ sở tại Perth cho phép nhập học.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, các quan chức chính phủ Nepal khẳng định, quyết định mới này được đưa ra dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, thông qua việc chỉ cấp thư xác nhận cho những SV muốn theo học bậc GD cao hơn ở nước ngoài. Khoản 3 (B) của Đạo luật Học bổng Nepal năm 1964 (sửa đổi năm 2016) yêu cầu tất cả SV theo học ở nước ngoài phải được cấp chứng nhận để có thể đóng học phí cho các tổ chức GD. Cũng theo đạo luật, không có công dân nào được phép theo học GD bậc cao ở nước ngoài mà không nhận được thư NOC do Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ cấp. Theo các nhà lãnh đạo nước này, sau lần sửa đổi thứ 8 của Đạo luật Giáo dục 3 năm trước, chỉ có GD đại học mới được coi là GD bậc cao. Mặc dù, việc sửa đổi có hiệu lực từ tháng 6/2016, những SV muốn theo học các khóa học văn bằng hoặc ngôn ngữ ở nước ngoài vẫn được cấp chứng nhận cho đến hết 11/6.

Bức xúc lên tiếng

Theo nữ SV Anita Shrestha, chính phủ đã vi phạm quyền được tự do theo đuổi nền GD của SV, bằng cách ban hành lệnh cấm, ngăn những người trẻ tham gia các khóa học dự bị. Cũng theo Anita, đây là quyết định sai lầm khi cấm SV học dự bị chỉ vì vấn đề đang tồn tại ở một số tổ chức. “Chính phủ có thể áp đặt lệnh cấm một cách có chọn lọc nếu như một số tổ chức GD không trung thực. Tuy nhiên, chính phủ đã đánh đồng tất cả các cơ sở GD và cho rằng họ đều có vấn đề như nhau”, nữ sinh Anita phát biểu.

Kể từ sau khi luật mới của Nepal được ban hành, hàng trăm SV nước này đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi nộp đơn học dự bị ở nước ngoài, sau khi Viện Kinh doanh và Công nghệ Australia phải đối mặt với việc hủy đơn đăng ký của các SV này do quy định từ nước bạn đối với ngành đào tạo và dạy nghề.

Trước bối cảnh này, ông Bijay Sapkota, Chủ tịch Hội đồng Sinh viên quốc tế Australia, khẳng định hàng chục cơ sở GD và đào tạo nghề tại Australia đang gặp nhiều khó khăn khi có thể không đáp ứng được các tiêu chí do Cơ quan Chất lượng Kỹ năng Australia đề ra.

Chia sẻ với truyền thông, nhiều đại diện các văn phòng tư vấn GD tại Nepal cho biết, chính phủ nước này đã ban hành luật mới mà không có bất kỳ thông báo nào tới các cơ sở GD cũng như người học. Ông

Santosh Pyakurel, điều phối viên của Hiệp hội Tư vấn Giáo dục quốc gia - một trong bảy cơ quan tư vấn GD ở Nepal cho rằng, đối với những quyết định lớn như vậy, chính phủ cần thông báo trước, tạo điều kiện cho các sinh viên có thời gian chuẩn bị. “Chính phủ cần thu hồi luật mà không có sự trì hoãn nào”, ông Pyakurel thẳng thắn chia sẻ.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ