Trường ĐH dành cho người lớn tuổi trên thế giới

GD&TĐ - GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - giới thiệu một số trường ĐH dành cho người lớn tuổi trên thế giới trong tham luận tại hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Trường Đại học U3A – Anh Quốc (University of the Third Age)

Tại trường này, không có học viên nào dưới 50 tuổi. Mỗi người lớn đến trường hầu như đều chọn được một môn học mà mình ưa thích, bởi tổng số các môn học ở đây có tới 36.000 môn. Từ học tiếng Ả rập đến các môn như môn quy hoạch lại xe bus, điều tra tội phạm, phong cách thời trang, lịch sử văn học… đều có trong chương trình đào tạo của nhà trường.

Người ta chia học viên thành hơn 1.000 nhóm. Học viên phải dự kỳ thi đầu vào và các kỳ thi hết học kỳ. Lựa chọn môn học và nơi học là quyền của học viên. Một hiện tượng thsú vị là người cao tuổi không chỉ chọn môn học ngắn hạn, mà nhiều người còn theo học các môn có thời gian đào tạo khá dài, thậm chí có môn phải học khoảng 10 năm mới thật nắm vững nội dung. Các môn làm phim, học piano và nhạc jazz thường chiếm nhiều thời gian đào tạo.

Trường Đại học U70 - Mexico

Đây là trường đại học dành cho người cao tuổi ở thành phố Benito Juarez (Mexico). Người học phải ở lứa tuổi 60 trở lên. Họ có thể lựa chọn cho mình những môn học khác nhau trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học công nghệ, ngôn ngữ, máy tính và thậm chí còn có cả môn Yoga nữa. Trong chương trình đào tạo, ta bắt gặp nhiều môn rất thiết thực với tuổi già như viết văn, nấu ăn bằng lò vi sóng, nhân quyền, lối sống lành mạnh, cái chết và thái độ đối với cái chết…

Người trên 60 tuổi ở Mexico chiếm khoảng 8% dân số. Tỷ lệ này ở thành phố Benito Juarez là trên 16%. Chính phủ Mexico không muốn người cao tuổi và già cả ở đất nước họ bị cách ly khỏi nhịp điệu sống trong xã hội.

Trường Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân
Trường Đại học Kỹ thuật  Cáp Nhĩ Tân 

Trường ĐH dành cho người cao tuổi ở Trung Quốc

ĐH Cáp Nhĩ Tân là trường đại học đầu tiên dành cho người cao tuổi (1984), sau đó là Thẩm Dương, Thượng Hải, Thiên Tân đã xây dựng loại hình này.

Nhiều người có độ tuổi từ 75 trở lên đã tham gia các khóa học. Trường có nhiều chương trình về âm nhạc, khiêu vũ, nhạc cụ, mỹ thuật, ngoại ngữ, máy tính, thư pháp.

Loại trường này có thu học phí, thấp nhất là 180 nhân dân tệ/năm; cao nhất là 720 nhân dân tệ/năm.

Các loại hình trường ĐH dành cho người lớn tuổi ở Phần Lan

Trường Đại học mở (Avoin yliopisto): Đây là mô hình kết hợp của trường Đại học đại cương với các Trung tâm giáo dục người lớn (Đại học mùa hè, đại học nhân dân v.v…).

Một số đặc trưng của ĐH mở: Chương trình của Trường hoàn toàn giống chương trình của đại học chính quy (cả nội dung lẫn mục đích); không cấp bằng mà chỉ cấp chứng chỉ; ĐH mở dành cho mọi người, người học phải đóng học phí; người học không được nhận các khoản trợ cấp xã hội.

19 trường đại học chính quy ở Phần Lan hợp sức xây dựng trường Đại học mở này. Việc giảng day được tổ chức ở 200 địa điểm khác nhau. Các thành phố lớn như Helsinki, Turku, Tampere, Jyvaskyla, Oulu có số lượng trường Đại học mở chiếm 70% loại hình trường này trong cả nước.

Trường Đại học mùa hè (Kesayliopisto): Mô hình này phục vụ nhu cầu học của mọi người, không phân biệt lứa tuổi. Trường chỉ hoạt động trong 3 tháng hè (từ tháng 6 đến tháng 9). Song, cũng có khóa học kéo dài quá 3 tháng hè.

Đại học mùa hè do tư nhân quản lý. Nhà trường thu phí học, ngoài ra trường còn nhận được sự tài trợ của nhà nước. Chương trình học ở trường hết sức phong phú, đáp ứng được nhu cầu của học viên. Phần Lan có 21 trường đại học mùa hè. Mỗi mùa hè có khoảng 65.000 người theo học, trong đó có hơn 1500 học viên nước ngoài.

Trung tâm giáo dục người lao động (Tyovaenopisto): Đây là một hình thức trường đại học mở. Ngoài tên gọi Tyovaenopisto, loại trung tâm này còn có những tên khác như Kansalaisopisto, Aikuisopisto, Vapaaopisto…, gọi đơn giản là Opisto.

Trung tâm cung ứng các dịch vụ thông tin, tri thức và kỹ năng cho những ai có nhu cầu, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn. Đây là loại hình giáo dục không chính quy sớm nhất ở Phần Lan.

Từ lâu, trước năm 1920, Phần Lan đã có 247 trung tâm loại này, tổ chức 100.000 khóa học trên 1000 địa điểm. Mỗi năm, các Trung tâm đã tham gia đào tạo khoảng 650.000 học viên.

Trường học nhân dân hay Trường học cộng đồng (Kansa - nopistot): Loại hình trường này cung cấp kiến thức cho người lớn và thanh niên. Trường học cộng đồng là mô hình đào tạo khá phổ biến ở Phần Lan, không những thế, nó còn được phát triển ở Đan Mạch (giữa thế kỷ XIX), Na Uy, Thụy Điển.

Hiện nay, Phần Lan có 90 trường đại học nhân dân. Quy mô đào tạo không quá 250 người. Chương trình học tập gồm những khoa học ở các trường đại cương mà ta thường gặp, ngoài ra còn có chương trình dạy nghề và nâng cao tay nghề.

Trường Đại học nâng cao hay Trường Đại học thường xuyên (Yliopiston taydennyskoulutus): Loại trường này do các trường đại học đại cương tổ chức nhằm tạo điều kiện cho những ai đã học đại cương muốn được nâng cao thường xuyên kiến thức của mình. Mỗi năm, các trường này tổ chức được khoảng 4000 khóa học cho trên 100.000 người. Gần đây, trường đại học thường xuyên còn đảm nhiệm chức năng tổ chức học tập cho người thất nghiệp hoặc có nguy cơ mất việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.