Rút ngắn khoảng cách

GD&TĐ - Năm 2023, Bộ GD&ĐT điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực theo Quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Theo đó, thí sinh các khu vực được cộng điểm ưu tiên thi đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển từ 22,5 điểm trở lên sẽ có điểm ưu tiên giảm dần. Cụ thể, học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 điểm trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Điểm ưu tiên khu vực trong tuyển sinh ĐH, CĐ là mức điểm Nhà nước dành cho các thí sinh thuộc vùng có sự phát triển kinh tế - xã hội thấp, khó khăn. Mục tiêu cộng điểm ưu tiên là tạo công bằng cho vùng miền, do điều kiện tiếp cận giáo dục phổ thông chưa đồng đều; mở ra cơ hội trúng tuyển đại học cho những thí sinh vùng khó, giúp các em có điều kiện học tập, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư cho giáo dục vùng khó. Nhờ thế, khoảng cách về điều kiện và chất lượng giáo dục giữa các vùng miền giảm dần, điểm ưu tiên khu vực theo đó cũng giảm. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3,0 điểm, giai đoạn 2004 - 2017, nhiều nhất là 1,5 điểm. Do điểm ưu tiên khu vực cao dẫn đến một bất cập là không ít trường hợp “chạy” hộ khẩu để lấy điểm ưu tiên.

Từ năm 2018, điểm ưu tiên được điều chỉnh giảm thêm lần nữa, cao nhất ở khu vực 1 với 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Mặc dù điểm ưu tiên đã giảm nhiều nhưng cơ chế cộng điểm này vẫn bộc lộ bất cập. Trong mùa tuyển sinh 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược…, tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; thí sinh có điểm ưu tiên trúng tuyển cao, dẫn đến học sinh khu vực 3 thành “yếu thế”.

Cho đến nay, điều kiện học tập ở các vùng/khu vực vẫn có sự chênh lệch. Vùng núi, hải đảo, nông thôn còn nhiều khó khăn về trường lớp, giáo viên, môi trường học tập, chất lượng đầu vào THPT thấp, vì thế chế độ điểm ưu tiên vẫn cần tiếp tục được thực hiện. Tuy vậy, cũng cần xem xét mức độ ưu tiên như thế nào để quyền lợi và cơ hội học tập tại những ngành “hot”, trường “hot” của các thí sinh giỏi khu vực 3 không bị thiệt thòi.

Cùng với điều chỉnh điểm ưu tiên của Bộ GD&ĐT, các trường đại học tự chủ trong tuyển sinh cũng có thể chủ động xây dựng phương án để đảm bảo sự hài hòa, vì quyền lợi thí sinh. Khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh trong các phương thức tuyển sinh, bên cạnh việc quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp, với các ngành “hot”, các trường có thể dành 50% chỉ tiêu đầu tiên cho những thí sinh có điểm cao nhất (không cộng điểm ưu tiên), 50% còn lại dành cho những thí sinh được phép cộng điểm ưu tiên. Cơ sở giáo dục đại học cũng có thể xây dựng chính sách ưu tiên xét tuyển cho thí sinh thuộc nhóm yếu thế khi có nhiều em cùng đạt và vượt mức điểm chuẩn.

Điểm ưu tiên khu vực có lẽ chỉ có giá trị lịch sử trong một giai đoạn nhất định để làm tròn sứ mệnh nhân văn, công bằng xã hội, khi điều kiện và chất lượng giáo dục giữa các địa phương chưa ngang nhau. Đầu tư Nhà nước cho ngành Giáo dục ngày càng nhiều hơn, chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền theo đó rút ngắn hơn nữa. Trong 20 năm qua, theo thực tế rút ngắn khoảng cách giáo dục, điểm ưu tiên khu vực đã giảm tới 4 lần. Hy vọng tương lai gần, nó sẽ không còn là câu chuyện làm đau đầu nhà quản lý và các thí sinh vào mỗi mùa tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điều hòa phải bật 24/24 giờ để duy trì nhiệt độ tằm mới phát triển tốt.

Lắp điều hòa cho … tằm

GD&TĐ - Phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.