Quá hấp dẫn bạn tình không đem lại điều gì tốt đẹp cho ruồi cái. Chúng không chỉ bị suy yếu khả năng thích nghi, mà còn giảm khả năng sinh sản.
"Ruồi giấm đực bị hấp dẫn bởi ruồi cái có gen trội, đồng nghĩa với việc chúng đẻ nhiều trứng hơn. Ruồi cái phải cố gắng né tránh ruồi đực thay vì dùng thời gian đó để đẻ trứng," giáo sư môn sinh vật Steve Chenoweth, trường Đại học Queensland, Australia cho biết. "Kết quả là bộ gen trội của chúng không được truyền lại cho đời lai tiếp theo."
Một cặp ruồi đang giao phối. Ảnh: Đại học Queensland |
Để kiểm tra ảnh hưởng của việc hấp dẫn bạn tình quá mức, các nhà nghiên cứu để ruồi sống thích nghi với môi trường thí nghiệm trong 13 đời lai. Ở mỗi thế hệ, họ kiểm soát số lượng ruồi đực, nhờ đó họ giới hạn khả năng ruồi giao phối.
Kết quả cho thấy sự gia tăng ruồi đực (đồng nghĩa với sự gia tăng quấy rối) có ảnh hưởng trực tiếp tới việc suy giảm bộ gene làm tăng khả năng đẻ trứng và sự hấp dẫn bạn tình của ruồi cái.
Phát biểu trên hãng tin UPI hôm 26/6, giáo sư Chenoweth cho biết kết quả của cuộc thí nghiệm rất đáng ngạc nhiên.
"Chúng ta đã từng biết rằng quan hệ giữa giống đực và giống cái đôi khi có hại nhưng chúng ta chưa bao giờ biết được rằng loại gene tạo sự hấp dẫn giới tính lại cản trở khả năng thích nghi với môi trường của loài."
Ông cho biết nghiên cứu của mình sẽ tiếp tục tìm hiểu hệ quả của việc tương tác giữa giống đực và giống cái và điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến hóa của giống loài.