Rừng Amazon có nguy cơ bị xóa sổ?

GD&TĐ - Hàng chục nghìn vụ cháy bùng phát khắp nơi, đẩy rừng Amazon đến điểm tới hạn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đây là mùa thứ hai liên tiếp, các đám cháy tiếp tục bùng phát ở mức cao ở rừng Amazon, Brazil, làm dấy lên lo ngại rằng tấm phổi xanh của Trái đất có nguy cơ không thể phục hồi như trước.

Kể từ khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhậm chức, các biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế các đám cháy bất hợp pháp có rất ít tác động. Ngọn lửa và nạn phá rừng đã xóa sổ những vùng rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Hầu hết các đám cháy ở Amazon là do những người chiếm đất và chủ trang trại nuôi mèo rừng đang tìm cách biến các phần của rừng nhiệt đới thành các doanh nghiệp nông nghiệp sinh lợi cho riêng họ. Trong khi đó, tháng 8 là thời điểm đặc biệt tồi tệ đối với những vụ cháy như vậy.

Dữ liệu sơ bộ do Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia (INPE) thu thập cho thấy có khoảng 29.307 vụ cháy ở Amazon của Brazil vào tháng trước. Các chuyên gia cho rằng, con số đó có thể còn cao hơn. 

Càng có nhiều đám cháy, rừng nhiệt đới càng nhanh chóng bị biến thành đồng cỏ cho gia súc bất hợp pháp và hoạt động trồng đậu nành. Theo nghiên cứu từ tổ chức phi chính phủ MapBiomas, tổ chức chuyên theo dõi việc sử dụng đất ở Brazil, 95% diện tích rừng bị phá ở Brazil vào năm 2019 là bất hợp pháp. Tasso Azevedo, cựu Giám đốc dịch vụ rừng Brazil và là điều phối viên của MapBiomas, cho biết: “Hầu hết (các đám cháy) là bất hợp pháp”.

Theo Carlos Nobre, một trong những nhà khoa học và nhà nghiên cứu về khí hậu hàng đầu của Brazil tại Đại học Sao Paulo, khi cháy rừng tiếp tục diễn ra, Amazon đang tăng tốc tới điểm tới hạn, khi các khu vực rộng lớn của rừng nhiệt đới này sẽ không còn có thể tạo ra đủ mưa để duy trì chính nó.

Theo ông, một khi điều đó xảy ra, rừng nhiệt đới sẽ bắt đầu chết, và dần biến thành thảo nguyên.

Các nhà khoa học cho biết, Amazon đóng vai trò như một “máy điều hòa nhiệt độ” cho hành tinh, ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa toàn cầu. Và rừng Amazon khỏe mạnh cũng hấp thụ carbon dioxide, trong khi đám cháy thì ngược lại, giải phóng một lượng lớn carbon dioxide “ủ nhiệt” trong bầu khí quyển.

Nạn phá rừng Amazon của Brazil đã gia tăng kể từ khi Bolsonaro nhậm chức vào năm 2019. Áp lực từ các nhà đầu tư và công ty quốc tế trong mùa hè này đã khiến Tổng thống Brazil buộc phải ban hành lệnh cấm kéo dài 120 ngày vào ngày 15/7, cấm gây các đám cháy ở Amazon và ở Pantanal, là khu vực đất ngập nước lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của INPE, dường như lệnh cấm đã hoàn toàn bị bỏ qua. Từ ngày 15/7 đến cuối tháng 8, các đám cháy ở Amazon vẫn ở mức tương tự (khoảng 35.000 đám cháy) và gần như tăng gấp bốn lần (từ năm 2035 lên 7.320 đám cháy) ở Pantanal, so với cùng kỳ năm 2019.

Brazil cũng đã phát động Chiến dịch Green Brazil 2 vào tháng 5, trong đó huy động lực lượng vũ trang chống phá rừng và cháy rừng ở Amazon cùng với các cơ quan môi trường liên bang và lực lượng cảnh sát địa phương. Tuy nhiên, chính người lãnh đạo chiến dịch, Phó Chủ tịch Hamilton Mourão, phải thừa nhận họ đã thất bại trong việc ngăn chặn sự tàn phá Amazon. 

Bang Amazonas của Brazil là một trong những biên giới cuối cùng, nơi hầu hết các khu rừng vẫn được bảo tồn. Nhưng ngay cả ở đó, hoạt động bất hợp pháp của lâm tặc và chủ trang trại đang mở rộng.

Kể từ khi Bolsonaro nhậm chức, các cuộc tàn phá rừng tăng 209% trong tiểu bang Amazonas, xóa sổ 844 dặm vuông rừng trong vòng chưa đầy hai năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.