Rừng mưa nhiệt đới Amazon là khu rừng lớn nhất thế giới, bao phủ gần hết lưu vực sông Amazon với diện tích 5,5 triệu km2, chủ yếu nằm trong lãnh thổ Brazil (60%). Phần còn lại của rừng Amazon thuộc Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp. Ảnh: The Guardian.
Rừng mưa Amazon chiếm hơn 50% rừng mưa của Trái Đất. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Các nhà khoa học đã tìm thấy 10% số loài động vật được phát hiện trên thế giới tại nơi này. Vì thế, người ta ví rừng mưa Amazon như một khu bảo tồn thiên nhiên của Trái Đất. Tuy nhiên, nạn chặt phá rừng cũng như săn bắt động vật quý hiếm đang hủy hoại nơi này theo thời gian. Theo thống kê, khoảng 17% diện tích rừng Amazon đã biến mất trong 50 năm qua. Ảnh: Shutterstock.
Các nghiên cứu chỉ ra rừng Amazon đã xuất hiện khoảng 10.000 năm trước. Cho đến giờ, nơi này vẫn còn tồn tại nhiều bí ẩn với giới khoa học. Một số giả thuyết cho rằng rừng Amazon là một "kế hoạch lỗi" của người dân bộ lạc Amazonia khi xưa. Họ thử nghiệm trồng trọt tại vùng Amazon trù phú nhưng không kiểm soát được tốc độ phát triển của các loài cây. Điều này biến vùng Amazon ngập nước thành cánh rừng xanh, rậm rạp như bây giờ. Ảnh: The Guardian, Shutterstock.
Thảm thực vật phong phú của Amazon tạo nên 20% oxy trên thế giới. Do đó, khu rừng này còn được mệnh danh là "lá phổi của hành tinh". Ảnh: BI.
Amazon là nơi sinh sống của khoảng 160.000 loài cây. Khí hậu nóng, ẩm trong rừng khiến cây cối phát triển kỳ lạ. Du khách đến đây có thể gặp những cây cao tới 40 m, điều này giúp hấp thụ tối đa ánh nắng mặt trời. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cây cối trong rừng Amazon còn có khả năng tự tạo mưa cho mình trước khi mùa mưa đến. Ảnh: Getty.
Tờ The Sun từng khẳng định còn rất nhiều bộ lạc đang sống ẩn dật bên trong khu rừng và không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Cho tới nay, người ta mới tìm ra khoảng 350 ngôi làng của các bộ tộc sinh sống trong rừng. Họ vẫn duy trì các lối sống từ xưa như cúng tế, săn bắn... Ảnh: Getty, Shutterstock.
Những người thổ dân ở rừng Amazon đã chịu nhiều ảnh hưởng khi thế giới ngày càng phát triển. Họ phải đối mặt với nạn chặt phá rừng, thậm chí là bị giết bởi những tên lâm tặc. Thổ dân rừng Amazon vẫn thường tự tổ chức đi tuần, xua đuổi những người đào vàng trái phép khỏi mảnh đất của họ. Ảnh: The Guardian.
Trong những năm gần đây, nhiều bộ tộc bên trong rừng Amazon đã sử dụng súng thay cho các loại vũ khí thô sơ như giáo, cung tên tẩm độc... Ảnh: BI.
Bất chấp những bí ẩn còn tồn tại bên trong khu rừng, nhiều tour du lịch khám phá Amazon vẫn được tổ chức và thu hút khách tham dự. Giá một tour 2-4 ngày dao động khoảng 200 USD. Khi mua tour này, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác thám hiểm khu rừng đầy bí ẩn với hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Thăm thú, tìm hiểu về cá sấu cũng như các sinh vật trong rừng cũng là điều khiến nhiều người thích thú. Ảnh: Getty.
Rừng Amazon có nhiều sinh vật rất đáng sợ, có thể giết chết người như muỗi anopheles, rắn fer-de-lance, kiến đạn hay trăn Nam Mỹ... Cây pareira với gai độc có khả năng gây nghẹt thở cũng được ví như "lưỡi hái tử thần" chờ sẵn bên trong khu rừng. Ảnh: Getty.
Cháy rừng mưa nhiệt đới Amazon (Brazil) là một vấn đề đáng lo ngại trong những năm qua. Trung tâm nghiên cứu không gian (INPE) của Brazil đã ghi nhận 9.000 vụ cháy trong năm nay. Số lượng vụ cháy xảy ra ngày một cao dù mùa cháy mới bắt đầu (thường diễn ra từ tháng 8-10). Hôm 19/8, một trận cúp điện kéo dài khoảng một giờ đã xảy ra ở Sao Paulo (Brazil). Nguyên nhân do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng ở bang Amazonas và Rondonia, những nơi cách đó gần 3.000 km. Ảnh: Washington Post.