Tốc độ đáng quan ngại
Tỷ lệ rừng nhiệt đới Amazon bị tàn phá đã ổn định trong vài tháng đầu tiên khi ông
Bolsonaro lên làm tổng thống, nhưng bắt đầu tăng lên vào tháng 5 và 6 vừa qua - Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE) chuyên giám sát rừng Amazon bằng vệ tinh cho biết.
“Trong vòng 6 tháng qua, ông Bolsonaro và Bộ trưởng Môi trường đã nỗ lực dỡ bỏ việc quản lý môi trường và vô hiệu hóa các cơ quan quản lý”, Thư ký điều hành Carlos Rittle của mạng lưới phi chính phủ về môi trường có tên Quan sát khí hậu nói.
Theo dữ liệu của INPE, 769,1 km2 rừng đã bị mất đi trong tháng trước – một sự gia tăng đáng kể so với 488,4 km2 rừng bị mất vào tháng 6/2018. Điều này tương đương với việc một khu vực rừng nhiệt đới có diện tích bằng một sân rưỡi bóng đá bị phá hủy mỗi phút.
Hơn 2/3 rừng Amazon nằm ở lãnh thổ Brazil và các nhóm môi trường cho rằng nhà lãnh đạo cực hữu Bolsonaro và chính phủ của ông đứng sau tốc độ tàn phá rừng này khi họ nới lỏng các biện pháp kiểm soát nạn phá rừng trong nước.
Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) gọi ông Bolsonaro và chính phủ của ông là một “mối đe dọa đối với trạng thái cân bằng khí hậu” và cảnh báo rằng về lâu dài, các chính sách của ông sẽ phải chịu “chi phí nặng nề” cho nền kinh tế Brazil.
|
Thực hiện lời hứa trong chiến dịch
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Bolsonaro đã hứa sẽ tập trung vào việc khôi phục nền kinh tế và cho biết sẽ tìm cách khám phá tiềm năng kinh tế của Amazon. 6 tháng sau khi nhậm chức, ông đã thực hiện lời hứa của mình.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Bolsonaro đã ký sắc lệnh giao cho Bộ Nông nghiệp xác nhận vùng đất bản địa là lãnh thổ được bảo vệ. Khoảng 13% diện tích Brazil được chỉ định là vùng bản địa, chủ yếu là ở Amazon - nơi có 900.000 người bản địa sinh sống. Các nhóm bản địa cho rằng điều này sẽ khiến nạn phá rừng và bạo lực với người dân tăng lên.
“Dấu hiệu mạnh mẽ thể hiện qua tốc độ phá rừng trong thời gian chính phủ ông Bolsonaro nắm quyền không làm ai ngạc nhiên”, ông Rittl nói. “Sau cùng, đó là việc hoàn thành lời hứa trong chiến dịch tranh cử: Bolsonaro là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil được bầu với một bài phát biểu gây tranh cãi về môi trường và chống lại sự sống bản địa công khai”.
Ông Rittle cho rằng, những kẻ khai thác gỗ đã chộp lấy cơ hội này, tận dụng việc giám sát lỏng lẻo hơn để nắm quyền kiểm soát một khu vực đất đang tăng lên bên trong rừng Amazon. Trong khi đó, chính phủ lại đang cản trở nỗ lực của những người được cho là kiểm soát và ngăn chặn nạn phá rừng.
Viện Môi trường và Tái tạo Brazil (IBAMA) – cơ quan thực thi các vấn đề môi trường của nước này đã bị cắt ngân sách 23 triệu USD. Trong vòng 6 tháng, chính phủ chỉ đề cử lãnh đạo của 4 trong số 27 văn phòng Nhà nước của IBAMA. Không văn phòng nào trong số 4 văn phòng này nằm ở các bang có thẩm quyền đối với rừng nhiệt đới Amazon.
Ngoài ra, số liệu chính thức của tổ chức Quan sát khí hậu cho thấy các hoạt động của IBAMA tiến hành năm 2019 đã giảm xuống từ đầu năm, khoảng thời gian mà ông Bolsonaro nhậm chức.
“Sự bùng nổ số lượng các cảnh báo trong vài tháng qua lẽ ra phải dẫn đến việc tăng cường các hoạt động giám sát, nhưng điều đó đã không xảy ra”, Rittl nói. Ngoài ra, ông cũng đổ lỗi cho một số nước châu Âu. “Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đều có những bài diễn văn “đẹp” cho thấy họ lo ngại về các chính sách môi trường của ông Bolsonaro. Thậm chí mặc dù thỏa thuận Khí hậu Paris có các biện pháp bảo vệ môi trường nhưng Liên minh châu Âu đang thể hiện rằng họ ít nhất cũng khoan dung với lịch trình chống môi trường đang diễn ra”.
Thiếu vắng hành động thực tế
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nói rằng họ lo ngại khi các biện pháp bảo vệ môi trường ở Brazil đang bị sói mòn, thế nhưng cả Pháp và Đức hay Liên minh châu Âu đều không làm gì ngoài việc chỉ đưa ra những lời nói. Ngày 28/6 vừa qua, Liên minh châu Âu đã ký một thỏa thuận với Khối Thương mại Nam Mỹ Mercosur, trong đó có sự tham gia của Brazil – một động thái mà các nhà môi trường nói rằng sẽ gây thêm áp lực lên Amazon và hệ sinh thái mong manh của nó.
Rừng Amazon thường được xem là lá phổi của hành tinh chúng ta, nó tạo ra 20% oxy trong khí quyển của Trái đất. Khu rừng này được xem là rất quan trọng đối với các nỗ lực đang diễn ra nhằm làm chậm sự nóng lên toàn cầu và đây cũng là nơi ở của vô số loài động vật, thực vật. Với kích thước bằng một nửa nước Mỹ, Amazon được xem là khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, thật đáng buồn là diện tích rừng Amazon đã bị thu hẹp dần trong thế kỷ qua với nạn phá rừng lên tới đỉnh điểm vào năm 1995 khi 29.059 km2 rừng bị mất. Tốc độ tàn phá sau đó tuy giảm dần và đạt mức thấp nhất vào năm 2012, nhưng từ đó đến nay, tốc độ này lại tăng lên.