Và trong các lớp học hiện nay, nơi giáo viên phải cạnh tranh với vô số thiết bị điện tử để giành được sự chú ý của học sinh, những chiến lược “Kỷ luật tích cực” là điều quan trọng tạo nên không khí thân thiện, có tác dụng giáo dục nhẹ nhàng mà hiệu quả.
Phân biệt rõ “kỷ luật” và “hình phạt”
Hầu hết mọi người đều nghĩ kỷ luật đồng nghĩa với trừng phạt. Thực tế không phải vậy, từ “kỷ luật” (discipline) xuất phát từ từ gốc Latin disciplina có nghĩa là “giảng dạy, đào tạo, giáo dục” và từ discipulus có nghĩa là “đồ đệ hoặc học trò”.
Tại hội thảo “Kỷ luật tích cực” do Trường Phổ thông liên cấp (PTLC) Quốc tế Gateway tổ chức, chị Phan Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, “Kỷ luật tích cực” là tạo ra một khuôn khổ nhất định nhưng khuôn khổ ấy phải đảm bảo sự tôn trọng con trẻ.
Và Kỷ luật tích cực (Positive Discipline) là sự dạy dỗ và học hỏi - không phải sự trừng phạt. Áp dụng những phương pháp Kỷ luật tích cực trong gia đình, trong nhà trường và trong lớp học có nghĩa là tất cả các phụ huynh, giáo viên và học sinh cùng đồng lòng tham gia xây dựng một cộng đồng, đề cao sự tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự tự tôn và tinh thần trách nhiệm đồng thời nuôi dưỡng tài năng học thuật của các em.
Luôn lấy chuẩn mực vàng “Kỷ luật tích cực không phải là trừng phạt mà là tôn trọng trẻ” làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình, chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức, Giám đốc Học thuật Trường PTLC Quốc tế Gateway cho rằng, chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa “kỷ luật” và “hình phạt”. “Kỷ luật” là duy trì nền nếp, hành vi; còn “hình phạt” là sự trả giá. “Chúng tôi đặt học sinh vào vị trí trung tâm và xung quanh là 3 thành tố: Nhà giáo, môi trường học tập, hệ thống quản lí. Vai trò của thầy cô được đặt lên hàng đầu trong quá trình giáo dục, hình thành nhân cách cho học sinh”.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức cũng nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh và nhà trường trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục: “Các phụ huynh cần thấu hiểu các nhà giáo dục và thấu hiểu chính con em của mình. Chính vì vậy, trong năm học tới, chúng tôi cố gắng tăng cường các hội thảo định hướng, làm cho phụ huynh hiểu nhà trường và nhà trường hiểu phụ huynh hơn, trước mắt là khóa học “Kỷ luật tích cực”.
Thể hiện thông điệp yêu thương
Hiện nay, nhiều trường học đã có thể sử dụng những chiến lược Kỷ luật tích cực được kiểm chứng qua thời gian để tạo một nền tảng vững chắc cho việc hình thành và phát triển sự hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa các học sinh.
Cho tới thời điểm này, Trường PTLC Quốc tế Gateway và Trường Mầm non quốc tế (MNQT) Sakura Montessori đã và đang áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực trong hoạt động giáo dục trẻ. Trẻ không chỉ là trung tâm của các hoạt động học tập mà còn luôn được tôn trọng cá tính, chất riêng của mình.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Bảo Trọng, Giám đốc Học thuật Trường MNQT Sakura Montessori cũng khẳng định rằng: “Tại Trường Sakura Montessori, chúng tôi đặt ra một quan niệm là “Tình yêu thương vô điều kiện và đặt ra những giới hạn cho các hành vi của trẻ”. Những giới hạn của chúng tôi chính là những chỉ dẫn để trẻ tự làm, phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ nên cố gắng lắng nghe trọn vẹn và gọi tên cảm xúc của con. Điều này sẽ giúp cha mẹ có thể hiểu được tâm lý cũng như sở thích của trẻ. Tuy nhiên, với nhiều cha mẹ hiện nay, việc buông bỏ bớt quyền lực là một điều rất đáng sợ. Chính vì vậy, bản thân phụ huynh cần thay đổi chính những định kiến tồn tại trong mình.
Giáo dục là một quá trình
Theo giảng viên Phan Hồ Điệp, cách cư xử vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết của người lớn có thể giúp bất kì đứa trẻ nào - từ em bé chập chững tập đi, đến trẻ tuổi teen “nổi loạn” - cũng có thể học được cách hợp tác thật linh hoạt và tinh thần kỷ luật tích cực mà không bị tổn thương tới lòng tự trọng.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức cho rằng: “Giáo dục là một quá trình và dạy học là một thao tác. Nhiều khi phụ huynh và giáo viên đều nôn nóng, muốn quá trình giáo dục được diễn ra nhanh gọn khiến người lớn thường cảm thấy thất vọng về trẻ và ngày càng có những hành vi thúc ép trẻ thay đổi nhanh hơn. Việc lạm dụng trẻ sẽ tất yếu xảy ra nếu đứa trẻ không thực hiện đúng như kỳ vọng của người lớn”.
Không chỉ áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực, phù hợp đối với các học sinh có hành vi không phù hợp để uốn nắn, chỉnh sửa các hành vi đó cho các em mà phương pháp kỷ luật tích cực cần được GV có cách thức xử sự thân thiện, phù hợp đối với mọi HS để các em cảm thấy thoải mái, tích cực phát huy những điểm mạnh, hành vi tốt.
Chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh có con học tại Trường PTLC Quốc tế Gateway chia sẻ: “Để khuyến khích các con có kết quả học tập tốt, cô giáo và nhà trường đã vinh danh những HS xuất sắc của tháng. Con trai tôi đã từng đạt được danh hiệu này một lần và sau đó cháu không đạt được nữa. Cháu đã rất buồn và tự ti về bản thân mình. Liệu cách tôn vinh của nhà trường để khuyến khích các con phấn đấu trong quá trình học tập nhưng lại là con dao hai lưỡi khiến trẻ tự ti?”.
Trước băn khoăn này và đồng quan điểm với phụ huynh, ông Hoành Anh Đức cho rằng: Nhà trường nên đưa ra nhiều xếp hạng khác nhau chứ không nhất thiết chỉ xoay quanh việc học tập. Có thể là những xếp hạng về lao động, ngoại khóa, về sinh hoạt bán trú, những xếp hạng để tôn vinh những hành động rất đỗi bình thường… Mỗi học sinh có một thế mạnh của mình. Làm như vậy, đứa trẻ sẽ luôn cảm thấy mình là người có ích và sẽ cố gắng phấn đấu phát huy thế mạnh của mình”.
Bên cạnh đó, ông Hoành Anh Đức cũng cho rằng, trong trường hợp này, phụ huynh có thể khuyến khích con “vui chung với niềm vui của bạn” khi bạn đạt được thành tích cao bởi không nhất thiết lúc nào con cũng phải là người “đứng trên bục vinh quang” mà quan trọng là con luôn cố gắng rèn luyện bản thân để đạt kết quả tốt nhất có thể.