Liên kết đào tạo kỹ năng sống trong trường học: Siết chặt quản lý

GD&TĐ - Giáo dục kỹ năng sống (KNS) là nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong các giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện dần nhân cách cho học sinh. Trong khi chờ sự chỉ đạo rõ ràng, cụ thể của Bộ GD&ĐT về mảng đề tài này, tại Hải Phòng việc liên kết dạy KNS cho học sinh trong các trường học đang phát triển mạnh.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet

Nở rộ hình thức liên kết đào tạo

Chị Nguyễn Thị Hòa, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ: Vào đầu năm học, khi họp phụ huynh, giáo viên phổ biến về các môn học ngoại khóa mà nhà trường triển khai trong đó có môn KNS. Dù mong muốn trang bị thêm kỹ năng cho con ngoài kiến thức văn hóa được học tại trường nhưng tôi cũng rất băn khoăn về việc đào tạo kỹ năng tại nhà trường khi các thầy cô giáo dạy con mình lại được thuê từ các trung tâm khác, chẳng biết chất lượng ra sao.

Chị Lương Thị Đan, một phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Kiến An, TP Hải Phòng) cho biết: Trường con tôi học cũng dạy KNS. Rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia. Nhưng cũng không ít phụ huynh còn băn khoăn, một phần vì không tin tưởng vào chất lượng giáo dục môn học này, một phần lo ngại về những khoản kinh phí phải đóng góp hàng tháng.

Băn khoăn của chị Hòa, chị Đan cũng là nỗi niềm của nhiều phụ huynh tại Hải Phòng khi có con em đang theo học KNS tại nhà trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngành Giáo dục TP Hải Phòng triển khai giảng dạy KNS cho học sinh trong các trường học thuộc cả 3 cấp học gần chục năm nay. Cùng với đó là sự ra đời của nhiều trung tâm, công ty chuyên đào tạo KNS vươn dài cánh tay, liên kết với các trường để dạy KNS cho học sinh.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Tạo nên hiện tượng xôi đỗ

Vì là môn học ngoại khóa, việc đăng ký cho con em học KNS xuất phát từ tinh thần tự nguyện của phụ huynh, nên tại một số quận nội thành của Hải Phòng như: Lê Chân, Hải An, Ngô Quyền, Kiến An... số học sinh tham gia học môn này khá đông.

Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành như: Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Cát Hải, môn học này còn quá xa lạ với học sinh. Cách duy nhất để giáo viên trang bị kỹ năng cho học trò chủ yếu qua việc lồng ghép, tích hợp các môn học hoặc qua các chuyên đề rèn kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, làm việc sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích; rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tai nạn xã hội...

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) chia sẻ: Vĩnh Bảo là một huyện ngoại thành của thành phố, nhưng năm học này một số trường cũng đã cố gắng liên kết với trung tâm để dạy KNS cho học sinh.

Cách mà huyện Vĩnh Bảo cũng như các quận, huyện khác của Hải Phòng triển khai môn KNS tới học sinh là liên kết với các trung tâm, công ty chuyên đào tạo lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc đào tạo KNS trong các trường học tại Hải Phòng đang để lộ nhiều bất cập: Học sinh đăng ký học KNS không đồng đều giữa các lớp, các trường, các địa phương tạo nên hiện tượng xôi đỗ, dẫn đến sự lộ cộ trong quản lý, đánh giá chất lượng môn học; việc liên kết giảng dạy phát sinh khoản kinh phí phải đóng góp hàng tháng tạo nên sức ép kinh tế đối với nhiều gia đình; chưa có văn bản chính thống của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc liên kết đào tạo KNS trong trường học nên mỗi địa phương làm theo một cách khác nhau...

Siết chặt quản lý

Nhận thấy có nhiều bất cập trong việc liên kết đào tạo KNS trong các trường học nên Sở GD&ĐT Hải Phòng tạm dừng cấp phép cho các trung tâm vào giảng dạy tại trường, ngoài    7 trung tâm nói trên. Đồng thời, tập trung thực hiện         tốt Chương trình GD phổ       thông mới, cử giáo viên đi học để giảng dạy cho học sinh của mình.

Ông Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng GD Thường xuyên, Chuyên nghiệp và Đại học (Sở GD&ĐT Hải Phòng) cho biết: Hải Phòng có 21 trung tâm ngoại ngữ, tin học, KNS được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, đến nay Sở GD&ĐT mới cấp phép liên kết đào tạo trong các cơ sở giáo dục đối với 7 trung tâm gồm: Phượng Hồng, Skids, Dome, Hello, Ánh Dương, Hương Vân, Smile.

Cũng theo ông Thuấn, đối với những trung tâm được phép liên kết với các trường học đều được Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ kỹ càng về chương trình giáo dục, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng việc thẩm định và quản lý cấp phép thuộc chức năng của Sở còn việc đồng ý cho các trung tâm đó vào các trường để giảng dạy là thẩm quyền thuộc về UBND các quận, huyện. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng cũng như con người tại các trung tâm này khi giảng dạy tại trường là trách nhiệm của hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT, UBND quận (huyện) sau cùng mới đến Sở GD&ĐT.

Trao đổi về những bất cập trong giảng dạy KNS tại các cơ sở giáo dục, ông Vũ Văn Trà, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Các lực lượng xã hội tham gia vào hoạt động giáo dục là đáng quý. Đặc biệt, việc trang bị KNS cho học sinh rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn rõ ràng về mảng này nên phía Sở GD&ĐT cũng đang tự xoay xở.

Cũng theo ông Vũ Văn Trà, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng lo lắng về việc liên kết đào tạo KNS trong các trường học sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của nhà trường, tốn thêm quỹ thời gian của học sinh, tăng các khoản thu...Vì thế, Sở giao cho Thanh tra tiến hành thanh, kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo KNS để đánh giá hiệu quả. Nếu kết quả không khả quan, Sở sẽ cho dừng liên kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ