Rộng cơ hội khi chọn ngành... ngược số đông

GD&TĐ - Chọn và học ngành gì để ra trường không phải đối mặt với thách thức tìm kiếm việc làm luôn là trăn trở và đắn đo của nhiều thí sinh.

Doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi đến Trường ĐH Nông Lâm TPHCM để tuyển dụng ứng viên.
Doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi đến Trường ĐH Nông Lâm TPHCM để tuyển dụng ứng viên.

Vì thế, những ngành nghề hot, thời thượng luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu trong quá trình hướng nghiệp của người học. Tuy nhiên, trái ngược với số đông, hiện không ít bạn trẻ lựa chọn hướng đi tương lai ở nhóm ngành hẹp, ngành học bị cho là hết thời.

Đi ngược số đông

Công tác tuyển sinh vài năm trở lại đây cho thấy rõ sự lệch pha trong đào tạo ngành nghề. Những ngành nghề mới, hot được các trường mở và luôn hút thí sinh. Trong khi nhóm ngành nghề truyền thống, nhóm ngành hẹp và khoa học cơ bản lại trong tình trạng thiếu hụt người học.

Đơn cử như nhóm ngành nông – lâm - ngư nghiệp (chế biến lâm sản, khoa học cây trồng, quản lý tài nguyên rừng), văn thư lưu trữ hay khoa học lịch sử, khảo cổ học, lịch sử thế giới… tại các trường đều khan hiếm người học. Nhiều trường vì nhiệm vụ đào tạo nhân lực buộc phải gồng gánh giữ ngành, khoa bằng cách lấy số lượng chỉ tiêu nhóm ngành hot bù đắp cho chỉ tiêu các ngành ít người học.

Theo TS Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, nhu cầu xã hội lớn dẫn đến số lượng người học cũng lớn. Đó là lý do vì sao các ngành về kinh tế, xây dựng, khoa học công nghệ luôn hút người học, còn nhóm ngành khoa học cơ bản, ngành hẹp ít thí sinh theo đuổi.

“Nguyên nhân không phải chỉ nằm ở mức lương, cơ hội và triển vọng nghề nghiệp, mà còn là môi trường công tác và làm việc. Với xu thế phát triển mà mọi hoạt động đều dựa vào tích hợp trên nền tảng công nghệ thì nhóm ngành với tên gọi có tính đặc thù như: Lâm nghiệp, khoa học cây trồng, văn thư lưu trữ hay khảo cổ học… sẽ khó hút được người trẻ so với nhóm ngành như AI, logistics, marketing hay thương mại điện tử”, TS Khang nhận xét.

Tất nhiên, ngược với số đông vẫn có nhiều thí sinh chọn hướng đi khác biệt. Trần Thị Minh Tuyết - học sinh lớp 12 Trường THPT Gò Vấp vừa đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Công tác xã hội của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM).

“Biết em đăng ký theo học ngành Công tác xã hội, mẹ phản ứng rất mạnh. Mẹ mong muốn em theo học ngành Ngôn ngữ Anh. Tuy nhiên, đó lại không phải đam mê và sở thích của em. Em thích các hoạt động xã hội, cộng đồng để có điều kiện giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh. Em thấy ngành này có thể làm việc ở rất nhiều đơn vị. Các trung tâm xã hội cũng đang thiếu người nên em an tâm với lựa chọn của mình”, Minh Tuyết cho biết.

Cũng có quan điểm “càng ít người học thì mình càng được nâng niu”, Võ Sông Thương, sinh viên năm 3 ngành Lưu trữ học của Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) tâm sự đến thời điểm này em vẫn thấy ổn với lựa chọn ngành nghề của mình.

“Em quan điểm ngành nghề nào rồi cũng sẽ có vị trí việc làm, miễn là mình được học ngành yêu thích, đúng với năng lực và đam mê. Quan trọng hơn, việc mình ngược dòng số đông, theo học nhóm ngành nghề mà sự cạnh tranh ít, trong khi nhu cầu việc làm rất lớn, sẽ là lợi thế sau khi ra trường. Hiện chưa tốt nghiệp nhưng em đã và đang cộng tác việc bán thời gian cho khá nhiều nơi với công việc soạn thảo văn bản, tư vấn luật lao động và tham mưu quản lý hệ thống hành chính. Em thấy cơ hội nghề nghiệp của mình vẫn rất tốt”, Sông Thương nói.

Sinh viên ngành Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ học tại phòng thí nghiệm.

Sinh viên ngành Nông học, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM trong giờ học tại phòng thí nghiệm.

Nhiều ngành nghề cần lao động

Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp vài năm trở lại đây cũng đặc biệt thiếu hụt nhân lực do nguồn cung không đủ cầu. Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, 3 năm trở lại đây nhóm ngành vẫn được thí sinh xem là “không sang” như nông học, thú y, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp đô thị của trường có điểm chuẩn trúng tuyển tăng dần qua từng năm.

“Điểm chuẩn tăng cho thấy sức hút nhóm ngành trên đã gia tăng lên đáng kể. Đó là chưa kể ngoài việc được các doanh nghiệp đến tận trường đặt hàng, sinh viên tốt nghiệp xong đều có vị trí việc làm tốt, đúng chuyên môn tại các công ty phân phối thức ăn gia súc, công ty thực phẩm hay ra ngoài làm riêng với mức thu nhập đáng mơ ước.

Thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp của nhà trường cho thấy, mức thu nhập bình quân/tháng của sinh viên sau tốt nghiệp nhóm ngành trên so với các ngành thời thượng như quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm hay công nghệ thông tin còn nhỉnh hơn. Điều đó cho thấy, việc sinh viên chọn học ngành không theo đuổi số đông cũng mang lại cơ hội việc làm lớn hơn”, TS Lý nhìn nhận.

TS Đỗ Văn Học, Trưởng khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) - cũng nhận thấy cơ hội việc làm với sinh viên nhóm ngành trên khá lớn bởi ngoài hệ thống đơn vị công thuộc Nhà nước thì số doanh nghiệp, đơn vị tư nhân cũng đặc biệt cần nhân lực khối văn phòng.

Nói về việc “ngược dòng” số đông trong chọn ngành, nghề và chọn hướng đi của mình, ông Nguyễn Đức Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần S Furniture, cựu sinh viên ngành Chế biến lâm sản – Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - cho biết chọn học ngành trái ngược xu hướng của phần lớn bạn bè trong lớp phổ thông đơn giản bởi cái gì khó, cái gì ít người học thì nhu cầu và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai tất yếu sẽ rất cần.

“Đất nước ta thế mạnh là nông – lâm - ngư nghiệp, hoạt động chế biến lâm sản thời đó và cho tới tận ngày nay là không thể thiếu và tách rời khỏi đời sống và nhu cầu của người dân. Thực tế đã chứng minh, xã hội càng phát triển, nhu cầu con người càng gia tăng thì các tiện ích và dịch vụ về trang thiết bị đồ dùng gia đình bằng gỗ ngày càng tăng. Hiện, nhu cầu nhân lực lĩnh vực chế biến lâm sản không chỉ công ty tôi vẫn cần mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất “khát”. Mức đãi ngộ cho nhân lực lành nghề có thể lên tới 12 - 15 triệu đồng/tháng mà vẫn luôn thiếu người”, ông Tú chia sẻ.

Đánh giá về xu hướng ngược dòng trong hướng nghiệp, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - cho rằng, đó là hiệu ứng tích cực và minh chứng rõ cho sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh. “Cán cân nhân lực lệch mãi về một phía cũng sẽ không tốt. Bởi thực tế thành tựu của khoa học công nghệ có phát triển đến đâu thì con người vẫn giữ vai trò là nền tảng dẫn dắt. Và để nhân lực nhóm ngành khoa học cơ bản, nhóm ngành hẹp, đặc thù phát triển, thu hút thí sinh nhiều hơn thì nỗ lực từ các trường đại học là chưa đủ, mà cần có chính sách đồng bộ từ cấp Chính phủ (ngạch và hệ số lương cho những ngành đặc thù) đến các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng nguồn lực đào tạo từ nhóm ngành khó tuyển này”, TS Nghĩa phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ