Xét tuyển đại học, cao đẳng 2022:

Nhận diện xu hướng chọn ngành, chọn trường

GD&TĐ - Trường đại học là nơi quyết định giá trị hành nghề và thành công của sinh viên, vì vậy thận trọng tìm hiểu kỹ về ngành học, về cơ sở đào tạo sẽ giúp người học không rơi vào hoàn cảnh phải chọn lại hay bỏ học giữa chừng. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong tương lai cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến việc chọn ngành học của các thí sinh.

Học sinh lớp 12 tìm hiểu về ngành học Thiết kế thời trang tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Học sinh lớp 12 tìm hiểu về ngành học Thiết kế thời trang tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Khối ngành nào đang dẫn đầu?

Làn sóng dịch Covid-19 đã làm cho mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục có những xáo trộn lớn. Theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV(ĐHQG TPHCM), hiện nay, thí sinh vẫn chọn ngành theo 2 hướng: Hướng ứng dụng và nghiên cứu, trong đó hướng các ngành ứng dụng, thực hành đang được thí sinh chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, quan sát thí sinh trúng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản, thiên về nghiên cứu nền tảng, sinh viên có sự đam mê thực sự chứng tỏ các ngành này vẫn còn nhiều sức hút.

Đừng chỉ nghe tin về một nghề nghiệp lương cao mà vội lao theo lựa chọn, hãy tìm hiểu kỹ thị trường lao động hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế tương lai để nắm bắt tình hình, từ đó rút ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân nhất. Lương cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực và các kỹ năng khác của bạn. Doanh nghiệp luôn chiêu mộ người thực sự có tài... - TS Mai Đức Toàn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền Thông, Trường ĐH Gia Định)

Một vấn đề đáng chú ý hiện nay là thí sinh quan tâm rất nhiều đến các ngành như kinh doanh, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, kỹ thuật ô tô, truyền thông… Trong số đó có nhiều em xác định rõ và thể hiện sự phù hợp, nhưng không ít trong số đó lựa chọn là do tính thời thượng, hay thông tin được tô hồng quá mức về ngành.

“Tại Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM, các ngành đào tạo nền tảng nghiên cứu đã tích hợp nhiều môn học giúp sinh viên thực hành, ứng dụng, nhất là để sinh viên có thể làm việc tốt trong môi trường doanh nghiệp, điều này giúp tăng khả năng tìm việc làm của sinh viên. Những năm gần đây, các ngành được thí sinh quan tâm, xét tuyển nhiều các ngành như: Truyền thông Đa phương tiện, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Báo chí, Tâm lý học, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Ngôn ngữ Trung Quốc… đều là các ngành có nhu cầu xã hội ở mức cao...” - ThS Trần Nam chia sẻ.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) - cho rằng, hiện tại hệ thống đăng ký nguyện vọng chung vẫn chưa mở nên chưa thể nói chính xác về xu hướng lựa chọn ngành học, trường học của thí sinh năm nay.

Tuy nhiên, cũng có thể hình dung một số nét cơ bản qua các phương thức đã nhận hồ sơ đăng ký tính đến thời điểm hiện tại cũng như qua các kênh tư vấn xét tuyển của trường. Năm 2022, qua theo dõi đăng ký xét tuyển điểm thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và xét tuyển học bạ 3 học kỳ, có thể thấy nhóm ngành kinh tế - quản trị vẫn là nhóm ngành dẫn đầu trong lựa chọn của thí sinh.

Một số ngành có số lượng nguyện vọng lớn nhất là Quản trị kinh doanh, Marketing, Logistics & quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán... Nhóm ngành Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn ổn định trở lại sau thời gian khó khăn do dịch bệnh, khiến thí sinh cũng có niềm tin hơn và số lượng nguyện vọng tăng nhẹ so với năm ngoái. Đặc biệt, các ngành Thương mại điện tử, Digital Marketing có thể xem là “hiện tượng” khi thu hút số lượng lớn nguyện vọng dù vẫn còn khá non trẻ.

Có thể lý giải điều này qua tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử và truyền thông - marketing ngay trong giai đoạn kinh tế khó khăn do Covid-19 vừa qua. Một số ngành khác cũng “hưởng lợi” từ xu thế này là Truyền thông Đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Quan hệ công chúng... Đây là những ngành được xem là con đường phù hợp nhất để bước vào lĩnh vực truyền thông - marketing nói chung.

“Ở nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật ô tô tiếp tục là những ngành dẫn đầu trong lựa chọn của thí sinh ở cả ba phương thức. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế “số hóa” nền kinh tế trong thời đại cách mạng 4.0...” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU, Đồng Nai) - cho rằng, theo số liệu từ cổng thông tin tuyển sinh của LHU, nhóm ngành luôn hút thí sinh trong thời gian qua đều là những nghề hot như Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Marketing, Đông phương học (Tiếng Trung, Nhật, Hàn), Công nghệ kỹ thuật ô tô… Đây là những ngành đáp ứng xu thế của thời chuyển đổi số.

“Đồng Nai có 33 khu công nghiệp với khoảng hơn 3.000 nhà máy, nhu cầu nhân lực rất cao, đặc biệt các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học trên địa bàn vì họ đã quen môi trường sống, có xu hướng cống hiến lâu dài với công ty. Các ngành trên đều là những ngành hot, những ngành có nhu cầu tuyển dụng hàng năm của các doanh nghiệp trên địa bàn...” - Phó Hiệu trưởng LHU nhận định.

TS Mai Đức Toàn (Trường ĐH Gia Định) tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

TS Mai Đức Toàn (Trường ĐH Gia Định) tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế - cho rằng, khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân có giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên có một thực trạng đang tồn tại từ rất lâu là đa số phụ huynh và học sinh vẫn coi nặng vấn đề phải thi đậu bằng được vào các trường đại học.

Thực tế này dẫn đến hệ lụy, một lượng học sinh lớp 12 đã vào đại học, nhưng rồi bỏ học hoặc ra trường đi làm trái ngành, trái nghề. Điều này góp phần tạo nghịch lý cho thị trường lao động Việt Nam là thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao ở các ngành cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.

“Những dự báo về thị trường lao động cho thấy, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cuộc CMCN 4.0. Các nhân tố khoa học - công nghệ được nhận định sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, khiến nhà tuyển dụng sẽ đòi hỏi những kỹ năng phức tạp hơn như: Hợp tác, đánh giá, quản lý, sáng tạo, ra quyết định…

Do đó, những lao động giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ và có khả năng thích nghi tốt với môi trường làm việc biến động không ngừng sẽ được đánh giá cao. Đặc biệt, các nhà tuyển dụng cho rằng, kỹ năng học hỏi tích cực trở thành một yêu cầu cần thiết của mỗi người lao động...” - chuyên gia về dự báo nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Tương tự, nói về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, ông Nguyễn Tiến Dũng – Tổng Giám đốc SAVISTA HOLDINGS - cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hóa và CMCN 4.0 đã có tác động sâu sắc đến nguồn nhân lực trình độ cao.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, nền kinh tế về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay thì đây là kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, an ninh mạng… Nhiều lao động tiếp cận công nghệ nhưng chưa chắt lọc và phân tích thông tin chuẩn, thiếu tính kiến tạo trong công việc.

“Một số trường đại học trong nước đã có những ý tưởng giảng dạy và đào tạo sinh viên dựa trên nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp. Theo tôi, đây là sự chuyển động rất phù hợp trong chiến lược hình thành thị trường đào tạo nguồn nhân lực hiện nay. Chỉ khi tạo được mối liên kết hợp tác với các doanh nghiệp thì mới hiểu rõ thị trường lao động và đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cũng như việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Có thể nói, đối với các công ty quản lý vận hành bất động sản nói chung và SAVISTA nói riêng thì nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có tay nghề cao là rất lớn, đặc biệt là lao động khối kỹ thuật, dịch vụ khách hàng, công nghệ thông tin. Để có được nguồn nhân lực ổn định và vững chắc, nhân sự của SAVISTA được tuyển chọn dựa trên đánh giá toàn diện về nhiệt huyết đam mê nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn và nền tảng kiến thức trong công việc. Và tôi nhận thấy ở nhiều em đã được rèn luyện điều này rất tốt trong nhà trường...” - ông Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Sinh viên tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa/ INT

Sinh viên tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh. Ảnh minh họa/ INT

Năng lực bản thân hay dự báo thị trường?

Từ góc độ lựa chọn ngành học của thí sinh, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (HUTECH) cho rằng, điểm tích cực là hầu hết các ngành được thí sinh lựa chọn đều là những ngành được dự báo có nhu cầu nhân lực lớn, nên việc các bạn chọn học cũng là đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực này.

“Hẳn nhiên, việc chọn ngành của thí sinh không hoàn toàn định hình được thị trường lao động. Thị trường vận hành theo quy luật cung - cầu, những ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhưng chưa được thí sinh chú ý nhiều trong giai đoạn này tất yếu sẽ có những điều chỉnh về lương thưởng, đãi ngộ để thu hút nhân sự phù hợp.

Như tại HUTECH, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng chưa được nhiều thí sinh quan tâm như Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm.... Trong khi đó, các lĩnh vực nghề nghiệp thu hút thí sinh như kinh doanh - quản lý, truyền thông - marketing, công nghệ thông tin... có tốc độ phát triển nhanh nên đồng thời cũng đòi hỏi nhân sự phải không ngừng học hỏi để đáp ứng, nếu không muốn bị đào thải...” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

“Thí sinh nên chọn trường vì thực lực chứ không nên chọn trường cho bằng bạn bằng bè. Chọn ngành theo đam mê hoặc chọn ngành phù hợp với thực tế và mong muốn điều gì ở bản thân sau tốt nghiệp đại học... Trường đại học là nơi quyết định giá trị hành nghề và thành công trong tương lai của sinh viên, vì vậy, sự thận trọng tìm hiểu kỹ về các ngành, về trường sẽ giúp các em không rơi vào hoàn cảnh “mọi chuyện đã rồi”, hoặc phải bỏ học giữa chừng vì không phù hợp...” - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh (LHU) lưu ý, theo lịch trình tuyển sinh 2022, từ ngày 22/7 - 20/8, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng (không giới hạn số lần thực hiện) trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Để chuẩn bị sẵn việc lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, thí sinh nên chọn trường phù hợp với năng lực tài chính của gia đình chứ không phải chọn trường theo danh tiếng. Nhiều trường đại học tự chủ về tài chính, học phí sẽ tăng rất cao, vì thế cần cân nhắc kỹ để tránh bị đứt gánh giữa đường.

Trong khi đó, ThS Trần Nam cho rằng, hiện có nhiều ngành tuy ít người học hơn nhưng cơ hội việc làm vẫn cao trong khi ngành nhiều người học thì sự cạnh tranh sẽ rất cao cả về tuyển sinh, học tập lẫn việc làm.

“Cần nhìn rộng hơn về ngành, về nghề, vì khi mở tầm mắt của mình ra, bạn sẽ thấy được nhiều cơ hội khác dành cho mình. Ngành mình thích nhưng không đủ tố chất để học, hay ngành mình không thích mà vẫn đi học cho bằng được rồi việc làm tính sau thì đó là sự lãng phí. Đồng thời, các bạn cần đặt mình vào một cơ sở đào tạo chất lượng, tử tế và học phí phù hợp với gia đình mình. Trong giáo dục, chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng nhất để kiến tạo nên những người giỏi...” - ThS Trần Nam chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng Giám đốc SAVISTA HOLDINGS, hiện nay, nhiều trường đại học đã có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc cung ứng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, sẽ là một thiếu sót nếu việc dạy và học không gắn liền với kỹ năng thực tiễn và các giá trị đạo đức. Chính vì vậy, việc các trường đại học hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo tại chỗ, nâng cao kỹ năng mềm, gắn với thực tiễn và ý thức trách nhiệm đạo đức là yếu tố cần để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa quốc tế.

Một xu hướng đáng chú ý là thí sinh ngày càng quan tâm hơn đến các chương trình liên kết 2+2 vì các bạn được trải nghiệm cả 2 môi trường học thuật là Việt Nam và nước đối tác. Điều này giúp sinh viên có thể hội nhập tốt hơn vào cả hai xã hội sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, chất lượng giảng dạy trong nước đã được nâng lên nhanh chóng. - ThS Trần Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...