Rộn ràng Tết Lào trên đất Việt

GD&TĐ - Bun Pi May còn được người Lào gọi là Bun Hốt Nậm (Lễ hội té nước), thời khắc chuyển năm và lúc chuyển mùa ở đất nước Lào.

Rộn ràng Tết Lào trên đất Việt

Đó là lúc mùa xuân mới đến với đất nước Triệu Voi xinh đẹp, với những người dân Lào cần cù, nhân hậu và tình nghĩa.

Lễ hội té nước

Tháng 4 hàng năm cũng là dịp hoa dokkhoun nở rộ trên các tuyến phố ở thủ đô Vientiane hay cố đô Luangprabang của nước CHDCND Lào. Người Việt gọi loài hoa này là hoa muồng vàng. Đây cũng là thời khắc báo hiệu Tết Lào đã đến. Vào dịp này, người Lào khắp nơi trong và ngoài nước đều háo hức chào đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.

Người Lào đón năm mới theo Phật lịch nên năm mới ở Lào diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch hàng năm. Năm nay là năm thứ 2.565 theo Phật lịch.

Để chuẩn bị đón năm mới, nhân dân Lào thường cùng nhau dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp. Sau đó, mọi người đều mặc quần áo đẹp, chuẩn bị hoa, nến, nước thơm rồi tập trung ở chùa để làm lễ Phật dưới sự chủ trì của người cao tuổi nhất trong làng. Bắt đầu là nghi lễ tắm Phật. Người Lào sẽ mang tượng Phật của tổ tiên xuống và tắm rửa bằng nước thơm.

Ngoài ra, người Lào còn rửa sạch các tháp mộ, té nước cho các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Tiếp theo, con cháu sẽ té nước cho ông bà, cha mẹ, người cao tuổi để chúc ông bà, cha mẹ mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi.

Rồi mọi người cùng té nước để chúc phúc cho nhau. Người Lào tin rằng, việc té nước sẽ gột rửa hết những điều xấu xa, mọi bệnh tật và những điều không may mắn để sang năm mới chỉ còn điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người.

Vui nhất trong Tết Bun Pi May cũng chính là trò chơi té nước. Người người, nhà nhà đổ ra đường, đầy các tuyến phố. Từng nhóm, lẫn cả du khách sẵn sàng các thùng nước, vòi nước, xô chậu phun tưới vào nhau cũng như tưới vào người đi đường làm náo nhiệt cả không gian rộng lớn. Người Lào quan niệm, ai té được nhiều nước nhất và ai nhận được nhiều nước làm ướt nhất, thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, đất nước bình yên.

Té nước trong ngày Tết còn mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi vì đây là giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa tại Lào. Cũng chính vì thế, người Lào gọi Tết Bun Pi May (Lễ hội mừng đón năm mới) là Bun Hốt Nậm (Lễ hội té nước).

Cùng với các hoạt động náo nức vui nhộn trên đường phố, trong mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở cũng đều tổ chức đón Tết Bun Pi May bằng hình thức làm lễ buộc chỉ cổ tay, té nước chúc phúc lẫn nhau và múa hát lăm vông. Điều này đã tạo không khí rất gần gũi ấm áp tình người.

Cũng ngày này, người dân Lào làm lễ xá tội cho nhau, bỏ qua những ân oán thù ghét của năm cũ. Các vị lãnh đạo thì bày tỏ ăn năn sửa sai trước dân chúng và hứa sẽ làm tốt vai trò của mình trong năm mới.

Rộn ràng đón Tết Lào ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Rộn ràng đón Tết Lào ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Rộn rã khúc ca tình hữu nghị Việt - Lào

Năm nay, hàng nghìn sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam đã được đón Tết trong không khí ấm cúng, vui tươi và hướng về quê hương với mong muốn tốt đẹp nhất đến với những người thân ở đất nước Triệu Voi.

Với những người dân Lào ở xa tổ quốc, chắc hẳn dù có ở đâu họ cũng luôn hướng về đất nước của mình trong những ngày đặc biệt này. Riêng các cán bộ, sinh viên Lào đang nghiên cứu và học tập ở Việt Nam, mặc dù xa quê hương, gia đình, người thân nhưng họ luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía nhà trường, chính quyền cũng như người dân Việt Nam.

Năm nay, đặc biệt hơn khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, họ được đón Tết cổ truyền trong không khí vui vẻ, ấm áp bên cạnh thầy cô và những người bạn thân thiết.

Sau khi Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều biện pháp phòng chống dịch, cả nước quay trở lại tình trạng bình thường mới. Trên tinh thần đó, các cán bộ Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo Quốc tế (Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT) đã nỗ lực để tổ chức Lễ đón Bun Pi May thật đặc biệt cho học sinh, sinh viên Lào. Điều này nhằm giúp các em có thể đón năm mới Lào một cách vui vẻ, để vơi đi nỗi nhớ nhà sau thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Khắp nơi, từ Hà Nội đến Sơn La, Lào Cai, hay vào Cố đô Huế… người ta đều cảm nhận được niềm vui của các du học sinh Lào, những người Lào đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ hò reo, múa hát và dù có thể không đầy đủ người thân nhưng nơi đây cũng ấm cúng như ở nhà.

Sinh viên Lào tại Việt Nam đón Tết truyền thống.

Sinh viên Lào tại Việt Nam đón Tết truyền thống. 

Em Mesa Boubphaphan (trú tỉnh Sekong), Ban Đại diện lưu học sinh Lào tại Huế, sinh viên Trường Đại học Y Dược Huế, chia sẻ: “Đây là năm thứ 5 em theo học ở Huế. Cả 5 năm, em đều lên chùa Từ Lâm đón Tết cổ truyền của quê hương mình.

Khi đến đây, em cũng như hàng trăm bạn sinh viên Lào đang học tập ở Cố đô Huế quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Tại đây, chúng em được các sư thầy tổ chức các hoạt động Tết cổ truyền của người Lào trong không khí ấm áp, bình an, giúp các sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào hiểu thêm văn hóa của 2 quốc gia”.

Em Lar Siripanyo (trú tại tỉnh Savanakhet), sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Luật - Đại học Huế, nói: “Dù ở xa quê, chúng em vẫn được đón Tết, vẫn thực hiện được nhiều điều thiêng liêng nhất trong những ngày đầu năm mới khi đang học tập tại Việt Nam”…

Khắp nơi, tháp hoa 3 tầng tượng trưng cho tình đoàn kết của nhân dân Lào, những sợi chỉ trắng trong suốt, những thau nước với hương thơm của các loài hoa rừng, các loại bánh, ngũ cốc thường có trong đời sống hàng ngày của nhân dân các bộ tộc Lào được chuẩn bị khá đầy đủ. Khu ký túc rộn rã vang lên những bài hát truyền thống dân tộc cùng khúc ca tình anh em Việt - Lào.

Ông Lê Phú Thắng - Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 - chia sẻ: Các bạn lưu học sinh Lào có quyền tự hào về tổ quốc, về dân tộc mình. Tự hào bao nhiêu các bạn càng nỗ lực cao bấy nhiêu.

Vì các bạn là niềm tự hào của đất nước “Triệu Voi”. Các bạn gánh trên vai sứ mệnh thiêng liêng, cao cả do nhân dân các bộ tộc Lào giao phó. Đó là học tập, rèn luyện tốt, tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật tiên tiến để phụng sự tổ quốc Lào mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.