Rộn ràng lớp học hè miễn phí

GD&TĐ - Dịp hè năm 2024, nhiều lớp học miễn phí được mở ra giúp HS ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuẩn bị vào năm học mới với tâm thế vững vàng.

Một buổi học tại lớp học tình thương tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Minh Anh.
Một buổi học tại lớp học tình thương tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Minh Anh.

Củng cố kiến thức

Bước vào hè, các buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 7, lớp học tình thương tại phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TPHCM) do bà Trần Thị Thanh Thủy (69 tuổi) phụ trách lại đông các em nhỏ cắp sách đến học. Lớp học đặc biệt được lập đến nay đã hơn 10 năm.

Suốt những năm qua, với tình yêu thương và tâm huyết của bà Thủy, các thầy, cô giáo tình nguyện viên và nhà hảo tâm đã giúp những đứa trẻ không có điều kiện đến trường biết đọc, viết. Đặc biệt, nhiều học sinh đang theo học ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn khi học tại đây được ôn tập, củng cố kiến thức nên tiến bộ nhanh hơn trong học tập.

“Những ngày thường, lớp học chỉ khoảng 50 trẻ nhỏ theo học thì đến dịp hè số lượng tăng lên khoảng 80 em. Trong đó một nửa là các cháu học tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn phường Bình Trưng Đông. Các cháu đang theo học ở trường trên địa bàn đến với lớp học tình thương đa phần có học lực trung bình. Còn những em chỉ theo học tại lớp thường có hoàn cảnh khó khăn.

Thế nhưng trong quá trình học tập, với sự quan tâm dạy dỗ của các thầy, cô giáo và tình nguyện viên, nhiều em đã tiến bộ nhanh trong học tập, biết đến con chữ, phép tính. Đặc biệt các em rất ngoan ngoãn và lễ phép với người lớn”, bà Thủy chia sẻ.

Còn tại TP Biên Hòa (Đồng Nai), giữa tháng 6/2024, lớp học tình thương do Đại đức Thích An Thuận (Phật đường Pháp Tuyền, khu phố 4B, phường Trảng Dài) phụ trách, lại mở cửa đón nhận trẻ nhỏ đến học tập. Cũng như mọi năm, thời điểm học sinh trên địa bàn TP Biên Hòa nghỉ hè cũng là lúc công tác chuẩn bị mở lớp học đi vào giai đoạn hoàn tất. Theo Đại đức Thích An Thuận, hiện lớp học có 30 học sinh đăng ký học vào dịp hè và 9 tình nguyện viên là các thầy, cô giáo giảng dạy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên hệ để dạy cho các em nhỏ.

“Hè năm 2024 này là năm thứ 4 lớp học tổ chức. Những trẻ theo lớp đều có điểm chung gia đình khó khăn, theo bố mẹ ở miền Trung vừa vào địa bàn. Lớp học dạy môn Toán, Tiếng Anh. Tại lớp ngoài việc ôn tập kiến thức cho các em từ lớp 1 đến lớp 9, lớp học còn dạy những đứa trẻ không có điều kiện học tập ở trường biết đọc, viết, làm toán, làm văn và những kiến thức xã hội cần thiết. Như mọi năm trong ngày khai giảng nhà chùa sẽ tặng học sinh vở, bút để các em học tập”, Đại đức Thích An Thuận cho biết.

Giờ học của trẻ tại Phật đường Pháp Tuyền, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Minh Anh

Giờ học của trẻ tại Phật đường Pháp Tuyền, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: Minh Anh

Cán bộ Đồn Biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM), hướng dẫn trẻ cách sơ cứu khi bị đuối nước. Ảnh: Minh Anh

Cán bộ Đồn Biên phòng Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM), hướng dẫn trẻ cách sơ cứu khi bị đuối nước. Ảnh: Minh Anh

Rèn luyện kỹ năng

Ngoài giúp trẻ nghèo biết chữ, làm tính, lớp học tình thương tại Phật đường Pháp Tuyền còn trang bị nhiều kỹ năng sống cho các em. Theo Đại đức Thích An Thuận, cùng với dạy văn hóa, các thầy, cô giáo còn lồng ghép để trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống để các em biết bảo vệ bản thân, môi trường, có trách nhiệm gia đình và xã hội.

Tại huyện Cần Giờ (TPHCM), để trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh, Chi đoàn Đồn Biên phòng Long Hòa (Bộ đội Biên phòng TPHCM) tiếp tục mở “lớp dạy bơi, phòng chống đuối nước cộng đồng” cho trẻ em trên địa bàn xã Long Hòa (huyện Cần Giờ).

Đây là năm thứ 4, những người lính Đồn Biên phòng Long Hòa phối hợp với Đoàn xã Long Hòa tổ chức mô hình này ở độ tuổi tiểu học. Lớp dạy bơi hoạt động từ tháng 6 đến giữa tháng 8/2024. Mô hình không chỉ giúp các em nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước còn là hoạt động thể thao ý nghĩa, sân chơi an toàn, bổ ích.

Theo Trung úy Lê Tuấn Anh - Phó đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Long Hòa, do địa bàn xã Long Hòa với nhiều ao hồ sông rạch, gia đình chủ yếu hoàn cảnh khó khăn, làm nghề đánh bắt thủy hải sản, học sinh nghỉ hè còn thiếu sân chơi. Vì vậy, đơn vị vận động Ban Quản lý khu du lịch Phương Nam hỗ trợ hồ bơi; cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên và giáo viên các trường trên địa bàn tham gia dạy bơi, kỹ năng chống đuối nước miễn phí, kết hợp tuyên truyền giáo dục về chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường biển cho học sinh tiểu học.

“Lớp học được tổ chức vào các buổi chiều thứ 5 và thứ 7 hàng tuần. Hiện có trên 30 trẻ đăng ký tham gia lớp học này. Khi tham gia các em sẽ được trang bị kiến thức cơ bản để nếu không may gặp nạn có thể tự cứu mình; hướng dẫn các kỹ năng đảm bảo an toàn dưới nước, sơ cứu người bị đuối nước; lưu ý các em chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ; tuân thủ quy định bể bơi, cảnh báo nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trên địa bàn...”, Trung úy Lê Tuấn Anh cho hay.

Đại tá Nguyễn Văn Tiến - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng TPHCM thông tin, ngoài lớp dạy bơi, dịp hè hàng năm, Đồn Biên phòng Long Hòa còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí thu hút nhiều trẻ tham gia. Đặc biệt, không riêng đơn vị này, nhiều năm nay, chương trình mở lớp học kiến thức văn hóa, dạy nghề và dạy kỹ năng sống dành cho trẻ em, học sinh, người dân vùng biên giới biển được các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng TPHCM tổ chức thường xuyên đã mang lại hiệu quả tích cực.

Là học sinh từng theo học tại lớp học tình thương Phật đường Pháp Tuyền trong dịp hè, em Nguyễn Văn Đề (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết:

“Các thầy cô dạy dễ hiểu, em rất vui khi được tham gia lớp học. Bởi, khi học tại đây em không chỉ được ôn tập kiến thức các môn đã học, mà còn được thầy cô dạy nhiều điều bổ ích như: Phòng chống đuối nước, tự giải thoát khi bị khủng bố bắt cóc, hỏa hoạn, động đất, các kỹ năng giao tiếp gia đình và xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cổng Trời - Hoành Sơn Quan tọa lạc trên đỉnh Đèo Ngang (xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: Phượng Vũ.

Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

GD&TĐ - Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'.

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.

Nhân lực ngành cầu đường cần bổ sung để thực hiện mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Ảnh minh họa: TG

'Khát' kỹ sư cầu đường

GD&TĐ - Quy mô vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng. 

Minh họa/INT

Tuyến tùng - 'bé hạt tiêu'

GD&TĐ - Tuyến tùng có kích thước rất khiêm tốn so với bộ não con người, chỉ giống như một quả tùng nhỏ.