Lớp học miễn phí của đôi vợ chồng trẻ

GD&TĐ - Thương những đứa trẻ suốt ngày lấm lem nghịch ngoài đất khi bố mẹ vắng nhà, vợ chồng anh A Kâm quyết định mở lớp dạy học miễn phí. Sau 5 năm, hơn 300 lượt học sinh đã được vợ chồng anh bổ sung kiến thức, nhờ đó, thành tích học tập được nâng cao. Các em tự tin hơn trong giao tiếp.

Lớp học miễn phí của vợ chồng thầy A Kâm bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối.
Lớp học miễn phí của vợ chồng thầy A Kâm bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối.

Lớp học chia hai

Về làng Kon K’Tu (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum, Kon Tum), chúng tôi hỏi thăm nhà anh A Kâm (30 tuổi, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đắk Rơ Wa) ai cũng vui vẻ chỉ đường. Mọi người biết đến anh không chỉ là một cán bộ xã mà là người “thầy” hết lòng vì học sinh nghèo.

Lớp học miễn phí của vợ chồng anh A Kâm chiếm trọn khoảng sân trước nhà. Hàng chục đứa trẻ ở nhiều khối, lớp ngồi ngay ngắn, chăm chú lắng nghe anh A Kâm và vợ là Y Thoan (27 tuổi) giảng bài. Lớp học được chia làm đôi với 2 chiếc bảng đen riêng biệt. Anh A Kâm bên trái dạy cho lũ trẻ học Toán. Bên phải góc sân, chị Y Thoan dạy các em học sinh cách đọc, cách viết môn Tiếng Việt.

Anh A Kâm tâm sự: Năm 2014, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Khi chị Y Thoan (27 tuổi) vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm, hai người nên duyên vợ chồng. Anh chị mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng không được, đành trở về nhà làm thuê, cuốc mướn.

Ở nhà, anh thường xuyên chứng kiến những đứa trẻ nô đùa ở nền đất bẩn, dưới trời nắng chang chang. Thương lũ trẻ, cũng thương cho bản thân mình nên anh A Kâm nảy ý định mở lớp dạy miễn phí cho học trò. Khi đó, những đứa trẻ không phải lấm lem khi bố mẹ vắng nhà, anh lại được dạy học để thỏa niềm đam mê.

Ý định của A Kâm được vợ ủng hộ. Tối đến, khi phụ huynh của các em trở về sau một ngày trên nương rẫy, anh A Kâm đi gõ cửa từng nhà để vận động các em đến lớp học. Tuy nhiên, một số phụ huynh chưa mặn mà, chú trọng đến việc học của con cái. Do đó, những ngày đầu lớp học của anh A Kâm chỉ lác đác vài em.

Không chịu từ bỏ, anh A Kâm xuống từng nhà dân, tâm sự, chia sẻ với các bậc phụ huynh để cho con em đến lớp. Các em nhỏ đang theo học ở lớp của A Kâm cũng về “khoe”, đến lớp học lại được thầy cho kẹo nên đám trẻ lũ lượt kéo đến.

“Vợ chồng mình mở lớp chỉ muốn các em được bổ sung kiến thức để có thể học tốt hơn trên trường. Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa chú trọng việc học của con em. Lúc đầu  hai vợ chồng mình gặp khó khăn trong công tác vận động các em đến lớp”, anh A Kâm nói.

Chị Y Thoan dạy học với mong muốn các em học tốt hơn để sau này thoát nghèo.
 Chị Y Thoan dạy học với mong muốn các em học tốt hơn để sau này thoát nghèo.

Vui cùng tiến bộ của trò

Ban đầu lớp học của vợ chồng anh A Kâm chỉ có 2 - 3 bộ bàn ghế. Tiếng lành đồn xa, không lâu sau, học sinh tìm đến lớp học thầy Kâm ngày một đông nên bàn ghế cũng tăng lên 20 - 30 bộ. Diện tích trong nhà không đủ để kê bàn ghế nên vợ chồng anh A Kâm đành chuyển lớp học ra ngoài sân. Mái che bằng tôn và bóng điện cũng được bổ sung để thuận tiện cho các em học tập.

Đều đặn từ thứ 2 - thứ 6, đúng 5 giờ chiều các em học sinh vào lớp học. Vợ chồng anh A Kâm phân chia nhau để dạy cho các em nhỏ trong làng. Hôm thì học Toán, hôm học Tiếng Việt. Ngoài ra, vợ chồng anh A Kâm còn dạy cả môn Tiếng Anh với mong muốn sau này các em có thể góp phần phát triển du lịch địa phương.

Có những ngày trời mưa, khoảng sân nhỏ không được che chắn xung quanh khiến mưa tạt nhớp nháp. Vợ chồng anh A Kâm đành cho lũ trẻ về nhà trước 7 giờ tối. “Nhiều buổi đến giờ ra về nhưng lũ trẻ cứ nằng nặc đòi học tiếp. Vợ chồng mình chiều theo ý các em dạy thêm một lúc nữa. Nhưng sợ lũ trẻ đói bụng nên phải cho chúng ra về, ngày mai lại tiếp tục. Thấy lũ trẻ ham học, bản thân mình thấy rất vui và hạnh phúc”, anh A Kâm chia sẻ.

Các em hăng say học bài.
 Các em hăng say học bài.

Những món quà ý nghĩa

Cho lũ trẻ ngồi tự đọc bài môn Tiếng Việt, chị Y Thoan tranh thủ nhấp ngụm nước để lấy lại giọng tiếp tục việc giảng dạy.

Chị Y Thoan cho hay: Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào vài sào rẫy trồng ngô, sắn. Năm vừa rồi, anh A Kâm được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Tuy nhiên, đồng lương chẳng được là bao. Những hôm rảnh, chị Y Thoan lại đi làm thuê để trang trải cuộc sống và lo cho lớp học miễn phí. Tuy khổ cực, nhưng khi thấy thành tích học tập của các em tiến bộ từng ngày, vợ chồng chị lại có thêm động lực để cố gắng.

“Mỗi ngày vợ chồng mình dạy cho khoảng 40 em học sinh từ lớp 1 - 8. Có những hôm lớp học lên đến 60 em. Do học sinh ở nhiều khối khác nhau nên vợ chồng thay phiên nhau dạy... Những hôm gần ngày thi, lớp học có khi kéo dài đến tận 9 giờ đêm. Nhìn lũ trẻ chăm chỉ học quên thời gian, không quản mưa nắng, vợ chồng mình thấy rất vui. Thành tích học tập của các em được nâng lên là món quà to lớn đối với vợ chồng mình”, chị Y Thoan tâm sự.

Nở nụ cười hiền, chị Y Thoan bộc bạch: Học sinh nơi đây chủ yếu là người Bana. Điều kiện sống của các em rất khó khăn vì bố mẹ làm nông. Tuy nhiên, các em sống rất tình cảm, mang đến nhiều bất ngờ cho vợ chồng A Kâm.

“Vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các em đi hái hoa dại, rau rừng mang đến lớp học tặng cho vợ chồng mình. Lũ trẻ tặng xong, ngại ngùng chạy lại chỗ ngồi. Nhìn những bông hoa dại đủ sắc màu trên tay, vợ chồng mình rất vui và xúc động”, chị Y Thoan nhớ lại.

Khi bụng đã sôi vì đói, lũ trẻ chào thầy cô và mọi người ra về.
 Khi bụng đã sôi vì đói, lũ trẻ chào thầy cô và mọi người ra về.

Anh A Kâm cũng nhớ như in ngày sinh nhật vừa qua của mình. Khi đó, gần tới giờ dạy, anh trở về nhà thì thấy bóng điện trong nhà đều tắt. Cả nhà tối đen như mực khiến anh lo lắng. Vừa bước chân vào nhà thì bài hát “Chúc mừng sinh nhật” vang lên. Chiếc bánh kem nhỏ với ánh nến lung linh được đưa đến trước mặt anh cùng tiếng vỗ tay, lời chúc của cô cậu học trò. Tuy lời chúc vụng về nhưng chứa chan tình cảm mà lũ trò nhỏ dành cho người thầy của mình.

“Từ nhỏ đến giờ mình chưa bao giờ được thổi nến trong ngày sinh nhật. Các em học sinh khiến mình rất bất ngờ và xúc động”, anh A Kâm kể.

Đưa ánh mắt về phía lũ trẻ đang cặm cụi viết bài, anh A Kâm mong muốn bản thân sẽ luôn có sức khỏe để tiếp tục duy trì lớp học. Bên cạnh đó, anh cũng mong kiếm được nhiều việc làm hơn để có thêm kinh phí mở rộng lớp học. Khi đó các em học sinh sẽ có không gian rộng rãi hơn để học tập.

“Mình sẽ duy trì lớp học này đến khi nào không còn khả năng nữa. Mình mong muốn các em có thêm kiến thức để học tốt hơn trên trường. Có kiến thức, sau này các em sẽ bớt khổ và có thể góp phần phát triển kinh tế địa phương”, anh A Kâm tâm sự.

Em Y Tuynh (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học và THCS Đắk Rơ Wa) cho hay: Em theo học ở lớp của vợ chồng thầy A Kâm được 3 năm. Tại đây, em được thầy cô bổ sung kiến thức môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh miễn phí.

“Nhờ thầy A Kâm và cô Y Thoan, em được bổ sung kiến thức các môn học. Đến trường em học tập tốt hơn và được thầy cô khen tiến bộ. Năm học vừa rồi, em đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em rất biết ơn thầy Kâm và cô Thoan. Em mong muốn được học thầy cô lâu hơn nữa để em có thêm kiến thức”, em Y Tuynh chia sẻ.

Bà Y Khiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa cho biết: A Kâm là cán bộ không chuyên trách của xã. Anh là cán bộ trẻ có trình độ, năng lực. Trong công tác A Kâm luôn hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, A Kâm có nhiều đóng góp khi mở lớp học miễn phí giảng dạy cho con em trong làng. Lớp học của vợ chồng A Kâm đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng học tập của học sinh tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.