“Rốn lũ” Chương Mỹ sẵn sàng vào năm học mới

Tiết học đầu tiên của Trường tiểu học Nam Phương Tiến A kể từ sau đợt ngập lụt vừa qua
Tiết học đầu tiên của Trường tiểu học Nam Phương Tiến A kể từ sau đợt ngập lụt vừa qua

Theo ghi nhận của phóng viên báo Giáo dục & Thời đại, học sinh của các trường bị ngập lụt đã tựu trường. Việc dạy - học đã từng bước ổn định, sẵn sàng cho năm học mới 2018 – 2019.

Học sinh hân hoan tựu trường

Theo cô Nguyễn Thị Xuân Loan - Trường tiểu học Nam Phương Tiến A, với sự giúp sức, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh, cùng toàn thể cán bộ, giáo viên đã tổng vệ sinh trường lớp, khử trùng, tiêu độc, sẵn sàng đón các em học sinh tựu trường.

“Công tác khắc phục những hư hỏng, thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị đang tiếp tục được khắc phục và trước ngày khai giảng sẽ hoàn tất, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất (có thể) để thầy, trò yên tâm dạy và học” – Cô Loan trao đổi.

Cô Nguyễn Thị Xuân Loan cho biết: Ngày 15/8, toàn thể 250 em học sinh đã tựu trường. Việc dạy và học chính thức được bắt đầu từ ngày 16/8. Hiện nay, nhà trường tiếp tục phối hợp với cơ quan y tế để xử lý ô nhiễm môi trường, nhằm đảm sức khỏe cho thầy và trò trong quá trình dạy – học.

Còn tại trường THCS Hoàng Văn Thụ, gần 400 học sinh cũng đã tựu trường và bắt đầu học tập từ ngày 15/8. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cho biết: Đợt ngập lụt vừa qua, nhiều trang thiết bị dạy – học của nhà trường bị hư hỏng nặng.

Đơn cử như: Bàn ghế học sinh, một số đồ dùng dạy học bị nước cuốn trôi hoặc phá hủy. “Với phương châm nước rút đến đâu dọn dẹp và khắc phục đến đó, nên đến trước ngày 15/5 toàn bộ bàn ghế đã được sửa chữa, khắc phục, sẵn sàng đón thầy và trò tựu trường” – thầy Nguyễn Bá Thắng cho hay.

Cũng theo thầy Nguyễn Bá Thắng, hiện tâm lý thầy và trò đều ổn định. Tâm thế tự tin, sẵn sàng cho việc dạy và học ngay từ những tiết học đầu tiên.

“Thời gian này, ngoài việc tổ chức ôn tập, dạy học văn hóa cho các em học sinh, nhà trường còn tổ chức lồng ghép hướng dẫn học sinh kỹ năng xử lý tình huống và ứng phó với thiên tai.

Qua đó, nhằm trang bị cho các em kỹ năng sinh tồn trước những diễn biến bất thường của thời tiết” – thầy Nguyễn Bá Thắng chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) đã tựu trường
 Học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội) đã tựu trường

Chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới

Qua tìm hiểu được biết, đợt mưa lũ vừa qua, nhiều trường học của xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) bị thiệt hại nặng nề như: Sân trường, tường bao, mái tôn, bàn ghế bị sụt lún, hư hỏng không thể tái sử dụng. Nhiều phòng học bị ngập nước, mưa dột nên bị thấm mốc.

Tuy nhiên với tinh thần khẩn trương, tích cực; đến nay công tác khắc phục hậu quả của mưa lũ đã cơ bản xong. Đến thời điểm này toàn bộ 7 trường học của xã Nam Phương Tiến đã không còn bị ngập lụt. Nước đã rút, học sinh đã tựu trường theo kế hoạch của UBND huyện đề ra.

Bà Tạ Thị Thu Hương – Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho biết: Công việc quan trọng lúc này là ổn định việc dạy và học. Cùng với đó là khắc phục sửa chữa, hoặc thay thế bổ sung những thiết bị hư hỏng nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất (có thể) cho thầy và trò trước khi vào năm học mới.

“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch, trong trường hợp mưa lũ có thể kéo dài, các trường xây dựng phương án học bù nhằm đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trước mắt, đề nghị các trường chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức Ngày khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” – bà Tạ Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết: UBND huyện vẫn đang hướng dẫn các trường kiểm kê thiệt hại tài sản do mưa lũ. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa hoặc mua sắm bổ sung. Trong trường hợp ngoài khả năng ngân sách của huyện, sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa. Quan điểm là “giáo dục phải là quốc sách hàng đầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.