Ở tuổi 43, sau những thành công chói lọi và những đau buồn không thể vượt qua, Romy đã tự chọn cho mình cái chết với ly cocktail pha thuốc ngủ.
Tuổi thơ khó khăn
Sinh tại Vienne (Áo) vào năm 1938 với tên thật là Rosemarie Magdalena Albach-Retty, Romy Schneider là nghệ danh do người mẹ, Magda Schneider, đặt cho. “Mẹ tôi không cho tôi cơ hội nào khác ngoài việc trở thành diễn viên”, Rosemarie thừa nhận.
Năm lên 4 tuổi, bố mẹ ly hôn, và Rosemarie được bà ngoại nuôi dưỡng, sau đó, bà vào học trường dòng dành cho nữ sinh tại một tu viện. Năm 15 tuổi (1953), bà chuyển sang học ở Trường Nghệ thuật Köln. Những năm học ở trường dòng, bà thường xuyên tham gia các vở kịch của nhà trường, và rất buồn vì mẹ bà không bao giờ có thời gian đến xem các buổi biểu diễn ra mắt của con gái.
Đến khi Rosemarie bước sang tuổi 14, bà mẹ rất quan tâm tới sự nghiệp của con. Chính bà là người đầu tiên đưa Rosemarie đến trường quay và đề cử con đóng một vai trong bộ phim “Wenn der weiße Flieder wieder blüht” (Khi đóa hoa trắng nở thêm lần nữa) mà bà cũng tham gia.
Năm 17 tuổi, với nghệ danh Romy Schneider, Rosemarie trở nên nổi tiếng thế giới với vai diễn công chúa Elisabeth xứ Bavaria trong bộ phim “Sissi”. Sau đó, mỗi năm bà nhận được một số lời mời mới của các đạo diễn.
Về thành công ban đầu của mình, Romy Schneider nói: “Những gì tôi biết, tôi đều học qua điện ảnh. Bởi vì năm mười bốn tuổi tôi đã rời nhà trường và bắt đầu đóng phim. Tôi rất khó nhìn nhận bản thân một cách khách quan, tôi không nhớ bất cứ điều gì từ thời thơ ấu của tôi, cái thời tôi làm việc không nghỉ trên trường quay”.
Sau khi trở thành ngôi sao điện ảnh trên tổ quốc mình, nữ diễn viên đã đi chinh phục nước Pháp. Ở đây, đạo diễn Luchino Visconti đã giúp bà gặt hái thành công trên cả sân khấu kịch và điện ảnh, nhờ đó bà tới tấp nhận được lời mời của các đạo diễn Pháp.
Cuộc đời bất hạnh
Romy Schneider và Alain Delon. |
Trên màn ảnh, Romy Schneider luôn luôn tỏa sáng, mỉm cười và tỏ ra vô cùng hạnh phúc, nhưng hóa ra, đó chỉ là trong phim. Ở Pháp, Romy Schneider gặp diễn viên điển trai và nổi tiếng Alain Delon, người sau này đóng vai trò nguy hại trong số phận của bà.
Họ yêu nhau đến cuồng nhiệt và đau đớn, nhưng thường xuyên cãi nhau và hiếm khi gặp nhau. Năm 1959, bộ đôi chính thức đính hôn, nhưng hạnh phúc của họ kéo dài chẳng được bao lâu, chỉ sau 4 năm kết hôn, Alain đã phản bội Romy để đến với một người phụ nữ tên là Nathalie.
Sự phản bội của Alain Delon khiến Romy hết sức đau khổ, vì bà vẫn còn yêu ông. Bà rời Pháp đến Đức và lao vào công việc. Tại đây, bà gặp diễn viên kiêm đạo diễn sân khấu Đức Harry Mayen, và mối tình này đã giúp bà quên đi nỗi đau khổ một thời.
Bà nói: “Những năm tháng ở bên Alain thật man rợ, điên rồ. Với Harry, cuối cùng tôi đã lấy lại thăng bằng... Sau Alain, tôi vô cùng bất hạnh... Harry đã bảo vệ tôi... Với Harry, cuối cùng tôi cũng được an toàn. Tôi trở nên thanh thản hơn. Tôi đã không còn nhiều tham vọng như trước nữa… Đối với một số người, chúng tôi đã trở thành một cặp vợ chồng thị dân bình thường…”.
Năm 1966, Romy Schneider sinh con trai, sau đó, hai năm liền, bà biến mất khỏi màn ảnh, để dành toàn bộ tâm sức cho việc chăm sóc con. Sau này, nữ diễn viên gọi đây là quãng thời gian bình lặng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà.
Nhưng năm 1968, mọi chuyện sụp đổ - Romy được mời đóng một vai trong bộ phim Pháp “The Swimming Pool” (Bể bơi mùa đông), nơi bà phải gặp lại Alain Delon trên trường quay.
Chồng bà vui lòng để bà đi, vì ông tin rằng chuyện tình cũ của bà đã mãi mãi trở thành dĩ vãng, nhưng Delon và Schneider càng thuyết phục mọi người xung quanh rằng họ chỉ gắn bó với nhau bằng các mối quan hệ nghề nghiệp thì càng ít người tin họ. Họ bị các nhà báo theo dõi khắp nơi, và một lần, một bức ảnh họ ôm nhau quá nóng bỏng ở sân bay đã xuất hiện trên mặt báo.
Quan hệ của Romy với chồng đổ vỡ, và đầu những năm 1970, họ chia tay nhau. Cuộc tái ngộ với Alain Delon chỉ mang đến cho bà thất vọng. Bà cảm thấy hối hận về cuộc hôn nhân bị tan vỡ, thêm vào đó, năm 1979, Harry Mayen tự vẫn, khiến cảm giác tội lỗi ám ảnh bà cho đến tận những ngày cuối của cuộc đời.
Romy thử tìm kiếm hạnh phúc lần thứ hai, bà nói: “Suốt đời, tôi tìm cách thu vén tất cả: Chồng con, nghề nghiệp, thành công, tiền bạc, tự do, niềm tin, hạnh phúc dưới một mái nhà. Lần thứ nhất, mọi chuyện đổ vỡ. Với Daniel, tôi quyết tâm làm lại lần thứ hai”.
Romy Schneider và Daniel Biazini |
Năm 1975, Romy Schneider kết hôn với thư ký của mình Daniel Biazini, họ chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, nhưng một vụ tai nạn xe hơi đã cướp mất của bà niềm hạnh phúc làm mẹ. Sau đó, cứ mỗi lần đóng phim xong, bà bắt đầu uống rượu - Romy coi đây là cách duy nhất để thoát khỏi nỗi sợ hãi thường trực của mình.
Ít lâu sau, Romy sinh con gái, và nữ diễn viên lại nghỉ đóng phim 2 năm. Nhưng điều đó không cứu vãn được cuộc hôn nhân thứ hai của bà. Bà tiếp tục so sánh tất cả những người đàn ông với Alain Delon, và không ai trong số họ có thể chịu được điều đó.
Alain và Romy vẫn tiếp tục gặp nhau, nhưng giờ đây họ gắn bó với nhau bằng những tình cảm chân thành. Alain Delon đã ở bên cạnh bà ngay cả trong giai đoạn khủng khiếp nhất: Năm 1981, đứa con trai của nữ diễn viên qua đời vì một tai nạn vô lý - anh trèo qua hàng rào và đâm đầu vào song sắt sắc nhọn.
Kể từ đó, Romy Schneider không còn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Bà chỉ hồi sinh khi ở trên trường quay. Còn sau khi đóng phim, bà tìm cách lãng quên bằng rượu và thuốc chống trầm cảm.
Ngày 29/5/1982, thư ký của Romy Schneider tìm thấy bà nằm bất động trong căn phòng của mình. Mọi người đều cho rằng nữ minh tinh Romy Schneider tự tử, nhưng theo giả thuyết chính thức, nguyên nhân là do tim ngừng đập.
Romy Schneider được an táng tại nghĩa trang Boissy-sans-Avoir với tên cũ: Rosemarie Albach. Alain Delon, người chồng đầu tiên của Romy cũng đau đớn mà chẳng thể làm gì được. Nghĩa cử duy nhất mà ông có thể làm là giúp cậu con trai David được chôn cùng mộ với mẹ, như thể khi có con trai bên cạnh, Romy sẽ bớt cô đơn. Cái chết dường như là một sự giải thoát cho Romy Schneider khỏi những cơn ác mộng của cuộc đời. Sự ra đi của bà để lại những khoảng trống khó lấp đầy trong lòng người hâm mộ.