Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM - WHISE 2017.
Phát biểu tại buổi tổng kết và trao giải, Ông Nguyễn Hải An - Giám đốc (GĐ) Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao cho biết sau gần 5 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được 50 dự án của thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viên trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận đăng ký tham gia.
Giải Ba thuộc về ý tưởng “Phát triển sản phẩm vi sinh vật có tác dụng làm giảm phát thải khí nhà kính ứng dụng trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” của nhóm Đoàn Lê Hoàng Tuấn, Huỳnh Nhật Giao, Trần Kiến Đức. SV trường ĐH Mở TPHCM. |
Dự án đăng ký, thuộc các nhóm như nhóm thực phẩm (bảo quản và sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng), nhóm canh tác nông nghiệp (tự động hóa, sản xuất thiết bị nông nghiệp), nhóm vi sinh (sản xuất chế phẩm vi sinh dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu), nhóm hệ sinh thái nông nghiệp, nhóm dịch vụ trong nông nghiệp.
Đa số các dự án đều đưa ra mô hình, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường hoặc hướng đến giải quyết vấn đề toàn cầu hiện nay là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý hơn, các dự án đạt giải năm nay không chỉ thể hiện sức sáng tạo, nhiệt huyết của chủ dự án mà còn giàu tính khả thi và khả năng phát triển thương mại hóa.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 7 giải gồm 1 giải Nhất trị giá 30 triệu đồng; 1 giải Nhì trị giá 20 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng và 3 giải khuyến khích trị giá 5 triệu đồng
Ngoài ra, các dự án đạt giải còn có cơ hội tham gia chương trình ươm tạo tại Trung tâm Ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao và tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Chia sẻ sau khi được nhận giải Nhất của cuộc thi, bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện dự án “Garden Bot - robot nông nghiệp” là SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TPHCM, cho biết tham gia cuộc thi các thành viên nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các đơn vị tổ chức. Những hoạt động trong buổi đào tạo, phản biện với hội đồng chuyên môn đã giúp nhóm có thêm nhiều kiến thức để hoàn thiện tốt hơn cho dự án.
Thùy Trang chia sẻ: “Với mong muốn giúp người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, và hơn hết là làm chủ được công nghệ, giảm chi phí để mọi nông dân đều có thể tiếp cận và ứng dụng, chúng em đã nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này”.
“Với sự tự tin, khát khao sáng tạo, đổi mới, ước muốn thành công và góp phần thay đổi bộ mặt nền kinh tế của nước nhà, đưa kinh tế đất nước ngày càng phát triển, sức trẻ chúng em vẫn luôn ngày ngày cố gắng tìm ra những dự án, sáng kiến mới với mong muốn chúng thật sự đem lại hữu ích cho đất nước, cho cộng đồng”. Trang khẳng định.
Kết quả giải thưởng cụ thể gồm: Giải Nhất: Ý tưởng “Garden Bot – robot nông nghiệp” thuộc về nhóm thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang, SV Trường ĐH Ngoại Thương cơ sở 2 TPHCM và Nguyễn Công Minh, học sinh Lớp 11 THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Giải Nhì: Ý tưởng “Nông nghiệp công nghệ cao IFF – thiết bị nông nghiệp” của thí sinh Phan Thanh Phong.
Giải Ba: Ý tưởng “Màng bảo quản nông sản Chitosan” của nhóm Trần Lê Anh Khoa, Phan Duy Trung, Đỗ Thanh Sơn và ý tưởng “Phát triển sản phẩm vi sinh vật có tác dụng làm giảm phát thải khí nhà kính ứng dụng trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản” của nhóm Đoàn Lê Hoàng Tuấn, Huỳnh Nhật Giao, Trần Kiến Đức.
Giải Khuyến khích: Ý tưởng “hệ sinh thái IAMV”, ý tưởng “Greentech – Dự án xử lý nguồn nông nghiệp dư thừa tạo ra các sản phẩm thức uống có cồn lên men tự nhiên”, ý tưởng “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại sản phẩm vi sinh đa chức năng BIOMI 5X dạng viên ứng dụng trong nông nghiệp".