Mẫu robot này giúp mọi công đoạn sản xuất được điều khiển một cách dễ dàng, bởi một chiếc smartphone.
Giáo dục STEM đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện với kết quả rất khả quan. Việc giúp học sinh sáng tạo và tự làm ra các sản phẩm STEM là nỗ lực không ngừng của giáo viên và học sinh. Mô hình robot nông dân cũng là một trong số đó.
Xuất phát từ việc nhận thấy những nỗi nhọc nhằn của người nông dân cùng với khát khao sáng tạo của mình, Nguyễn Dương Hoàng Anh sử dụng một bộ lắp ráp kĩ thuật để chế tạo mô hình xe robot làm nông dân. Mô hình robot này được tạo ra giúp cho mọi công đoạn sản xuất được điều khiển một cách dễ dàng, bởi một chiếc smartphone.
Các tính năng là mỗi công đoạn sản xuất nông nghiệp (cày, tưới nước, làm đất…) sẽ được cơ động lắp ráp khi cần thiết vì thế robot có thể tháo lắp theo yêu cầu người dùng. Mô hình xe robot tích hợp các tính năng gieo hạt, xới đất, tưới cây, bón phân… vào cùng một thời điểm.
Đặc biệt, robot này có thể luồn qua khe trống giữa các luống canh tác rau màu mà không ảnh hưởng đến cây trồng. Nhờ đó, thiết bị đã tối ưu hóa thời gian, công sức và nhiên liệu sản xuất nhằm đảm bảo được chi phí sản xuất thấp để nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất.
Mô hình được lập trình và kết nối với smartphone nên chỉ cần những thao tác đơn giản xe robot có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình. Mô hình này Hoàng Anh được cô giáo Chung Thị Anh Đào trực tiếp hướng dẫn về Tin học.
Khâu quan trọng nhất để hoàn thành chiếc robot chính là khâu lập trình tính năng và liên kết với tín hiệu của smartphone thông qua ứng dụng hiện hành.
|
Khi đưa vào ứng dụng thực tế, các chi tiết của robot sẽ được thay thế tùy theo địa hình mặt phẳng. Đối với những vùng có tính chất đất khác nhau, robot thực tế cần điều chỉnh sức mạnh của động cơ và các chi tiết máy sao cho robot vận hành tốt mà vẫn đảm bảo tính năng của mình.
Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Thọ, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Lương Thế Vinh: Nhà trường cũng như Liên đội sẽ tiếp tục triển khai cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng để học sinh có thể thể hiện khả năng sáng tạo của mình.
Nhà trường rất mong các em sẽ có những sản phẩm chất lượng và có ý nghĩa ứng dụng thiết thực hơn nữa vào thực tế để góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Những mô hình như mô hình robot nông dân của em Nguyễn Dương Hoàng Anh đã góp phần tạo nên môi trường học tập, ứng dụng STEM vào đời sống.
Với diện tích sản xuất lúa bậc nhất cả nước như đồng bằng sông Cửu Long, nếu áp dụng được những sáng kiến như robot này sản xuất nông nghiệp sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng về công sức và chi phí lao động. Những phát minh của học sinh trung học đầy sáng tạo cũng đã góp sức phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững hơn...