Rơ Mah Vo 'thổi hồn' vào phế liệu

GD&TĐ - Những khoen lon bia, nước ngọt được đưa về từ vựa ve chai, bà Rơ Mah Vo dù bị khuyết tật nhưng đã “biến hóa” chúng thành những sản phẩm mỹ nghệ.

Bà Rơ Mah Vo biến hóa phế liệu thành sản phẩm mỹ nghệ.
Bà Rơ Mah Vo biến hóa phế liệu thành sản phẩm mỹ nghệ.

Vượt qua bất hạnh

Đều đặn mỗi ngày, bà Rơ Mah Vo (60 tuổi, trú làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai) lại cặm cụi đan những chiếc nắp lon thành gùi, túi xách…

Do có hẹn từ trước nên khi chúng tôi đến, bà Rơ Mah Vo dừng tay, quay sang hỏi chuyện: “Cô, chú đến rồi đấy à, có muốn làm thử không”. Nói rồi bà Rơ Mah Vo nở nụ cười hiền rót nước mời khách.

Nhìn vào cơ thể không được lành lặn của mình, bà Rơ Mah Vo kể, từ lúc chào đời đôi chân của bà đã bị queo quắp, khó khăn trong việc di chuyển. Để đi lại hoặc làm bất kì công việc gì thì đều phải dựa vào đôi tay. Tuy nhiên, không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình nên bà không ngừng cố gắng để tự lập.

“Mình chỉ bị khiếm khuyết đôi chân nhưng vẫn còn hai tay khoẻ mạnh. Nhiều người bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn sống tốt, thành công trong cuộc sống. Do đó, mình luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng, nỗ lực để không phiền lòng người thân trong gia đình”, bà Rơ Mah Vo bộc bạch.

Từ những ngày còn nhỏ bà Rơ Mah Vo đã tập làm quen với dệt thổ cẩm, may quần áo rồi đến đan lát gùi, giỏ, túi xách…. Số tiền kiếm được bà Rơ Mah Vo trang trải cuộc sống và lo cho cha mẹ già đã ngoài 90 tuổi.

Bà Rơ Mah Vo kể: Trước đây, bà yêu thích, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Mỗi ngày bà cố gắng chỉnh chủ từng sản phẩm để đưa đến tay khách hàng. Thời gian đầu những bộ quần áo, túi, giỏ… thổ cẩm được nhiều người yêu thích, tìm đến nhà bà mua về. Thế nhưng, dần dần đồ thổ cẩm công nghiệp được bán đại trà, giá thành thấp hơn nên sản phẩm của bà dần bị lãng quên.

Những chiếc gùi, túi qua bàn tay khéo léo của bà Vo trở thành những sản phẩm đầy màu sắc.

Những chiếc gùi, túi qua bàn tay khéo léo của bà Vo trở thành những sản phẩm đầy màu sắc.

Biến hóa từ vật liệu phế thải

Trong một lần nhà tổ chức tiệc, bà thấy những nắp lon bia, nước ngọt bị vứt lung tung khắp nền nhà. Mong muốn gìn giữ môi trường, bà Vo nghĩ đến việc biến khoen tròn trên nắp lon thành sản phẩm mỹ nghệ.

Sau buổi tiệc, bà Vo nhặt những nắp khoen vương vãi khắp nền rồi về rửa sạch, cắt bớt những phần thừa. Bà Vo mua thêm một số phụ kiện để trang trí giúp sản phẩm của mình trở nên cuốn hút, nhiều màu sắc. Mất hơn một tuần đắn đo, suy nghĩ bà Vo mới phác họa được hình ảnh chiếc túi, giỏ xách bằng nắp lon. Khi đã có đủ nguyên vật liệu, bà khéo léo đan xen những hạt cườm màu sắc và nắp lon vào sợi dây chắc chắn.

“3 ngày loay hoay với những chiếc nắp lon cuối cùng sản phẩm của mình cũng lên hình dáng. Tuy nhiên, chiếc túi, giỏ xách ban đầu thô sơ, chưa được hoàn thiện. Mình lại tỉ mỉ chỉnh sửa từng chi tiết, đính thêm cườm để sản phẩm đưa tới khách hàng được chỉnh chu nhất”, bà Rơ Mah Vo chia sẻ.

Bà Rơ Mah Vo cho hay, để hoàn thành một sản phẩm đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mỉ. Không những thế phải có tư duy, óc tưởng tượng phong phú để phối màu sắc hài hòa nhất. Đặc biệt, với những họa tiết bông hoa, hình tam giác đòi hỏi người nghệ nhân phải khéo tay và có mắt thẩm mĩ.

Sản phẩm bà Vo làm ra lạ lẫm, bắt mắt nên người dân quanh làng tò mò đến xem và mua dùng thử. Thế rồi, sản phẩm đầu tay của bà Vo được “xuất xưởng” bán cho bà con trong làng dùng làm gùi, túi đựng đồ. Số lượng sản phẩm bán ra ngày một nhiều, bà Rơ Mah Vo chẳng có thời gian để đi nhặt nắp lon nên phải nhờ người cháu đến cửa hàng thu mua ve chai xin nhặt.

“Tiếng lành đồn xa”, những sản phẩm mĩ nghệ của bà Rơ Mah Vo được nhiều người ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, Gia Lai) biết đến bởi vẻ đẹp, sự tinh tế nên đặt vấn đề mua số lượng lớn. Để có nhiều thời gian làm sản phẩm hơn, bà Vo liên hệ với các tiểu thương để mua nắp lon và hạt cườm.

“Nhìn sản phẩm làm ra tuy đơn giản nhưng mình phải mất 4 - 5 ngày để hoàn thiện. Mỗi tháng mình làm được khoảng 4 - 5 chiếc gùi, túi như vậy. Với sản phẩm mỹ nghệ, cho mình thu nhập khoảng 500.000 - 800.000 đồng/gùi. Còn túi đeo, giỏ xách có giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Từ ngày làm những sản phẩm mỹ nghệ này mình có thu nhập ổn định để lo cho cha mẹ già”, bà Rơ Mah Vo tâm sự.

Chị Trần Thị Liên (39 tuổi, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) cho biết, từ ngày thấy những sản phẩm mỹ nghệ của bà Rơ Mah Vo chị rất thích thú nên đã mua về sử dụng. Không những vậy, chị còn mua tặng cho bạn bè gần xa để làm quà kỉ niệm.

“Khi nhận được món quà là chiếc gùi, túi được đan bằng nắp lon người thân và bạn bè tôi rất vui, thích thú. Họ khá bất ngờ khi nắp lon thô sơ, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ khiếm khuyết lại có thể trở thành sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. Tôi sẽ giới thiệu và quảng bá sản phẩm đến nhiều người để vật dụng giản dị của bà Rơ Mah Vo được vươn xa hơn”, chị Liên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.