Rơ Chăm Tih “xuất khẩu” văn hóa Tây Nguyên

GD&TĐ - Từ niềm đam mê văn hóa truyền thống dân tộc, nghệ nhân Rơ Chăm Tih đã học và chế tạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Những làn điệu du dương trầm bổng được ông biểu diễn không chỉ trong nước, mà còn vươn ra thế giới.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih và một góc văn hóa Tây Nguyên.
Nghệ nhân Rơ Châm Tih và một góc văn hóa Tây Nguyên.

Đắm chìm trong văn hóa dân tộc

Chúng tôi đến thăm nhà Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vào một chiều mưa nặng hạt. Nghệ nhân Rơ Chăm Tih năm nay vừa tròn 48 tuổi nhưng đã có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật.

Ông đang miệt mài đẽo gọt nhạc cụ dân tộc trong căn nhà sàn. Đây là căn nhà sàn duy nhất ở làng Jút 1, được ông phục dựng từ năm 2016 và dùng để trưng bày hàng chục loại nhạc cụ Tây Nguyên.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih cho biết, ngày trước trong làng cũng có nhà rông, bến nước và nhà sàn truyền thống cùng các lễ hội. Tuy nhiên, vì gánh nặng “cơm, áo, gạo, tiền” và vòng xoáy của cuộc sống hiện đại mà các nét văn hóa cứ thế mất dần.

Với tình yêu và hiểu được giá trị của bản sắc dân tộc nên ông cố gắng giữ gìn từ cái trụ nhà bằng gỗ cho đến các nghề truyền thống như đan lát, tạc tượng nhà mồ, làm nhạc cụ…

Dừng tay đẽo gọt, nghệ nhân Rơ Chăm Tih mời chúng tôi tham quan căn nhà. Ông giới thiệu về các loại đàn, cây nêu, mô hình nhà mồ thu nhỏ và những loại nhạc cụ tự ông sáng chế chưa đưa ra thị trường.

“Mỗi loại nhạc cụ đều có cách chơi riêng, tùy vào sự sáng tạo của nghệ nhân mà âm thanh sẽ khác nhau. Trong không gian này, mình trưng bày tất cả những ý tưởng, những sáng tạo về văn hóa để thỏa niềm đam mê. Nhiều năm liền miệt mài, chưa bao giờ mình thấy mỏi cái tay hay đau cái lưng mà chỉ thấy thêm yêu cái nghề này”, nghệ nhân Tih bộc bạch.

Được trời phú cho khả năng cảm thụ và đam mê âm nhạc, Rơ Châm Tih vừa học cách sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ. Chỉ sau một thời gian ngắn ông đã sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ. Khi tròn 18 tuổi, Rơ Châm Tih lần đầu tiên bước lên sân khấu tỉnh Gia Lai để trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống và được đông đảo khán giả đón nhận.

Không những vậy, sau đó Rơ Châm Tih tham gia vào các đoàn nghệ thuật, đem các loại nhạc cụ truyền thống do chính tay mình chế tác đi biểu diễn, quảng bá ở các nước Australia, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia…

Nghệ nhân Tih chia sẻ: “Khác với đám trai làng cùng thuở, mình yêu âm nhạc dân tộc đến vô cùng. Mình muốn tự làm đàn, rồi mang đàn đến với đông đảo bạn hữu yêu âm nhạc trong và ngoài tỉnh.

Ngày còn trẻ, khi biết được mời đi diễn là mình háo hức đến mất ngủ, chỉ mong được lên sân khấu. Mình muốn cháy hết mình với âm nhạc và đưa văn hóa Jrai đến với đông đảo công chúng. Điều đặc biệt trong sự nghiệp của mình, đó chính là việc thành công khi đưa văn hóa Tây Nguyên ra thế giới.

Người làng trước nay việc ra khỏi lũy tre đã khó, huống gì mình được đi nước ngoài, vinh dự và tự hào lắm. Cũng từ những động lực đó, mình không ngừng học tập, trau dồi để hoàn thiện bản thân”.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih hướng dẫn, đào tạo thế hệ trẻ chơi và làm nhạc cụ dân tộc.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih hướng dẫn, đào tạo thế hệ trẻ chơi và làm nhạc cụ dân tộc.

Giấc mơ giữa đại ngàn

Nghệ nhân Rơ Châm Tih chia sẻ, âm thanh của các loại nhạc cụ có sức hút rất lạ kỳ. Tùy vào cách người chơi biến tấu, sử dụng nhạc cụ phù hợp mà có lúc trong như tiếng suối chảy róc rách giữa đại ngàn, có khi thì lại rộn ràng, hoang sơ, du dương và trầm buồn. Nó khiến người nghe cảm nhận được tận đáy lòng những gì mà nghệ nhân muốn truyền tải.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih khát khao được làm một mô hình biểu hiện không gian văn hóa Tây Nguyên ngay tại chính nhà mình. Nghệ nhân chia sẻ: “Sau này nếu có điều kiện mình sẽ làm một không gian văn hóa thực thụ ở đây. Mình sẽ không gắn văn hóa với ẩm thực. Mình muốn làm một không gian bình yên, hoang sơ nhưng đậm chất văn hóa dân tộc để níu chân du khách.

Trong không gian này, mình sẽ làm cây nêu truyền thống, dựng căn nhà sàn nhỏ và trưng bày những nét văn hóa Tây Nguyên như tượng gỗ, nhà sàn, nhà mồ, chuông gió, quả bầu khô và các loại nhạc cụ dân tộc như chiêng, T’rưng, goong… Khi du khách muốn cùng hòa mình vào điệu xoang, tiếng cồng chiêng thì sẽ có đội nghệ nhân phục vụ”.

Nghệ nhân Rơ Châm Tih cho biết, để hiện thực hóa giấc mơ của mình, ông đã tìm được những người bạn đồng hành. Nhưng để thực hiện nó là cả một hành trình dài. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các sự kiện, hoạt động đều phải dừng nên mong ước của ông phải tạm gác lại.

Không chỉ làm và chơi đàn, nghệ nhân Rơ Châm Tih còn đào tạo nên rất nhiều những “tay” chơi nhạc cụ lão luyện. Trong số đó có anh Siu Thươm, Trưởng đoàn nghệ nhân của Pleiku Roh. Bên cạnh đó là anh Ksor Quỳnh, một nghệ nhân làm nhạc cụ ở làng Chuet 2 (TP Pleiku)… cũng được mời đi tham dự nhiều sự kiện văn hóa lớn nhỏ.

Nói về văn hóa Tây Nguyên hiện nay, nghệ nhân Rơ Châm Tih tâm sự: “Hiện nay, mình rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến văn hóa và đời sống của các nghệ nhân. Họ không chỉ là nghệ nhân, họ còn là những kho tàng sống gìn giữ được những kho báu quý giá về văn hóa Tây Nguyên và là cánh tay nối dài của ngành văn hóa.

Đồng thời, thời gian tới mình mong có nhiều hơn nữa các lớp học về đánh chiêng, làm nhạc cụ… Bản thân mình rất vui nếu được chỉ dạy, giới thiệu cho thế hệ trẻ về bản sắc dân tộc của dân tộc Jrai nói riêng và Tây Nguyên nói chung”.

Đến nay, Nghệ nhân Rơ Châm Tih vinh dự được trao tặng 12 Huy chương Vàng và rất nhiều Huy chương Bạc trong những lần tham gia trình diễn nhạc cụ dân tộc trong và ngoài tỉnh. Năm 2015, nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực trình diễn dân gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ