Theo cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Giáo viên dạy môn Sinh học (Trường THPT Lê Lợi), khi được nhà trường thông báo mục đích cuộc thi và khuyến khích các giáo viên bộ môn, học sinh các khối lớp tham gia, nhiều ý tưởng hay được đề xuất.
Trên cơ sở nội dung tổng thể lý thuyết gắn kết các môn học tự nhiên và xã hội vào ứng dụng cuộc sống, các tổ chuyên môn đã họp, lấy ý kiến tham gia của học sinh và chọn sản phẩm tham gia cuộc thi có tên gọi "Lên men cuộc sống hàng ngày và văn hóa Tây nguyên" với quy trình lên men rượu cần Tây nguyên.
Sau khi công bố thông tin này, nhà trường đã chọn cô Hiền làm Trưởng nhóm phối hợp các giáo viên bộ môn và học sinh lớp 11B7 cùng tham gia từng công đoạn "Vận dụng kiến thức liên môn dành cho học sinh trung học và dạy học tích hợp dành cho giáo viên THPT”.
Cụ thể, ở lớp học, các giáo viên bộ môn đã phối hợp nghiên cứu, giảng dạy tích hợp "Quá trình lên men" của một số sản phẩm như sữa chua, dưa cải muối chua, rượu cần, thông qua gắn kết lý thuyết các môn học: Sinh học, Hóa học, Toán học, Ngữ văn, Lịch sử.
Các giáo viên còn lưu ý, định hướng cho các em phương pháp phân tích, kết hợp lý thuyết với giải quyết tốt tình huống áp dụng kiến thức thực tế với các môn học như Sinh học có kiến thức về lên men, đặc điểm sinh trưởng, phát triển và sinh sản của một số vi sinh vật; ăn uống khoa học nhằm đảm bảo sức khỏe.
Môn Hóa học có các phương trình phản ứng hóa học của lên men lăctic và lên men êtylic; kiến thức về độ pH. Môn Toán học áp dụng công thức để tính số lượng vi sinh vật tăng theo cấp số nhân.
Vật lý có cơ chế khuếch tán các chất, yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng đến quá trình lên men. Lịch sử có nguồn gốc lên men từng loại thực phẩm.
Ngữ văn là sử dụng từ ngữ, phương thức biểu đạt phù hợp nhằm hùng biện về giá trị tinh thần của rượu cần, một sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực dân gian các DTTS Tây Nguyên…
Hoàn chỉnh quá trình giải quyết phần trình bày lý thuyết là nội dung thuyết minh tiến hành quy trình giải quyết tình huống "Lên men cuộc sống hàng ngày và văn hóa Tây Nguyên" thể hiện bằng sản phẩm lên men rượu cần do các học sinh trình bày; bao gồm cách chọn nguyên vật liệu, nấu cơm nếp, phơi cơm, ủ lên men, chọn ché, đong đo lượng nước, đóng ủ rượu và hoàn thành sản phẩm.
Ở mỗi công đoạn, học sinh tự làm việc, giáo viên chỉ hướng dẫn các em về tài liệu nghiên cứu qua sách vở, Internet, kinh nghiệm thực tế của ông bà, cha mẹ…
Em Lâm Quốc Văn - Học sinh lớp 11B7 - nhớ lại: Sau khi các thầy cô tham gia cuộc thi, tổ chức dạy tích hợp các môn học trên, tụi em được truyền đạt phần lý thuyết khá kỹ.
Sau đó, nhóm tham gia cuộc thi có 5 bạn đã được các thầy cô hướng dẫn nghiên cứu tài liệu và tự nguyện thực hiện từng phần việc được phân công.
Tranh thủ buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật, chúng em cùng nhau vào thôn Plei Rơ II (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum) để nhờ các già làng, thôn trưởng hướng dẫn cách chọn nếp, cách ủ cơm nếp tạo thành men và sau đó áp dụng lý thuyết môn Hóa học, Sinh học, Vật lý nhằm tính toán công thức đúng định lượng (nước, gạo nếp, thời gian nấu chín) để "hô biến" các nguyên liệu thành cơm nếp; tiếp đến các công đoạn xếp xen kẻ các nguyên liệu như trấu, cơm nếp, bánh men, lá chuối vào ghè và bịt kín miệng; theo dõi quá trình lên men (21 - 30 ngày), hoàn thành sản phẩm.
“Với cách học ứng dụng kiến thức ở trường vào thực tế cuộc sống, chúng em thấy không chỉ nhớ các công thức tính toán các môn tự nhiên lâu hơn, mà còn nâng cao sự hiểu biết, kiến thức thực tế xã hội qua nghiên cứu, tìm hiểu mở rộng các môn Ngữ văn, lịch sử dân tộc Tây Nguyên nói riêng và các vùng miền quê khác của Việt Nam nói chung”.
Sau thời gian tham gia cuộc thi của nhóm tác giả do cô Hiền làm trưởng nhóm và có sự tham gia của 4 giáo viên, cùng các học sinh lớp 11B7 - sản phẩm trên đã được Sở GD&ĐT đánh giá cao và đạt giải khuyến khích duy nhất dành cho học sinh THPT về vận dụng lý thuyết liên quan để tích hợp và ứng dụng vào thực tế, góp phần định hướng tốt cho học sinh tìm hiểu, giải quyết nhiều tình huống sử dụng các sản phẩm lên men thông qua kiến thức các môn học tự nhiên và vận dụng kiến thức lịch sử, văn học.
Đây là phương pháp học tập mới, giúp các bạn học sinh say mê khám phá, tìm tòi kiến thức, từ đó nâng cao kiến thức phổ thông, gìn giữ, lưu truyền những nét đặc sắc trong văn hóa Tây Nguyên.