Rét đậm phá vỡ hàng loạt các kỷ lục từng ghi nhận

Đợt rét đậm vừa qua khiến nhiệt độ nhiều địa phương xuống mức âm độ C và phá vỡ hàng loạt kỷ lục từng ghi nhận trước đây.

Rét đậm phá vỡ hàng loạt các kỷ lục từng ghi nhận

Tràn về từ ngày 22/1, đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu đông kết hợp với dòng xiết trong đới gió tây trên cao, khiến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trải qua những ngày rét khốc liệt, nhiều nơi vùng núi cao từ 800 mét trở lên xuất hiện băng giá và mưa tuyết trong đêm 23, ngày 24 và ngày 25/1.

Lần đầu tiên, tại đỉnh núi Ba Vì (Hà Nội) và bản Buộc Mý, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) xuất hiện mưa tuyết. "Mưa tuyết tại Nghệ An có thể sẽ được ghi nhận là một trong những địa điểm gần xích đạo nhất của bán cầu Bắc có tuyết", ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nói.

huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tuyết rơi kéo dài nhiều giờ, phủ trắng mái nhà, cây cối.

Đợt rét kéo dài 5 ngày khiến tuyết rơi ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Bằng Trần.

Ông Hải cho rằng, tuy không kéo dài như năm 2008 hay 2011 nhưng đợt rét này đã xuất hiện giá trị nhiệt độ thấp nhất trong 40 năm trở lại đây, một số nơi nhiệt độ giảm thấp hơn giá trị đã được ghi nhận trong chuỗi số liệu quan trắc được.

Cụ thể, lần đầu tiên Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ xuống thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 1 và trong chuỗi số liệu quan trắc được với âm 4 độ C vào ngày 24/1. Kỷ lục trước đó là âm 1 độ C ngày 21/1/1983. Đèo Pha Đin (Điện Biên) rét kỷ lục âm 4 độ C; năm 1975 nơi này từng âm 1 độ C.

Nếu như năm 2011 Mẫu Sơn (Lạng Sơn) từng ghi nhận mức nhiệt âm 3 độ C thì ngày 24/1 vừa qua đã phá vỡ kỷ lục này, khi nền nhiệt xuống âm 5 độ C.

Địa điểm Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét (kỷ lục mới) Nhiệt độ thấp nhất trong quá khứ (kể từ năm 1971)
Sa Pa (Lào Cai) âm 4 độ C (ngày 24/1) gần âm 2 độ C (ngày 21/1/1983)
Mẫu Sơn (Lạng Sơn) âm 5 độ C (ngày 24/1) âm 3,2 độ C (năm 2011)
Tam Đảo (Vĩnh Phúc) âm 1 độ C (ngày 24/1) 0 độ C (ngày 25/2/1964)
Ninh Bình 5 độ C (ngày 24/1) 6 độ C (ngày 2/1/1974)
Hà Tĩnh 5 độ C (ngày 25/1) 7 độ C (ngày 28/12/1982)
Tuyên Hóa (Quảng Bình) 5 độ C (ngày 25/1) 6 độ C (ngày 15/1/1963)

(Nguồn: Khí tượng thủy văn Trung ương)

Cũng trong ngày 24/1, hàng loạt các địa phương khác đã phá vỡ kỷ lục từng ghi nhận như Tam Đảo (Vĩnh Phúc) âm 1 độ C (năm 1964 là 0 độ C); Ninh Bình 5 độ C (năm 1974 là 6 độ C).

Đợt rét đậm cũng khiến các tỉnh miền Trung trải qua đợt rét "chưa từng có", trong đó nền nhiệt xuống thấp nhất là vào ngày 25/1, trạm Hà Tĩnh ghi nhận kỷ lục mới 5 độ C, trước đó địa phương từng rét 7 độ C vào năm 1982; Tuyên Hóa (Quảng Bình) xuống 5 độ C, phá vỡ mức nhiệt ghi được vào năm 1963 là 6 độ C.

ret-dam-pha-vo-hang-loat-cac-ky-luc-tung-ghi-nhan-1

Những địa điểm có băng tuyết (xem chi tiết).

Hôm nay, rét đậm rét hại đã chấm dứt khi khối không khí lạnh suy yếu và nền nhiệt Bắc Bộ có xu hướng tăng dần.

Năm 2008 miền Bắc từng trải qua đợt rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13/1 đến 20/2, băng tuyết cũng xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) khi nhiệt độ chỉ còn -2 và -3 độ C.

Cơ quan khí tượng dự báo từ ngày 1/2 (ngày 23 tháng Chạp) miền Bắc nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của đợt gió mùa đông bắc mới. Từ ngày 2/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra rét đậm rét hại trên diện rộng, các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nhiệt độ trung bình ngày từ 12 đến 15 độ C, vùng núi dưới 12 độ C. Như vậy những ngày trước Tết Nguyên đán nhiều khả năng sẽ xuất hiện đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ