Rèn tính trung thực trong thi cử

GD&TĐ - Thời điểm nước rút chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, các nhà trường đều tăng cường công tác ôn tập cho HS khối 12. Với tinh thần chung không chủ quan, lơ là, tập trung trang bị tối đa kiến thức, kỹ năng cho từng đối tượng HS. 

 Rèn tính trung thực trong thi cử

Nỗ lực đổi mới Kỳ thi THPT quốc gia khách quan, nghiêm túc, đúng quy chế trong những năm qua đã hướng HS, giáo viên và các nhà trường dạy thật, học thật và đánh giá thực chất hơn.

Ôn tập giai đoạn nước rút

Theo cô Nguyễn Thị Yến - GV bộ môn Địa lý, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh (Nghệ An), năm nay đề thi THPT quốc gia sẽ có 20% kiến thức của lớp 11, vì vậy, theo đánh giá của nhiều giáo viên, công tác ôn tập cho HS sẽ có phần vất vả hơn. Chẳng hạn tại đề thi minh họa môn Địa lý, đối với những câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 thì đề ra bao phủ toàn bộ chương trình học, đây là điều mà cả cô lẫn trò đều khẳng định được từ đầu năm học. Nhưng 8 câu phạm vi kiến thức lớp 11, đề ra cũng không tập trung vào một số chương, phần nhất định mà có mặt ở hầu hết chương trình. Đổi lại, đề không có những câu đánh đố học sinh, mà phân hóa nằm ở khả năng vận dụng hay vận dung cao kiến thức.

“Như vậy, HS phải học thực sự, nắm đầy đủ kiến thức. Thời gian này, tôi sẽ tập trung hệ thống loại toàn bộ chương trình học cho các em. Tập trung rèn luyện kỹ năng đọc Atlat, làm bài nhanh, chắc chắn”, cô Nguyễn Thị Yến chia sẻ.

Trên cơ sở kết quả thi thử, kết hợp với đánh giá năng lực HS trong quá trình học của giáo viên, Trường THPT Đức Thọ (Hà Tĩnh) cũng đã lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho HS từ nay đến giữa tháng 6.

Về các môn học cụ thể, thầy Hoàng Mạnh Hùng (Trường THPT Đức Thọ) nói: “Kết quả các lần thi thử, môn Tiếng Anh là môn có kết quả thấp nhất. Đây cũng là kết quả chung của nhiều trường THPT khác, nhà trường cũng dự đoán được. HS của trường chủ yếu đến từ 2 huyện Đức Thọ và Vũ Quang, là những huyện miền núi, nông thôn. Các em còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế về ngoại ngữ. Sau môn Tiếng Anh, môn Lịch sử, Vật lý cũng có kết quả thấp hơn so với những môn khác. Nhà trường sẽ dựa vào đó để tăng cường dành thời gian cho những môn này”.

Tuy nhiên, thầy Hùng cũng thừa nhận với thời gian còn lại, cũng không thể nào dạy hết kiến thức cho HS. Do đó, các thầy cô đã xác định chỉ bổ sung những vùng kiến thức mà HS hổng nhất. Còn lại tăng cường hướng dẫn về mặt kỹ năng, tâm lý thi cử; không quá tạo áp lực cho HS. Đồng thời, phân loại nhóm HS có lực học trung bình yếu, giao cho những giáo viên có năng lực, kinh nghiệm ôn thi. Với những em này, cố gắng để các em nắm được kiến thức cơ bản nhất, tránh điểm liệt, không yêu cầu các em đạt điểm cao.

Coi trọng việc rèn tính trung thực trong thi cử cho HS

Thầy Nguyễn Văn Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 (Nghệ An) cho biết, sau khi kết thúc chương trình năm học, trường tiếp tục tổ chức ôn tập cho HS đến khoảng 20/6 mới nghỉ. Các lớp này được tổ chức theo yêu cầu và nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, để không gián đoạn học tập, làm nguội không khí ôn thi của các em.

“Từ khi tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, phụ huynh cũng chia sẻ không muốn cho con em đi xa như lên TP Vinh ôn thi lò này, thầy nọ, vừa tốn kém, vừa không có điều kiện chăm sóc các cháu. Bên cạnh đó, các thầy cô được trường lựa chọn dạy ôn thi lớp 12 đều là những người chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm và nắm rõ được lực học, điểm mạnh điểm yếu của từng em để có phương pháp dạy học phù hợp” - Thầy Phương chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, bên cạnh công tác dạy học, ôn tập, thì việc đánh giá HS trong suốt năm học được nhà trường thực hiện hết sức khách quan.

Theo đó, các bài kiểm tra, kết quả học tập không chỉ đối với HS lớp 12 mà các lớp 10, lớp 11 đều được chấm, xếp loại tương đối sát với lực học thực tế của các em. Điều này nhằm hình thành ý thức nghiêm túc trong học tập của HS toàn trường. Tuyệt đối không dễ dàng, “châm chước” trong đánh giá, để các em không có tư tưởng lơ là, chủ quan rằng có điểm xếp loại học lực “vớt lại” nếu điểm thi THPT thấp; hoặc trông chờ vào “niềm hy vọng” là có thể quay cóp hay gian lận trong bài thi để có kết quả tốt.

“Quan điểm của cá nhân tôi trên cương vị hiệu trưởng và đã thống nhất với toàn bộ giáo viên nhà trường, là dạy thật, học thật, kết quả thật. Nếu trường hợp HS quá yếu, ý thức học tập kém dẫn đến trượt tốt nghiệp thì trường chấp nhận, dù là 1 em hay 10 em, 20 em… Không vì thành tích, vì thi đua, vì “đẹp mặt” cho nhà trường, mà đánh mất đi ý chí, ý thức học tập và đặc biệt là sự trung thực của HS. Nếu ở trường học, trung thực trong học tập, thi cử, thì sau này ra trường các em cũng sẽ trung thực trong công việc. Đó cũng chính là mục tiêu của nền giáo dục mà chúng ta đang hướng tới” - thầy Phương nói.

Ghi nhận từ thực tế Trường THPT Nghi Lộc 4 cho thấy, với sự nghiêm khắc, rõ ràng được áp dụng trong thực tế dạy và học, đã khuyến khích giáo viên nỗ lực hơn, có trách nhiệm với lớp học mà mình phụ trách. Đồng thời, HS tích cực ôn tập và bổ sung kiến thức, kỹ năng nhiều hơn. Năm học 2016 - 2017, trường có tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 99,7%, chỉ có 1 em trượt, vì “thực sự ý thức học kém”.

Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh - cho biết: Sở đã có Công văn gửi các trường đẩy mạnh công tác ôn tập, xác định nội dung kiến thức, thời lượng ôn tập cho từng đối tượng học sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền về cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, vào cuối tháng 5 này, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh sẽ có một ngày học tập quy chế thi dành cho các cán bộ, giám thị coi thi. Từ đó, họ về phổ biến cho toàn thể thí sinh dự thi. Tránh để những sai sót, vi phạm quy chế thi đáng tiếc xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ