Rèn sinh viên kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc

GD&TĐ - TS Nguyễn Thị Thanh - Học viện Quản lý giáo dục - cho biết: Trong một khảo sát về kỹ năng tìm việc của sinh viên Học viện, có tới 71,3% đối tượng khảo sát cho biết không có kỹ năng chuẩn bị trả lời phỏng vấn và 73,3% không có kỹ năng giao tiếp với người phỏng vấn.

Rèn sinh viên kỹ năng trả lời phỏng vấn xin việc

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, trả lời phỏng vấn là quá trình trao đổi trực tiếp giữa nhà tuyển dụng với các ứng viên để lựa chọn người thích hợp với vị trí lao động cần tuyển. Thông thường, các nhà tuyển dụng đều muốn người lao động của đơn vị mình, ngoài giỏi chuyên môn còn có thêm các phẩm chất như: Năng động, tự tin, dễ thích nghi…

Vì vậy, khi trả lời phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ quan sát các ứng viên cả về trang phục, tư thế, tác phong và cách trình bày vấn đề.

Do vậy, để thành công, sinh viên cần có các kỹ năng: Chuẩn bị ngoại hình, chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn, kỹ năng trao đổi với nhà tuyển dụng.

Rèn kỹ năng chuẩn bị trả lời phỏng vấn

TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để rèn kỹ năng chuẩn bị trả lời phỏng vấn cho sinh viên cần thông qua hai hoạt động.

Hoạt động đầu tiên là giới thiệu những yêu cầu cần thiết khi chuẩn bị trả lời phỏng vấn, gồm cách chuẩn bị ngoại hình, trong đó đưa ra các hình ảnh phù hợp và không phù hợp khi đi phỏng vấn. Sau mỗi hình ảnh, giảng viên cần tổ chức cho sinh viên phân tích để nêu bật những yêu cầu cần thiết.

Hoạt động tiếp theo là tổ chức cho sinh viên thực hành chuẩn bị. Ở hoạt động này, giảng viên có thể đưa ra hai bài tập như sau:

Bài tập 1: Yêu cầu chuẩn bị nội dung cho cuộc phỏng vấn vào vị trí nhân viên tổ chức sự kiện; sản phẩm là một bản thông tin và dự kiến những câu hỏi của nhà tuyển dụng.

Bài tập 2: Yêu cầu chuẩn bị ngoại hình cho cuộc phỏng vấn vào các vị trí như cán bộ hội, nhân viên tiếp thị sản phẩm, nhân viên văn phòng, giáo viên…

Rèn kỹ năng giao tiếp với người phỏng vấn

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, những kỹ năng cần rèn luyện khi giao tiếp với người phỏng vấn là: Kỹ năng bắt tay, kỹ năng ngồi phỏng vấn, kỹ năng trả lời phỏng vấn và kỹ năng lựa chọn nội dung trả lời phỏng vấn.

Quy trình rèn các kỹ năng này, có thể qua các hoạt động như sau:

Hoạt động 1: Hướng dẫn sinh viên cách thực hiện các kỹ năng trả lời phỏng vấn. Việc hướng dẫn này cần song song giữa lý thuyết với việc làm mẫu; cách làm mẫu cần cụ thể, có thể trực tiếp, có thể qua các video clip. Chú ý chọn các mẫu sai và phân tích thao tác sai để sinh viên có thể tránh. Cuối cùng, đưa ra mẫu chuẩn để sinh viên thực hiện theo.

Hoạt động 2: Sinh viên rèn luyện kỹ năng trả lời phỏng vấn. Ở hoạt động này, giảng viên đưa ra 3 bài tập để sinh viên thực hành.

Bài tập 1: Từng cặp sinh viên đóng vai là người phỏng vấn và người tuyển dụng để phỏng vấn nhau trong vòng 15 phút, sau đó đổi vai.

Bài tập 2: Phân mỗi nhóm 4 sinh viên, thành lập hội đồng phỏng vấn gồm 3 người và 1 người là ứng viên dự tuyển.

Hội đồng phỏng vấn ứng viên trong vòng 20 phút, sau đó, góp ý cho ứng viên những kỹ năng chưa ổn. Lần lượt các thành viên đổi vai trong nhóm. Quá trình này, giảng viên đi từng nhóm để dự và góp ý.

Hoạt động 3: Mời một nhóm lên làm mẫu lại từ đầu, sau đó cả lớp nhận xét, góp ý.

TS Nguyễn Thị Thanh cho biết, những hoạt động này đã được thử nghiệm cho sinh viên Khoa Giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục. Kết quả bước đầu cho thấy có sự thay đổi rõ rệt về kỹ năng tìm việc làm của sinh viên.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Thanh lưu ý, việc rèn kỹ năng phỏng vấn nói chung, kỹ năng tìm việc nói chung không thể làm theo ngẫu hứng, cũng không chỉ phụ thuộc vào một đối tượng nào mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, để quy trình này thực hiện được cần đảm bảo một số điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực của giảng viên và ý thức của chính các sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ