Đào tạo liên ngành, xuyên ngành: Đáp ứng nhu cầu lao động thời 4.0

GD&TĐ - Đào tạo liên ngành và xuyên ngành đang trở thành xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học...

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành. Ảnh: NTTU
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành. Ảnh: NTTU

Qua đó đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động hiện đại. Nhiều trường đại học đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo kết hợp nhiều lĩnh vực, giúp sinh viên trang bị kiến thức đa dạng và kỹ năng linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số.

Xu hướng liên ngành, xuyên ngành

Năm 2024, Kinh doanh thương mại Hàn Quốc - chương trình đào tạo liên ngành, liên trường đầu tiên trong Đại học Quốc gia TPHCM được khởi động. Chương trình đào tạo do hai trường đại học thành viên: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Kinh tế - Luật triển khai. Chương trình đã tuyển sinh khóa đầu tiên với 58 thí sinh trúng tuyển.

Chương trình đào tạo cử nhân ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc được xây dựng với định hướng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, và các lĩnh vực chuyên ngành về kinh doanh thương mại liên ngành với đất nước học, cụ thể là Hàn Quốc.

Theo chương trình đào tạo được công bố, khi hoàn thành chương trình Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, nếu đáp ứng yêu cầu về số tín chỉ, sinh viên có thể nhận thêm bằng đại học chính quy ngành Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hoặc bằng đại học chính quy ngành quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Ngoài ra, cử nhân ngành kinh doanh thương mại Hàn Quốc có thể học lên bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) các ngành liên quan phù hợp như: Hàn Quốc học, châu Á học, quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại, thương mại điện tử…

Cách đây hơn 10 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khai giảng chương trình thạc sĩ khoa học bền vững - một ngành học mới mẻ và độc đáo, thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học môi trường, khoa học trái đất, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, tâm lý học và xã hội học. Sự kết hợp này không chỉ cung cấp kiến thức liên ngành phong phú, mà còn tạo cơ hội cho các sinh viên từ các ngành học khác nhau trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Điều này góp phần xây dựng một thế hệ nhân lực linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu ngày càng đa dạng của nền kinh tế toàn cầu. Từ đó đến nay, đào tạo liên ngành đã trở thành xu hướng nổi bật tại nhiều trường đại học trên cả nước, đặc biệt ở bậc đại học.

Tại Hội nghị thường niên năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, liên trường, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và TPHCM, đặc biệt trong những lĩnh vực then chốt như: Công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Đào tạo liên ngành, xuyên ngành là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học và là một trong những ưu tiên trong hoạt động đào tạo của TPHCM. Dự kiến, vào năm 2025, các trường thành viên đại học này sẽ triển khai thêm một số chương trình đào tạo liên ngành mới, bao gồm: Công nghệ giáo dục, kinh tế đất đai, công nghệ nông nghiệp số, kinh doanh nông nghiệp số, và công nghệ y - dược.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), chiến lược đào tạo liên ngành, xuyên ngành đã trở thành trọng tâm của nhà trường trong những năm qua. UEH đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo kết hợp giữa công nghệ và các lĩnh vực truyền thống như kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên số, mà còn đảm bảo chất lượng đào tạo gắn với thực tế công việc, giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tiên phong trong việc đào tạo ngành robot và trí tuệ nhân tạo, kết hợp các kiến thức từ cơ khí, điện - điện tử và công nghệ thông tin.

dao-tao-lien-nganh-xuyen-nganh-1.jpg
Chuyên gia tư vấn cho học sinh THPT tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, tháng 1/2025. Ảnh: Đ.Hiền

Đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện đại

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của Trường Đại học Công Thương TPHCM, chia sẻ: “Đào tạo liên ngành hiện đang là xu hướng lựa chọn của các trường đại học hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành học như công nghệ tài chính (Fintech) hay quản trị kinh doanh thực phẩm được xây dựng dựa trên sự giao thoa giữa công nghệ, kinh doanh và các chuyên ngành khác, qua đó giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề phức tạp trong thời đại mới”.

Theo ông Sơn, việc triển khai đào tạo liên ngành và xuyên ngành không chỉ tạo ra sự liên kết giữa các chương trình học, mà còn giúp người học có thể cùng lúc theo đuổi nhiều ngành học khác nhau, đồng thời dễ dàng thay đổi ngành học sao cho phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.

ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) nhấn mạnh, đào tạo liên ngành không chỉ cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu, mà còn trang bị những kỹ năng công nghệ cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong công việc.

“Đây là cách tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, đồng thời tạo ra những ngành học mới mà không đòi hỏi quá nhiều đầu tư vào cơ sở vật chất hay nhân sự giảng viên”, ông Tiến cho biết thêm.

Các chuyên gia tuyển sinh nhận định, trong kỷ nguyên công nghệ và với chiến lược phát triển nền kinh tế số, đào tạo đơn ngành ở bậc đại học đang dần không còn phù hợp. Để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc chuyển đổi sang các chương trình đào tạo liên ngành và xuyên ngành là xu hướng tất yếu.

Tại Việt Nam, nhiều trường đại học đang đón nhận và triển khai mô hình đào tạo này, nhằm kết nối công nghệ với các ngành nghề truyền thống, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động hiện đại. Các chương trình đào tạo liên ngành hiện nay không ngừng được cập nhật và tích hợp kiến thức mới từ các lĩnh vực khác nhau, giúp sinh viên chuẩn bị tốt nhất cho công việc trong tương lai.

Đây chính là xu hướng tất yếu trong giáo dục đại học trong thời đại công nghệ số, khi các kỹ năng mềm và khả năng linh hoạt trong công việc ngày càng trở thành yêu cầu hàng đầu của thị trường lao động.

Trong năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ mở rộng các ngành đào tạo mới, bao gồm năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện; phát triển ngành logistics mới để cung cấp nhân lực cho hệ thống đường sắt đô thị (Metro), sân bay quốc tế Long Thành và đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tức giận có thể hủy hoại mối quan hệ và gây bất lợi cho cả hai bên. (Ảnh: ITN).

10 cách giúp vợ nguôi giận nhanh nhất

GD&TĐ - Không người đàn ông nào muốn nhìn thấy vẻ mặt tức giận của vợ. Sự tức giận có thể gây hại cho mối quan hệ hoặc hôn nhân nếu không xử lý đúng cách.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung trao quyết định bổ nhiệm 2 tân Phó Giám đốc.

Công an TP Hà Nội có 2 tân Phó Giám đốc

GD&TĐ - Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tham mưu và Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.