Kỹ năng này giúp sinh viên tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của vì chỉ tập trung chuyên sâu tìm những lĩnh vực việc làm phù hợp với năng lực và điều kiện hoàn cảnh của bản thân.
Để giúp sinh viên có được kỹ năng quan trọng này, theo TS Nguyễn Thị Thanh, cần giúp sinh viên rèn kỹ năng đánh giá bản thân; sau đó là kỹ năng xác định lĩnh vực công việc phù hợp.
Kỹ năng tự đánh giá bản thân
Để rèn sinh viên kỹ năng này, giảng viên cần cung cấp thông tin lý thuyết về cách phân loại tích cách và xác định xu hướng nghiệp cho sinh viên.
Riêng với sinh viên Tâm lý học giáo dục, đây là vấn đề đơn giản bởi đó chính là kiến thức chuyên ngành, việc giải thích sẽ không mất nhiều thời gian. Do vậy, khâu quan trọng là tổ chức sinh viên thực hành áp dụng vào đánh giá bản thân.
Hoạt động tiếp theo là tổ chức sinh viên tự đánh giá. Với hoạt động này, TS Nguyễn Thị Thanh đưa ra 2 bài tập:
Bài tập 1: Hãy liệt kê đặc điểm tính cách của bản thân với những ưu điểm và hạn chế nổi bật; sau đó, so sánh với lý thuyết để xác định tính cách cá nhân. Lưu ý, việc liệt kê càng chi tiết thì đánh giá càng chính xác.
Bài tập 2: Tổ chức cho sinh viên tự đánh giá theo test hướng nghiệp của John Holland để xác định xu thế nghề nghiệp của bản thân (xem cụ thể bài test TẠI ĐÂY)
Sau khi thực hiện các bài tập này, sinh viên sẽ có được những thông tin cơ bản về tính cách, năng lực, nhu cầu, sở thích… của bản thân. Đó là căn cứ để các em xác định lĩnh vực công việc phù hợp với bản thân mình.
Kỹ năng xác định công việc phù hợp
TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, với kỹ năng này, giảng viên có thể tiến hành 3 hoạt động.
Hoạt động đầu tiên là cung cấp thông tin về nghề nghiệp theo 3 hướng chuyên ngành của ngành Tâm lý học giáo dục. Khi cung cấp thông tin, cần phân tích, giảng giải để sinh viên hiểu rõ các tiêu chí đòi hỏi ở người lao động.
Đặc biệt nhấn mạnh những khó khăn hay niềm hạnh phúc của người theo các chuyên ngành này; chú ý đưa ra các dẫn chứng cụ thể để minh họa cho thông tin giới thiệu.
Hoạt động tiếp theo: Hướng dẫn sinh viên đánh giá bản thân theo các tiêu chí của nghề.
Cụ thể, hướng dẫn sinh viên so sánh phẩm chất, năng lực, tính cách… của cá nhân với đòi hỏi của nghề. Chú ý nhắc sinh viên đánh dấu những tiêu chí phù hợp và tiêu chí chưa phù hợp. Với tiêu chí chưa phù hợp, cần xác định xem bản thâm có thể khắc phục được hay không?...
Sau đó, hướng dẫn sinh viên cân nhắc giữa mục tiêu, định hướng, lý tưởng của bản thân với những cơ hội thành công hoặc nguy cơ thất bại của nghề;
Hướng dẫn sinh viên lựa chọn nghề bản thân có nhiều tiêu chí phù hợp nhất hoặc thuận lợi nhất cho tương lai.
Hoạt động cuối cùng: Hướng dẫn sinh viên cách định hướng rèn luyện bản thân nhằm có đầy đủ những phẩm chất cần thiết để thành công trong nghề. Cụ thể là:
Tự rèn luyện những kỹ năng nghề nghiệp còn thiếu; tích cực tham gia vào các hoạt động và môi trường nghề nghiệp; tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè hoặc người thân…
Với ba hướng đầu ra cơ bản của sinh viên Khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) là tham vấn, giảng dạy và công tác xã hội, mỗi hướng đầu ra này đòi hỏi những năng lực nghề nghiệp khác nhau. Sinh viên cần căn cứ vào mục tiêu, sở thích, năng lực để chọn hướng đi phù hợp với bản thân.
Để có được kỹ năng xác định công việc phù hợp, sinh viên cần biết tự đánh giá bản thân với những điểm mạnh, yếu, năng khiếu, đam mê…, biết xác định đòi hỏi của công việc với những tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, sức khỏe… Có như vậy, các em mới định hướng được việc làm phù hợp với bản thân để đem lại thành công.
TS Nguyễn Thị Thanh