Kỳ bí gò bê tông vạn tuổi

GD&TĐ - Theo phát hiện khảo cổ, con người chỉ biết dùng bê tông cách đây sớm nhất là khoảng 2.400 năm.

Bề ngoài của các gò bê tông cốt sắt giống hệt gò đất bình thường. Ảnh : Warren P. Aston
Bề ngoài của các gò bê tông cốt sắt giống hệt gò đất bình thường. Ảnh : Warren P. Aston

Thế nhưng, ở cù lao Pines, hòn đảo thuộc quần đảo New Caledonia (Thái Bình Dương), người ta lại tìm thấy hơn 400 gò bê tông cốt sắt có niên đại lên đến 10 – 12 nghìn năm.

Phát hiện bất ngờ

Trong quần đảo New Caledonia, cù lao Pines nổi tiếng là “thiên đường sắt” vì rất giàu có nguồn tài nguyên kim loại này. Sắt ở đây thường dưới 2 dạng sỏi và cuội.

Theo nghiên cứu khảo cổ và nhân chủng học, cù lao Pines được định cư khá muộn. Phải đến khoảng đầu thế kỷ I sau Công nguyên, nó mới được người Melanesia phát hiện và chọn làm nơi sinh sống.

Kích thước cù lao Pines không lớn, chiều dài 15km và chiều rộng 13km, điểm cao nhất cũng chỉ 262m. Vào năm 1774, nó được thuyền trưởng James Cook (1728 – 1779) của Anh nhìn thấy trong chuyến thám hiểm Nam Thái Bình Dương nhưng lại bị bỏ qua, vì “không có vẻ gì là có người ở”. Ngay cả bây giờ, dân số trên cù lao Pines cũng rất ít, chỉ khoảng 2 nghìn người.

Thoạt nhìn, các gò bê tông cốt sắt ở cù lao Pines không có gì đặc biệt. Chúng chỉ cao khoảng 2 – 2,5m và bị cỏ dại phủ kín. Vào năm 1959, vì thiếu sỏi sắt sửa đường, cư dân địa phương mới đào một gò với hy vọng bên trong có sẵn tài nguyên. Họ không ngờ, bên dưới lớp cỏ và đất lại là tảng bê tông vô cùng cứng chắc, ngay cả khi bị nhét thuốc nổ vào để phá vẫn không suy suyển.

Hay tin, nhà khảo cổ người Pháp tên Luc Chevalier lập tức tới đây và bắt tay vào khai quật. Ông phát hiện, cấu trúc bên dưới gò đất có hình nón, chính giữa là lỗ tròn đường kính khoảng 30cm, bề mặt nhẵn nhụi. Dưới đáy gò là khối sắt hình chóp lộn ngược cao khoảng 2m.

Có vẻ như, gò bê tông cốt sắt đã được tạo ra qua tối thiểu 9 bước: Đào hố, đặt khối sắt hình chóp lộn ngược xuống, đặt trụ, đổ bê tông, chờ bê tông khô rồi lần lượt đổ thêm ít nhất 3 lớp sỏi sắt che kín khối bê tông, vùi đất và rút trụ.

Ban đầu, nhà khảo cổ Chevalier suy đoán các gò bê tông cốt thép trên cù lao Pines là thử nghiệm bê tông của nền văn minh tiên tiến nào đó, ví dụ như Nhật Bản. Tuy nhiên, kết quả phóng xạ carbon lại chỉ ra tuổi của khối bê tông này cao tới 10 – 12 nghìn năm, tức là có trước sự xuất hiện của xi măng đến cả gần 1 vạn năm.

ky-bi-go-be-tong-van-tuoi-2.jpg
Mặt cắt ngang của một gò bê tông cốt sắt. Ảnh : Warren P. Aston

Khó lý giải

Xi măng là sản phẩm chủ chốt của ngành xây dựng hiện đại nhưng, xét trên phương diện lịch sử thì nó đã được một số nền văn minh phát kiến ra khá sớm. Theo phát hiện khảo cổ, mẫu xi măng cổ nhất thuộc khoảng năm 400 TCN, thuộc nền văn minh Ai Cập và La Mã cổ đại.

Người ta tạo ra nó bằng cách đốt cát cùng với phiến thạch cao. So với xi măng ngày nay, xi măng cổ đại không ổn định, vừa tốn thời gian đông kết lại vừa kém khả năng chịu lực. Chính vì thế mà trước khi có xi măng công nghiệp vào năm 1885, xi măng thủ công không phải là vật liệu xây dựng phổ biến.

Niên đại của gò bê tông cốt sắt cù lao Pines làm các nhà nghiên cứu kinh ngạc. Hàng loạt giả thuyết được đưa ra, trong đó bao gồm cả giả thuyết “công trình của người ngoài hành tinh”. Bởi vì, nếu xét trên phương diện sự có mặt của con người trên cù lao Pines thì những gò bê tông cốt sắt này không thể là tạo tác của nhân loại.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nó được hình thành bởi… chim megapodes. Loài này có thói quen đào đất sâu, đẻ trứng xuống, vùi kín và tiếp tục bới đất, sỏi lấp lên thành gò. Có khả năng, chúng đã bài tiết trên đỉnh gò để sưởi ấm cho trứng và, trải qua thời gian, phân chim bị hóa thạch thành xi măng.

Có điều, phân tích hóa học sớm cho thấy không có thành phần nào thuộc về phân chim megapodes tồn tại trong tảng bê tông cốt sắt trên cù lao Pines. Tháng 3/2016, thuyết “chim megapodes xây gò bê tông” còn bị nhà sinh vật cổ người Úc, Trevor H. Worthy giáng một đòn chí mạng.

Đó là không có bất cứ mảnh vỏ trứng nào xung quanh các gò bê tông cốt sắt và bản thân chim megapodes cũng không có khả năng xây dựng, đặc biệt là xây dựng nên công trình nào đó như gò bê tông cốt sắt.

ky-bi-go-be-tong-van-tuoi-3.jpg
Quá trình xây dựng gò bê tông cốt sắt tối thiểu 9 giai đoạn. Ảnh : Warren P. Aston

Thay vì chim megapodes, nhà sinh vật cổ Worthy đề xuất giả thuyết “sự tương tác giữa thảm thực vật và xói mòn”. Vì điều này khá phi lý nên nó nhanh chóng bị gạt bỏ.

Năm 2017, nhà khảo cổ hàng đầu của Pháp, Louis Lagarde tuyên bố các gò bê tông cốt sắt trên cù lao Pines là mộ mai táng của con người và chúng không có niên đại lên đến vạn năm, mà chỉ trong khoảng 2 nghìn năm. Việc không có mảnh xương nào được phát hiện bên trong mộ chỉ đơn giản là vì đã bị thời gian và axit có trong đất phân hủy hoàn toàn.

Tuy nhiên, ngay cả rút ngắn niên đại của các gò bê tông cốt sắt xuống chỉ còn 2 nghìn năm, khả năng đây là mộ của con người vẫn rất thấp. Bởi vì, ở khu vực Nam Thái Bình Dương nói chung và cù lao Pines nói riêng, xi măng chỉ có mặt sớm nhất là vào khoảng 200 năm trước, khi người châu Âu bước lên định cư và mang theo.

Sau cuộc khai quật đầu tiên, nhà khảo cổ người Pháp tên Luc Chevalier đặt ra một loạt các câu hỏi: Người xây dựng gò bê tông cốt sắt trên cù lao Pines là ai? Kỹ thuật sản xuất bê tông chất lượng cao của họ đến từ đâu? Vì lý do gì, họ bỏ công xây đến hơn 400 gò (thể tích trung bình của gò là 500 m3, tốn rất nhiều công sức và thời gian)?

Tại sao xung quanh các gò bê tông cốt sắt không có bất kỳ dấu vết nào khác như công cụ, xương, than, đồ gốm hoặc các tạo tác văn hóa khác? Tại sao không có công trình nào như nhà ở, cơ sở tôn giáo… được xây bằng bê tông? Tại sao vật liệu tốt như xi măng lại không được xuất khẩu sang các hòn đảo khác hay truyền thụ cho các thế hệ sau?

Cho đến nay, các câu hỏi này vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Theo ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ