Rèn luyện năng lực tự lập, tự chủ của trẻ

GD&TĐ - Lập kế hoạch tưởng là việc đơn giản nhưng vô cùng hữu ích đối với việc rèn luyện năng lực tự lập, tự chủ của trẻ.

Trẻ tự lên kế hoạch sẽ tự tin, tự chủ trong cuộc sống. Ảnh: TG
Trẻ tự lên kế hoạch sẽ tự tin, tự chủ trong cuộc sống. Ảnh: TG

Do đó, cha mẹ cần từng bước giúp con xây dựng nhằm hướng trẻ đến nếp sống có mục tiêu, hoạch định rõ ràng.

Hình thành giới hạn

Nhiều cha mẹ luôn đưa tiêu chuẩn của người lớn để phán đoán thành bại của con mà không chú ý tới những nguyện vọng của con cái. Điều này vô hình tạo áp lực và tâm lý phản kháng của con. Do đó, cha mẹ không nên ép buộc đưa cách nghĩ và ý đồ của mình vào kế hoạch của con.

TS Lê Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý học đường Hà Nội cho rằng, giúp con hình thành kỹ năng lập kế hoạch hiệu quả, cha mẹ nên đồng hành cùng con từ những bước đầu nhưng cũng cần có “giới hạn” nên và không nên. Bởi sự can thiệp quá sâu sẽ khiến việc lập kế hoạch không có ý nghĩa gì với trẻ, vì đó là kế hoạch theo ý tưởng, sắp đặt của người lớn.

Theo đó, cha mẹ nên rèn cho con thói quen “Tạo danh sách kiểm tra” với các hoạt động như đi siêu thị, đi dã ngoại… để trẻ suy nghĩ và trao đổi với bạn về các mặt hàng cần thiết cho các hoạt động và sự kiện khác nhau. Ví dụ, chuẩn bị một danh sách kiểm tra cho việc đi dã ngoại cuối tuần có thể bao gồm: Một ba-lô, đèn pin, găng tay, mũ, giầy, chai nước… Những danh sách này có thể được dán trong phòng của trẻ hoặc tại nơi bảng thông tin trong nhà.

Đơn giản hơn, khi con lập kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày hoặc chuyến đi chơi, cha mẹ nên giúp chúng xác định những gì cần thiết cho sự kiện này. Ví dụ: nếu con bạn muốn đi đến sở thú, bạn có thể khuyên con in ra bản đồ vườn thú từ máy tính và ưu tiên các con vật mà con muốn xem khi đến đó, hoặc tìm hiểu những trò chơi thú vị ở nơi đó mà con nhất định sẽ tham gia trải nghiệm,…

Trẻ có rất nhiều ước mơ và mong muốn. Việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm chính là giúp con hiểu được những mong muốn thực sự của con là gì? Hãy cùng trò chuyện và lắng nghe để hiểu con muốn gì? Sau đó cùng con đưa ra một mục tiêu hợp lý. Tuy nhiên, chỉ nên đồng hành chứ không làm hộ, đặc biệt, cha mẹ gợi ý nhưng cần tôn trọng quan điểm của con.

Hãy giúp con hình dung chính xác ra những việc mà trẻ cần làm để đạt được mục đích bằng việc hướng dẫn con nên ghi ra những yêu cầu và xếp chúng lần lượt theo thứ tự. Con có thể vẽ một bức tranh tổng quát về lộ trình để đạt được việc đó là gì? Ví dụ như mục tiêu của con năm nay là vào được đội tuyển bóng đá của trường. Vậy những việc mà con cần làm là gì?

Sau đó, hãy cùng con bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong bản kế hoạch, từng bước một để tránh cho con cảm thấy nản chí. Điều quan trọng trẻ cần nhớ là kỷ luật trong việc thực hiện kế hoạch. Hãy theo sát con và thường xuyên kiểm tra tiến độ để có những động viên và giúp con điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, hãy luôn cởi mở và ủng hộ con một cách nồng nhiệt để con cảm thấy có thêm động lực mỗi ngày.

“Tôi được biết, nhiều gia đình khuyến khích trẻ lập kế hoạch cho bản thân từ rất sớm. Ngoài việc học, trẻ được tập kinh doanh, hoạch định công việc cần làm khi có thời gian rảnh. Có trẻ giúp đỡ gia đình và được trả lương trong mùa hè, thậm chí tìm người thân và hàng xóm để nhận làm việc đơn giản hoặc chăm sóc thú nuôi như đưa chó đi dạo hoặc cắt cỏ, trông em bé… Đây cũng là điều thú vị để con được trải nghiệm và tích luỹ kinh nghiệm sống. Do vậy, nếu trẻ có nhu cầu hoặc ý tưởng làm các hoạt động kinh doanh nhỏ, hãy khuyến khích và cùng con lập kế hoạch. Hãy cho trẻ lập danh sách hàng hóa cần mua và lên kế hoạch các vật liệu cần thiết để vận hành”, TS Lê Thị Minh chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đừng khiến trẻ ỷ lại, thụ động

Theo cô giáo Lê Phương Lan (Trường Tiểu học Vạn Phúc, Hà Nội), muốn còn có kế hoạch rõ ràng, cha mẹ có thể giúp con hình thành tính tự lập và cách nhìn nhận thực tế.

Cụ thể, người lớn có thể giao việc cho con, từ việc nhà, việc học, mối quan hệ của trẻ. Mỗi việc được giao đều có những yêu cầu riêng, do vậy, trẻ phải có ý tưởng để thực hiện mục tiêu và từ đó là có kế hoạch để hoàn thành.

Cha mẹ có thể khuyên con thực hiện các hoạt động đơn giản trong gia đình như tưới cây, lau xe, dọn phòng và đổ rác. Hoặc trẻ lập thời gian biểu chi tiết cho việc học, thời gian thế nào là hợp lý, cần sắp xếp nội dung, các môn học thế nào cho phù hợp với con?

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý, trong quá trình lập kế hoạch, trẻ sẽ có những đòi hỏi nhưng không nên làm hư con bằng cách đáp ứng những yêu cầu không cần thiết. Hãy cho con hiểu tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền và thời gian để rút ngắn mục tiêu hoàn thành, vì đó là một trong những yếu tố quan trọng cần phải dạy trẻ sớm. Thậm chí, có thể mua cho con một con lợn đất và hướng dẫn chúng cất tiền vào để chuẩn bị cho những mục tiêu quan trọng sau này.

“Hiện, nhiều cha mẹ vẫn giúp đỡ khi con đang mặc quần áo đi học, nhắc nhở con uống nhiều nước, lau mồ hôi,…. Điều này khiến trẻ ỷ lại và không có kỹ năng cần thiết khi tham gia sinh hoạt tập thể phải xa gia đình. Cha mẹ nên để trẻ tự chuẩn bị đi học. Điều này sẽ khiến trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý thời gian, tính kỷ luật và sự nhanh nhẹn. Đừng giúp con thực hiện các hoạt động dễ dàng như buộc dây giày, chuẩn bị sách vở, sắp xếp các nút thắt của cà vạt, chải tóc... Hãy để con tự làm, dần dần sẽ hình thành tính ngăn nắp ở trẻ”, cô Phương Lan nhấn mạnh.

Cũng theo cô giáo này, trong trường hợp khẩn cấp, con bạn nên biết cách thực hiện các biện pháp cần thiết hơn là hoang mang, lúng túng. Nhờ đó, trẻ sẽ có kỹ năng lập kế hoạch cho từng việc dù là nhỏ nhất và chúng sẽ trở lên tự tin, tự chủ, tự lập nhờ kế hoạch đó.

“Bổn phận của cha mẹ là hướng dẫn con cái. Tuy nhiên, cũng phải để chúng học hỏi từ những sai lầm của mình để tích luỹ kinh nghiệm cho mai sau. Bảo vệ con trong một số vấn đề có vẻ quan trọng, nhưng nếu cha mẹ luôn can thiệp, thì đứa trẻ sẽ không thể phát triển và sẽ luôn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người lớn, ngay cả khi chúng có thể dễ dàng giải quyết vấn đề”, cô Lan lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ