Rèn học sinh yếu kém tiếng Anh

GD&TĐ - Cô giáo Phạm Thị Nhung (Trường THPT Tống Duy Tân - Thanh Hóa) cho rằng, hạn chế lớn nhất của học sinh khi học bộ môn Tiếng Anh là thiếu một lượng lớn từ vựng thiết yếu do các ít học bài, ít chịu khó rèn viết từ Tiếng Anh, hoặc chép nhưng chống đối, không động não, không tư duy.

Rèn học sinh yếu kém tiếng Anh

Để giúp học sinh yếu kém vươn lên khi học bộ môn Tiếng Anh, cô Nhung cho biết, điều đầu tiên hết sức quan trọng là cá thể hóa đối tượng học sinh trong quá trình giảng dạy: Dạy không chú ý tới số đông mà truyền đạt kiến thức có chất lượng đến từng học sinh. Muốn vậy, phải nắm được năng lực tiếp nhận và cả đặc điểm tâm sinh lý của từng em.

Khuyến khích, động viên, tạo hứng thú học tập

Với đối tượng học sinh hiếu động, cần thường xuyên nhắc nhở các em tập trung vào bài; học sinh thụ động cần động viên khuyến khích, tránh la mắng, phê bình. Đồng thời, chọn các bài tập vừa sức để các em có thể làm bài, có thêm tự tin trong học tập.

Để rèn luyện cho những đối tượng học sinh yếu, mỗi tiết học chỉ nên truyền đạt cho học sinh một lượng kiến thức vừa phải để tiếp thu chứ không nên nhồi nhét. Kiến thức phải được lặp đi lặp lại nhiều lần để học sinh ghi nhớ.

Một lưu ý khác là không yêu cầu cao với đối tượng học sinh yếu khi các em chưa đạt được một chuẩn kiến thức nhất định, đi từ các bài tập cơ bản. 

Khi giải bài tập, nếu có kiến thức liên quan cần dừng lại, yêu cầu học sinh nhắc lại kiến thức, giúp các em tập trung vào bài đồng thời ôn lại kiến thức cũ.

Cùng với đó, không dồn quá nhiều bài tập trong một tiết học, không dạy quá nhanh, cần dạy chắc kiến thức, quan sát thái độ học tập của học sinh để có hướng điều chỉnh kịp thời.

Khi thấy học sinh có biểu hiện mệt mỏi, nên thay đổi dạng bài tập đơn giản hơn. Tạo hứng thú học tập là điều rất quan trọng, học sinh yếu kém thường dễ nản, ít động não, gặp câu khó thường buông xuôi.

Giáo viên cũng nên luôn đi lại, quan sát từng học sinh làm bài. Nếu thấy học sinh nào không làm được sẽ trực tếp chỉ học sinh chỗ sai sót. Ngoài ra, cần động viên học sinh yếu lên bảng trình bày, đây là một trong những cách giúp các em nhớ lâu kiến thức.

Khi dạy, cho học sinh thuộc cấu trúc ngữ pháp ngay tại lớp bằng cách yêu cầu các em cho nhận xét đề và nêu cấu trúc ngữ pháp liên quan. Nếu không nêu được, mời các học sinh khác phát biểu, sau khi có câu trả lời đúng, cho học sinh yếu nhắc lại để các em ghi nhớ cấu trúc.

Giáo viên nên ghi nhớ việc tuyên dương nếu học sinh làm được bài (dù không nhiều) để động viên tinh thần các em.

Chỉ cho học sinh cách học hiệu quả

Một trong những biện pháp cô Nhung làm là sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh yếu ở vị trí tiện cho giáo viên tiếp cận như đầu bàn, cạnh lối đi giữa hai hàng ghế…,tránh để học sinh yếu ngồi bàn cuối sẽ hạn chế sự tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng kết quả học tập.

Khi giao bài tập, cho học sinh làm theo từng dạng trước, sau đó mới đến bài tập tổng hợp để học sinh quen dạng bài.

Trước khi làm bài tập, giáo viên hướng dẫn cách làm, yêu cầu học sinh nêu lại một số cấu trúc ngữ pháp liên quan; lập lại công thức để khắc sâu kiến thức và yêu cầu ghi công thức kế bên câu bài tập để nhắc nhở bản thân, nhớ lại kiến thức khi đọc lại bài.

Giáo viên chú ý chỉ cho học sinh cách học hiệu quả như: Khoanh tròn các câu sai, để về nhà làm lại các câu sai đó; cần có bài tập lưu, một bản viết trực tiếp đáp án do thầy cô sửa, một bản để làm lại (ở nhà); cần có sổ tay học tập, ghi lại các công thức ngữ pháp liên quan đến bài tập trong lúc nghe giảng.

Một số lưu ý khi dạy các kỹ năng

Với kỹ năng đọc, học sinh yếu kém thường thấy đoạn văn dài, từ vựng khó thường ngại đọc và hay đoán lung tung, có em không làm được thì thường chọn True hoặc False hết để hy vọng có được phần nào điểm đó.

Với trường hợp này, cần hướng dẫn các em đọc lướt các câu (True / False) trước xem người ta yêu cầu và hỏi những gì;

Đọc thầm đoạn văn, các câu được hỏi ở phần (True / False ) thường là từ trên xuống dưới của đoạn văn ở trên, tìm ý hoặc câu có liên quan đến các câu (True / False ) và gạch chân lại.

Đọc các phần liên quan của các câu (True / False) với các câu trong đoạn văn và xem xét xem là đúng hay sai.

Sau khi làm xong, đọc toàn bộ đoạn văn để hiểu ý toàn bài và điều chỉnh đáp án vừa chọn nếu thấy có sai sót.

Với bài tập dạng điền khuyết, đây là dạng bài tập khá khó, đòi hỏi học sinh phải đọc toàn đoạn văn chưa hoàn chỉnh, học sinh yếu kém do vốn từ ít, không biết liên đới các câu nên làm sai rất nhiều phần này.

Giáo viên nên hướng các em chú ý đến các câu thuần cấu trúc ngữ pháp để điền vào trước. Sau đó mới làm các câu dạng điền từ vựng.

Sau khi làm bài, phải đọc lại toàn đoạn văn và cố gắng dịch để hiểu, từ đó điều chỉnh các sai sót đã làm trước đó. Trước khi điền từ, tìm các từ liên đới xung quanh chỗ trống cần điền để chọn cho đúng từ.

Với kỹ năng nói: Học sinh yếu kém không biết cách đặt câu hỏi làm sao cho đúng mặc dù đã có đáp án được gợi ý sẵn trong sách giáo khoa. Giáo viên cần gợi ý trước câu hỏi và yêu cầu các em tìm đáp án trả lời, sau đó mới yêu cầu học sinh thực hành hội thoại.

Với các bài khác, giáo viên gợi ý trước cấu trúc để học sinh bắt trước và thực hành nói hoặc kết hợp với các trò chơi nhằm tăng sự chú ý.

Kỹ năng nghe là một kỹ năng khó nhất đối với học sinh yếu kém, đặc biệt là với dạng bài tập là phải nghe cả câu để viết đáp án. Vì lý do đó mà các bài phải nghe cả câu, cô Nhung thường cho sẵn đáp án nhưng theo một số các khác nhau.

Ví dụ trong bài UNIT 12 THE ASIAN GAMES Part C: LISTENING sách tiếng anh 11, cô Nhung đã cắt đi một số từ trong đáp án sau đó yêu cầu học sinh nghe và điền vào, hầu hết học sinh nghe được và thấy hứng thú với bài nghe này.

Đối với kỹ năng viết, các bài viết trong sách giáo khoa gần như không có nhiều dữ kiện cho trước và cấu trúc để học sinh bắt trước. Giáo viên cần soạn và tìm các bài mẫu có sẵn photo và lên lớp phát cho học sinh để sử dụng cho bài viết của mình.

Sau khi phát các bài mẫu, yêu cầu học sinh phải hiểu được đoạn văn, gạch chân các cấu trúc mà các em định sử dụng. Sau khi thực hành để viết xong, tiếp tục yêu cầu phải dịch được bài viết của mình và về nhà học thuộc các cấu trúc .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ