Bất cập trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, là những vấn đề được các chuyên gia đưa ra thảo luận mới đây, nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) nói riêng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập nói chung.
30 bậc lương công nhân phấn đấu cả đời!
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), toàn quốc hiện có 304 KCN, trong đó, 206 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN, khu kinh tế trên cả nước đã thu hút 2,6 triệu người làm việc. Tuy nhiên, trong các dự án đầu tư vào các KCN, khu kinh tế lại chưa có quy hoạch lao động. 80% lao động đang làm việc trong các khu này là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay chính sách tiền lương và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa khuyến khích được NLĐ nâng cao tay nghề. DN thường tách tiền lương ra nhiều khoản, gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Bảng lương được xây dựng từ 20 - 30 bậc, mỗi bậc chỉ cách nhau 20.000 - 25.000 đồng do đó, sự chênh lệch mức lương giữa NLĐ đã qua đào tạo nghề và chưa qua đào tạo nghề hoặc bậc thợ là rất thấp, mỗi bậc thợ chỉ hơn nhau vài chục ngàn đồng. NLĐ được nâng bậc lương thì thu nhập cũng tăng không đáng kể. Mặt khác, nhiều DN đang trả lương theo thời gian lao động chứ không dựa vào trình độ hay năng suất.
Những vấn đề nêu trên được cho là nguyên nhân khiến NLĐ không quan tâm đến việc nâng cao tay nghề cho bản thân. Bên cạnh đó, BHTN hiện nay đang đi chệch hướng, quỹ BHTN chủ yếu là để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ mà chưa làm được công tác đào tạo để NLĐ quay trở lại thị trường lao động với một công việc tốt hơn, trình độ cao hơn.
Tập trung dạy nghề cho lao động THPT
Hội nhập quốc tế đang đặt ra những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, trong đó nhân lực trực tiếp lao động tại các KCN, KCX. Trước thực trạng chất lượng nhân lực trong các KCN, KCX hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại KCN, xây dựng mô hình “trường trong DN”. Xác định rõ, đào tạo nghề phải theo nguyên tắc thị trường, xóa bỏ tư duy về bao cấp dạy nghề kiểu “xin cho”, đảm bảo dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), hiện chúng ta đang lãng phí nguồn lực con người, khi mỗi năm có khoảng 300.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào THPT, hàng chục ngàn học sinh học lực yếu không qua nổi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các đối tượng này tham gia vào thị trường lao động nhưng không đi học nghề.
Từ thực tế này, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất Bộ GD&ĐT phải quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo nghề vì hiện nay có những địa phương có trên 10 trường ĐH, CĐ và trung cấp cùng tham gia đào tạo nhân lực cho địa phương dẫn đến tình trạng không có người học, gây lãng phí lớn.