Dự và chỉ đạo cuộc thi có TS Nguyễn Văn Tuyến – Hiệu trưởng Trường ĐH SPHN2; ông Nguyễn Ngọc Nam – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban giám khảo; Á hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Trần Huyền My - Thành phần Ban giám khảo,….cùng toàn thể các thầy cô giáo, cựu sinh viên và sinh viên trong trường.
"Nóng" trước giờ khai mạc
Trước đó, để chuẩn bị cho cuộc thi, Đoàn thanh niên và Đội sinh viên tình nguyện trường đã chuẩn bị chu đáo sân khấu ngoài trời phường Xuân Hòa (Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Tối 25/3, trời chuyển mưa khiến Ban tổ chức quyết định chuyển địa điểm thi vào sân khấu Hội trường lớn.
Với sức chứa 500 người nhưng ngay khi chưa bắt đầu khai mạc, hội trường đã chật kín. Phía bên ngoài còn rất nhiều bạn trẻ đứng chờ cổ vũ, "hóng" thông tin cuộc thi từ bên trong. Có thể thấy sức nóng và hiệu ứng lan tỏa của chương trình năm nay.
Lộng lẫy các vòng thi
Sau các vòng phỏng vấn, sơ khảo, bước vào vòng chung khảo là 15 gương mặt xuất sắc nhất trình diễn trong đêm thi. Thí sinh có hai phần trình diễn là trang phục áo dài truyền thống và trang phục dạ hội để chọn ra 6 thí sinh nổi bật nhất, có điểm số cao nhất bước vào vòng thi ứng xử.
Các thầy, cô giáo tương lai thể hiện sự tự tin, bản lĩnh khi sải bước trên sân khấu. Uyển chuyển trong tà áo dài, áo the khăn xếp; sang trọng, lịch lãm trong trang phục dạ hội, 15 thí sinh là 15 bông hoa với những vẻ đẹp, cá tính nổi bật khiến các giám khảo cũng phải căng thẳng chọn lựa, cân nhắc kỹ càng, còn khán giả thì nhiệt tình cổ vũ, hò reo tán thưởng.
Cuối cùng, Ban giám khảo đã chọn ra thí sinh bước vào top 6 gồm: Cao Thị Cúc (Khoa Vật Lý), Mông Văn Hào (Khoa Giáo dục thể chất), Lê Lan Ly (Khoa Ngữ Văn), Thân Thị Lan Anh (Khoa Toán), Nguyễn Quang Anh (Khoa Giáo dục thể chất), Vũ Thị Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học).
Chân thành tình cảm yêu nghề
Trong vòng thi ứng xử, nhiều câu hỏi về chủ đề Sư phạm đã được Ban tổ chức đặt ra để các thí sinh thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình như: Nếu được chọn lại, bạn có chọn nghề Sư phạm không?, Bạn hiểu Sư phạm là gì?, Người giáo viên cần có những phẩm chất và kỹ năng gì?...
Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi tài sắc Sư phạm so với những cuộc thi nét đẹp sinh viên khác khi các thí sinh đều chân thành bày tỏ sự yêu mến, ước mơ của mình với nghề giáo viên - nghề cao quý chèo lái con thuyền tri thức cho thế hệ học trò.
Trên sân khấu đèn hoa rực rỡ, mỗi sinh viên đều như hồi tưởng lại những suy nghĩ đầu tiên khi đặt bút lựa chọn ngành Sư phạm để theo học, gắn bó. Và hôm nay, họ tỏa sáng với hành trang kiến thức có được sau một thời gian trau dồi dưới mái trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.
Hài lòng với kết quả
Sau các phần thi, nữ sinh khoa Vật Lý - Cao Thị Cúc đã xuất sắc đoạt giải nhất và cũng là thí sinh được khán giả yêu thích nhất qua tổng đài tin nhắn Viettel, 2 giải nhì thuộc về Nguyễn Quang Anh và Vũ Thị Thu Hương, giải ba là 3 thí sinh còn lại trong Top 6.
Xúc động và dâng trào niềm hạnh phúc, Cao Thị Cúc không giấu được những giọt nước mắt khi chia sẻ cảm xúc của mình: Ngay lúc này đây, em muốn nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng tới gia đình - những người luôn động viên em, cảm ơn bạn bè - những người đã đồng hành, ủng hộ em trong suốt cuộc thi, thầy cô - người chỉ bảo ân cần, hướng dẫn em từ việc nhỏ nhất, để em được là thí sinh may mắn đạt giải nhất ngày hôm nay.
Đồng thời, Ban giám khảo cũng chọn và quyết định trao giải thí sinh ứng xử tốt nhất cho Thân Thị Lan Anh (Khoa Toán).
Với câu hỏi: "Đâu là lý do bạn chọn nghề Sư phạm?", Lan Anh chân thành chia sẻ: Ngay từ ngày còn nhỏ, em đã thích được trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Lý do em chọn nghề Sư phạm cũng chính là hình ảnh người mẹ luôn hiện hữu trong em. Mẹ em là một cô giáo rất dịu dàng, hiền hậu và yêu học trò. Ước mơ của em bắt đầu từ đó...
Cả hội trường reo hò trong niềm hân hoan, đâu đó thoáng gợn nỗi buồn khi bạn mình không phải là quán quân, nhưng ai nấy đều hài lòng về kết quả công tâm của cuộc thi.