Quyết đưa “bánh mì” vào từ điển Oxford

Trần Thanh Vân - Sinh năm 1984, cựu sinh viên Kinh tế – Chính trị (Trường ĐH Oxford) đã dành hết tâm huyết để xây dựng nên một thương hiệu ẩm thực Việt ngay giữa thủ đô London của nước Anh.

Quyết đưa “bánh mì” vào từ điển Oxford

Chọn “bánh mì”

Thành lập thương hiệu Bếp Collective, Vân chọn bánh mì Việt làm chủ đạo để chinh phục thị trường châu Âu. Ban đầu, nhiều người nghĩ đó là lựa chọn an toàn. Nhưng, để tìm được vị trí cho bánh mì Việt giữa muôn vàn nền ẩm thực khác tại Anh, đó là cả một hành trình.

Sinh ra tại Hà Nội nhưng sau đó, Vân theo gia đình sinh sống tại Thụy Điển. Cô theo đuổi chương trình học phổ thông tại Mỹ, hoàn thành bằng cử nhân và sinh sống tại Anh.

Với một nền tảng đa văn hóa như thế, Thanh Vân có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, nắm bắt nhanh xu hướng ẩm thực thế giới. Lý do chọn bánh mì bởi trong mắt Vân, đây là một tổng thể hài hòa. Bên ngoài, bánh mì mang cái nhìn rất phương Tây, nhưng “nội dung” bên trong từng ổ bánh là hương vị Việt Nam đậm đà.

Hiện nay, thương hiệu Bếp Collective đã có 3 tiệm “Bánh mì 11” tại khu chợ Broadway, phố Old, phố St Paul và một nhà hàng “Bếp Haus” tại phố Bow Lane.

Để có được thành công như thế, từ những ngày đầu, Thanh Vân đã xây dựng thương hiệu trên những chuyến xe đạp bán bánh mì khắp chợ.

Vân cùng cộng sự tìm kiếm địa điểm để bán. Khu chợ Broadway tại London là địa điểm lý tưởng. Nơi này tập trung những quầy ẩm thực nhộn nhịp, gợi cho Vân ký ức tuổi thơ, khi cô bạn theo mẹ đi chợ mỗi buổi sáng ở “chợ Âm phủ” nổi tiếng một thời tại Hà Nội.

Buổi sáng, Vân vẫn đi làm tại ngân hàng. Tối về, cô tất bật chuẩn bị nguyên liệu cho xe bánh mì đầu tiên. Nhiều hôm, Thanh Vân phải chạy cật lực để hoàn thành công việc, kể cả làm sổ sách cho chủ chợ để có được một quầy hàng tại đó. Sau một thời gian, lượng khách đông dần và nguồn thu nhập ổn định. Ba năm sau, cửa hàng “Bánh mì 11” đầu tiên ra đời.

 Thương hiệu “Bánh mì 11” của Vân.

Thương hiệu “Bánh mì 11” của Vân.

Tuy vậy, để bánh mì Việt trở thành món ăn của người bản địa không hề đơn giản. Vân cho biết: “Ba năm cho một thương hiệu không quá dài nhưng đó là một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, con người, văn hóa. Khách hàng bản địa rất khó thuyết phục.

Với kinh nghiệm của mình, thức ăn Việt khó trở thành thức ăn nhanh vì người Việt vốn ăn chậm, nhai kỹ. Mọi thứ đều được chăm chút, mất nhiều công sức và công đoạn cho từng món ăn. Do đó, nó không phù hợp với nhịp sống nhanh của các đô thị phát triển.

Mình cùng cộng sự phải tìm ra phương pháp để tạo ra quy trình chế biến và phục vụ thông minh, hiệu quả nhất. Sau nhiều thử nghiệm, tụi mình thành công.

Tất nhiên, vẫn phải giữ nguyên hương vị tươi ngon và độc đáo của bánh mì Việt. Mình rất tự hào khi “Bánh mì 11″ là thương hiệu đi tiên phong xây dựng mô hình bán thức ăn Việt đầu tiên tại Anh”.

Xây dựng một thương hiệu, nhiều lúc Vân cũng lo sợ. Tuy vậy, Thanh Vân cho rằng mình là người sáng tạo, thay vì là một doanh nhân.

“Mỗi khi thực hiện điều gì, mình luôn mày mò, tự cuốn mình vào những điều mới mẻ. Nếu bản thân quá e ngại, chắc hẳn đã không có Bếp Collective. Với các món ăn tại nhà hàng, mình gia giảm cho hợp khẩu vị thực khách nhưng những gì đặc trưng nhất phải được giữ nguyên” - Vân nói.

Tự nhận bản thân là người rất khắt khe và duy mỹ nên tất cả mọi thứ Vân đều trau chuốt tỉ mỉ. Đó cũng là điểm gây khó khăn cho cô. Khi tìm kiếm nguyên liệu cho thực đơn nhà hàng, Vân đi khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm được nhà phân phối gia vị, tìm nguồn cung nước mắm…

Thanh Vân quyết tâm ghi danh từ “Bánh mì” vào Từ điển Oxford như món bánh mì “Naan” của Ấn Độ hay bánh “Xá xíu” của người Trung Hoa.

Truyền “không khí” Việt

Bắt tay xây dựng thương hiệu khi tuổi đời còn rất trẻ và bỏ ngang công việc ổn định, nhiều người cho đây là quyết định liều của Vân. Nhưng cô may mắn được gia đình ủng hộ.

Trong chặng đường dài lập nghiệp nơi xứ người, bước ngoặt lớn nhất của Vân là sự ra đi của mẹ vì bệnh ung thư, nguyên nhân từ chế độ ăn uống và thực phẩm.

“Tại thời điểm đó, sự ra đi của mẹ đã thay đổi nhiều suy nghĩ trong mình. Trong suốt hành trình du học, đi làm, một mình Vân qua nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Những bữa ăn vội khiến mình đặt câu hỏi: Tôi đã làm gì cho bản thân mình? Và mình muốn xây dựng một sự nghiệp ẩm thực quan tâm đến sức khỏe cộng đồng” - Thanh Vân tâm sự.

Để có chuỗi nhà hàng ẩm thực thành công tại Anh, Vân đã phải đánh đổi nhiều thứ. Nhiều người bạn của Vân đã có cuộc sống ổn định. Trong khi, cô vẫn rong ruổi vì công việc. Tuy thế, Vân không hối hận với lựa chọn.

“Nhiều bạn trẻ không đủ can đảm chọn cho mình hướng đi độc lập. Mình may mắn khi có thể tự vạch ra con đường riêng. Giấc mơ không thành hiện thực sau một đêm. Biến giấc mơ thành sự thật có thể là điều khó nhất chúng ta làm trong đời.

Sau cánh cửa giảng đường, con đường đi đến thành công không bao giờ bằng phẳng và bạn không thể dự đoán. Điều Vân học được nhiều nhất là thành quả cá nhân được đánh giá dựa trên việc mình giúp được bao nhiêu người khác thành công. Khi đủ can đảm để sống với đam mê của mình, đó đã là một thành công đáng được trân trọng”, Vân chia sẻ.

 Một góc nhà hàng “Bếp Haus” của Vân.

Một góc nhà hàng “Bếp Haus” của Vân.

Tổng số nhân viên của hệ thống Bếp Collective hiện có khoảng hơn 30 người, đa phần là sinh viên Việt Nam. Các bạn chính là những người làm cho “Bếp Haus” thêm ấm cúng, mang nhiều màu sắc quê nhà, là những người truyền không khí Việt Nam đến cho khách hàng.

Hơn ai hết, các bạn trẻ Việt hiểu giá trị trong từng món ăn, trân trọng nó và truyền cảm hứng cho thực khách quốc tế.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ