Quyền lực Trinh nữ Vestal

GD&TĐ - La Mã cổ đại là xã hội gia trưởng nhưng cũng chính tại đây, xuất hiện nhóm phụ nữ được tôn kính như thần thánh: Trinh nữ Vestal.

Trinh nữ Vestal giữ ngọn lửa trong Đền Vesta cháy sáng suốt năm. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net
Trinh nữ Vestal giữ ngọn lửa trong Đền Vesta cháy sáng suốt năm. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net

Họ sở hữu vị trí tối cao, tiền tài vô tận, cuộc sống nhàn nhã và cả quyền tha chết cho phạm nhân bị kết án tử hình. Tuy nhiên, quyền lực tối thượng này cũng phải đổi bằng cái giá cực đắt.

Người giữ lửa

Trinh nữ Vestal là nhóm 6 phụ nữ phụ trách giữ lửa đền thờ Nữ thần Lò sưởi Vestal. Theo khám phá khảo cổ, từ khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, La Mã thịnh tục thờ lửa. Họ xây dựng đền thờ to đẹp, thắp lên ngọn lửa được xem như hiện thân của Nữ thần Vestal, duy trì nó cháy sáng liên tục và tin tưởng ngọn lửa này chính là đại diện cho vận mệnh quốc gia.

Đền thờ Nữ thần Vestal có tên là Đền Vesta, nằm trong Công trường La Mã (quảng trường chữ nhật được bao quanh bởi các kiến trúc quan trọng tại trung tâm thành phố Roma). Cách nó không xa là nơi ở của các Trinh nữ Vestal - Atrium Vestae, tòa cung điện 3 tầng, 50 phòng, có giếng trời, sân rộng, hồ bơi đôi và cả khu rừng thiêng rộng lớn.

Người sáng lập tín ngưỡng thờ lửa ở La Mã có khả năng là Hoàng đế Numa Pompilius (753 - 673 trước Công nguyên), vị vua thứ 2. Ông tạo ra tín ngưỡng này để tôn vinh phụ hoàng, vị vua đầu tiên của La Mã – Romulus (? - ?) và Thái hậu Rhea Silvia, người mà theo thần thoại dân gian thì đã bị Thần Mars (thần chiến tranh) cưỡng bức.

Tuy bắt đầu từ thế kỷ XVIII trước Công nguyên nhưng phải đến thế kỷ VI trước Công nguyên, tục thờ lửa mới thành tín ngưỡng toàn La Mã và xuất hiện Đền Vesta cũng như nhóm Trinh nữ Vestal. Hàng năm, vào tháng 3, Đền Vesta tổ chức nghi lễ tái thắp ngọn lửa vĩnh cửu.

Từ thời điểm này cho đến tháng 3 năm sau, nhóm Trinh nữ Vestal phải cẩn trọng giữ cho ngọn lửa cháy sáng liên tục. Đây là nhiệm vụ tối quan trọng, nếu lơ là để ngọn lửa bị tắt thì có thể phải đánh đổi bằng cả tính mạng.

quyen-luc-trinh-nu-vestal-2.jpg
Sống chết của Trinh nữ Vestal do ngọn lửa mà họ đang trông nom và tình hình chính trị quyết định. Ảnh minh họa: Romaoptima.com

Quyền lực tối cao

Bên cạnh trông nom ngọn lửa, nhóm Trinh nữ Vestal còn phụ trách tổ chức và tham gia các lễ hội quan trọng của quốc gia, đặc biệt là lễ hội mùa màng. Họ không chỉ được dân chúng sùng kính, mà còn được hoàng cung coi trọng, ban tặng vô số đặc ân, đặc quyền.

Ngoài cung điện Atrium Vestae, nơi ở chung cực kỳ cao sang, tiện nghi, các Trinh nữ Vestal còn có tài sản riêng. Trinh nữ Vestal tên là Licinia sống ở khoảng cuối thế kỷ II đầu thế kỷ I trước Công nguyên còn sở hữu tòa thành to đẹp đến mức khiến cho người giàu nhất đương thời là Tướng Crassus (115 - 53 TCN) phải thèm thuồng.

Trinh nữ Vestal được kính trọng và tôn thờ như Nữ thần Vestal. Năm 222 sau Công nguyên, Hoàng đế Elagabalus (203 - 222) đã bị chính đội cận vệ của mình giết và lăng nhục thi thể vì ông dám ngang nhiên xâm phạm Trinh nữ Vestal tên là Aquilia Severa.

Mỗi Trinh nữ Vestal đều có hộ vệ kiêm hầu cận là Lictor. Khi ở nơi công cộng, họ được Lictor bảo vệ tuyệt đối và khi cần di chuyển, họ được Lictor đánh xe ngựa chở đi. Ngoài thu nhập hàng năm, họ còn có lương hưu và quyền ân xá tù nhân, quyền bảo hộ cho các nhân vật chính trị lớn như Marc Antony (83 – 30 trước Công nguyên), Julius Caesar (100 – 44 trước Công nguyên)…

Đặc biệt, các Trinh nữ Vestal được miễn thuế, miễn vạ lây (khi có người nhà phạm trọng tội), được lập di chúc, không cần tuyên thệ và có quyền tự biện minh trong trường hợp bị tố tội. Trinh nữ được xem như đại diện của các Trinh nữ Vestal, Tuccia từng bị kết tội vì ngọn lửa bà đang phụ trách giữ đột nhiên bị tắt. Trước tòa, bà kịch liệt phản bác và đòi được chứng minh sự vô tội.

Tòa án đã yêu cầu Trinh nữ Vestal Tuccia múc nước sông Tiber bằng rây, bê đến đền thờ và nếu bà có thể khiến cho không một hạt nước nào lọt ra khỏi rây thì được công nhận vô tội. Kết quả, Tuccia đã thành công vượt qua thử thách. Bà không chỉ trở thành huyền thoại sống trong La Mã đương thời mà còn bất tử trong nghệ thuật sau này.

Sự đánh đổi đắt đỏ

Xuất thân của Trinh nữ Vestal rất cao, không chỉ phải là con cháu tầng lớp thượng lưu, mà còn phải là con cháu của những quý tộc có danh tiếng tốt nhất. Kể từ năm 6 – 10 tuổi, họ được tuyển chọn theo tiêu chí ngoại hình xinh đẹp, thể chất không khiếm khuyết, tinh thần mộ đạo và đưa vào Atrium Vestae.

Trong Atrium Vestae, các Trinh nữ Vestal có 10 năm học tập kiến thức (chủ yếu là cách thắp và giữ lửa), 10 năm làm người giữ lửa và 10 năm làm giáo dục (dạy dỗ các Trinh nữ Vestal nhỏ tuổi), tổng cộng 30 năm cống hiến. Sau 30 năm này, họ được nghỉ hưu, rời khỏi Atrium Vestae và có quyền kết hôn.

Kể từ lúc bước chân vào Atrium Vestae, Trinh nữ Vestal phải thề giữ thân trong sạch suốt thời gian sống ở đây, tức là 30 năm. Nếu trong thời gian này, họ bị phát hiện thất thân hoặc tố cáo thất thân mà không phản biện được thì đều bị trừng phạt khắc nghiệt. Luật lệ La Mã quy định cấm xúc phạm, xâm hại, bạo lực Trinh nữ Vestal nên hình phạt đưa ra cho người thất thân là nhốt và bỏ mặc đến chết.

Nhà tù của Trinh nữ Vestal là căn phòng xây bằng đá dưới cổng thành kinh đô, bên trong chỉ đặt một chiếc giường nhỏ và một ít thực phẩm là bánh mỳ và sữa. Khi bị đưa vào đây, Trinh nữ Vestal phải hối lỗi triền miên và sau khi đã hết thức ăn thì phải chịu đói khát đến chết.

Năm 114 trước Công nguyên, 3 Trinh nữ Vestal là Aemilia, Licinia và Marcia bị tố cáo thất thân. Ban đầu, chỉ có Aemilia bị kết tội nhưng sau đó, cả Marcia cũng bị kéo theo vì “áp lực đám đông” (người ta sợ rằng chỉ 1 người là không đủ xoa dịu thần linh).

Năm 91 sau Công nguyên, Trinh nữ Vestal tên là Cornelia còn bị Hoàng đế Domitian (51 – 96 sau Công nguyên) đổ thừa phạm tội loạn luân. Những người bị đổ tội “quan hệ trác táng” với bà bị đánh đập đến chết, còn bà thì bị khiêng xuống nhà tù dành riêng chôn sống.

Nghiêm trọng nhất là La Mã lấy tình trạng của ngọn lửa trong Đền Vesta đoán định tình trạng trinh tiết của Trinh nữ Vestal. Bất kể ngọn lửa này bị tắt vì nguyên nhân nào cũng đều quy cho trinh nữ đang phụ trách giữ lửa đã thất thân và trừng phạt khắc nghiệt.

Chưa hết, nếu kinh thành hoặc đất nước sắp bị chiến tranh hoặc rơi vào loạn lạc, Trinh nữ Vestal cũng là người đầu tiên bị đổ tội, bất kể tình trạng ngọn lửa họ đang giữ. Năm 228 trước Công nguyên, khi phải đối mặt với cuộc xâm lược của người Gallic, năm 216 trước Công nguyên, khi bị Tướng Hannibal hành quân ngang qua…, La Mã đều đổ lỗi cho Trinh nữ Vestal và chôn sống một số người.

Theo ancient-origins.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.