Dạ thiện bất thường của các hoàng đế La Mã

GD&TĐ - Bữa tối trong hoàng cung là phương tiện để các hoàng đế La Mã thể hiện sự giàu có và quyền lực nên không ít người đã lạm dụng nó.

Các hoàng đế La Mã xem bữa tối như phương tiện thể hiện quyền lực. Ảnh: Atlasobscura.com
Các hoàng đế La Mã xem bữa tối như phương tiện thể hiện quyền lực. Ảnh: Atlasobscura.com

Họ không ngờ đến một điều là sự đố kị, khó chịu trên bàn ăn cũng gây nên họa sát thân.

Phiền phức và ép buộc

Hoàng đế đầu tiên được ghi nhớ như “tín đồ của dạ thiện” là Augustus (63 TCN - 14 SCN) và ông cũng chính là hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã. Từ khi còn là tướng trẻ trong bộ Tam hùng (cùng với Aulus Hirtius và Gaius Vibius Pansa Caetronianus), ông đã bất chấp các quy tắc đạo đức thông thường để tổ chức bữa ăn tối thường nhật vô cùng xa hoa mang tên “12 vị thần”.

Đúng như cái tên “12 vị thần”, khách tham gia bữa tối thường nhật của Augustus phải ăn mặc trang phục tương tự như các nam thần và nữ thần được miêu tả trong các câu chuyện thần thoại La Mã. Riêng Augustus luôn vào vai thần Apollo. Sau này, khi đã lên ngôi, ông mới lấy tư cách hoàng đế chủ trì dạ thiện.

Các món ăn chính trong bữa tối của Hoàng đế Augustus thường từ 3 - 6 món và không bữa tối nào lại thiếu các trò giải trí mua vui. Chúng bao gồm từ âm nhạc, ca múa đến diễn xiếc, kể chuyện…

Để tăng thêm sự hào hứng, hoàng đế còn đích thân bán đấu giá các tờ vé số do chính tay ông đặt giá trị lên. Giải thưởng của mỗi tờ rất khác nhau, khiến người mua có thể trúng lớn hoặc lỗ to và điều đó tạo ra tiếng cười.

Ban đầu, mọi người rất thích thú với bữa tối của Hoàng đế Augustus nhưng sau vài lần tham dự, họ nhận thức rõ nó xa xỉ, điên rồ và muốn từ bỏ. Sợ làm hoàng đế phật ý, hầu hết mọi người đều lẳng lặng ăn cho xong bữa và chỉ có một số ít người dám cầm theo cốc vàng rời đi.

Theo ký sử, những người dám bỏ ngang bữa tối của hoàng đế đều bị mời trở lại vào ngày hôm sau và, thay vì cốc vàng, họ chỉ được phục vụ nước uống trong cốc bằng gốm.

Sau Hoàng đế Augustus, các quan lại của Đế quốc La Mã còn khổ sở vì bữa tối của Hoàng đế Vespasianus (9 - 79 SCN). Nếu Augustus say đắm giả thần thì Vespasianus ưa giả quỷ.

Bữa tối của ông luôn đầy những trò đùa bậy bạ và hành động khiếm nhã. Lắm lúc, Vespasianus còn mang cả công việc trị quốc vào bữa ăn. Nếu gặp phải chuyện không như ý, ông xé công văn, đập vỡ cốc, ném đồ đạc… khiến người đang ăn tối cùng phải kinh hồn bạt vía.

Hoàng đế Nero (37 - 68 SCN) thì đầu tư hết vào Cung điện Nhà Vàng để làm ra “các phòng ăn với trần bằng ngà voi, có các tấm ván có thể xoay và thả hoa xuống cùng các ống nước chảy ra nước hoa”. Sảnh tiệc chính của Nhà Vàng hình tròn và “suốt ngày đêm không ngừng quay tròn như thiên đường”.

Một số hoàng đế La Mã, ví dụ như Hoàng đế Galba (3 TCN - 69 SCN), Hoàng đế Vitellius (15 - 69 SCN)… còn có thói ăn cực xấu là “tham ăn tục uống”. Đĩa ăn của Vitellius mang kích thước khổng lồ, được đích thân ông đặt tên là “Tấm khiên của Minerva”.

Mỗi tối, Vitellius chất lên chiếc đĩa này đủ thứ món từ quý hiếm như gan cá chó, óc gà lôi, lưỡi chim hồng hạc, tinh trùng cá mút đá… đến các món ăn thông thường. Mỗi ngày, Vitellius ăn ít nhất là 4 bữa và tối nào cũng nhậu nhẹt nên ông liên tục phải uống thuốc gây nôn để chữa bội thực.

Quái gở và cái kết bất hạnh

Hoàng đế Vitellius phải uống thuốc gây nôn liên tục vì quá 'tham ăn tục uống'. Ảnh: Atlasobscura.com

Hoàng đế Vitellius phải uống thuốc gây nôn liên tục vì quá 'tham ăn tục uống'. Ảnh: Atlasobscura.com

Với la liệt thức ăn và vô số trò tiêu khiển, dạ thiện của các hoàng đế La Mã tất nhiên tốn kém cực nhiều tiền. Để giải quyết vấn đề tài chính bữa tối, Hoàng đế Tiberius (42 TCN - 37 SCN) đưa ra tuyệt chiêu tái dụng thịt thừa (rất không an toàn vì thời đại này chưa có bảo quản thực phẩm), Hoàng đế Nero (37 - 68 SCN) thì ép người tham gia phải trả tiền.

Thường thì, khách dạ thiện của Nero phải bỏ ra khoảng 4 triệu sester (tương đương 2 triệu USD ngày nay) cho một bữa ăn. Trong trường hợp dạ thiện của hoàng đế này được tổ chức trong vườn hồng hoặc phục vụ đồ uống có hương hoa hồng, số tiền họ phải trả còn cao hơn nữa.

Hoàng đế Vitellius “tham ăn tục uống” thì dùng mưu kế khiến người khác mời. Bữa tối xa hoa nhất mà ông khiến người khác, cụ thể là anh trai của ông, phải tổ chức là dạ tiệc chào mừng chính ông đến Rome. Nó được kể là đã sử dụng đến 2.000 con cá và 7.000 con chim để làm món.

Không triều thần La Mã nào lại thích một bữa ăn mà họ vừa phải tốn quá nhiều tiền vừa phải nhìn sắc diện của hoàng đế nhưng, vì sợ hãi, họ không dám từ chối khi được mời.

Vậy mà, sự khoa trương và phiền phức của các đấng đế quân lại không hề có điểm dừng. Theo ghi chép sử, Hoàng đế Caligula (12 - 41 SCN) còn táng tận đến mức bắt cha mẹ của người vừa bị ông hành quyết đến dùng bữa cùng và ép họ phải quan hệ tình dục sau khi ăn xong.

Hoàng thúc của Hoàng đế Caligula, Claudius (10 TCN - 54 SCN) thì hở ra cái là đòi mở đại dạ tiệc mời hàng trăm khách, có lần lên đến 600 người. Ông ưa phong cảnh ven hồ Fucine thường xuyên bị nước tràn nên đã hạ lệnh xây dựng công trình thoát lũ chỉ để lấy nơi mở tiệc.

Có một lần, cửa chặn đập đã bị vỡ ngay trong lúc Claudius đang tưng bừng tiệc tối và nước tràn vào, khiến ông suýt nữa thì bị chết chìm.

Mặc dù tránh được nạn chết chìm nhưng Claudius lại không tránh được bị đầu độc. Năm 54 SCN, người vợ thứ 4 của ông, Julia Agrippina (15 - 59 SCN) đã bỏ nấm độc vào trong dạ thiện để ám sát ông nhằm đưa con trai của bà là Nero lên ngôi. Claudius đã ăn phải món ăn buổi tối có độc này rồi tử vong.

Theo Atlasobscura

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ