Học giả Hy Lạp - La Mã huyền thoại Claudius Ptolemy (100 - 178 sau Công nguyên) viết trong cuốn sách giá trị nhất của ông, Địa lý (Geography) rằng các thương nhân La Mã đã giao dịch đến tận phố cảng Cattigara nằm ở cửa sông Cottaris. Tên Tiếng Việt của 2 địa danh này nhiều khả năng là Óc Eo và Cửu Long.
Bằng chứng khảo cổ
Ptolemy để lại rất nhiều tri thức về toán học, thiên văn, địa lý và âm nhạc. Đương thời, ông là học giả được kính trọng nhất và tác phẩm “Địa lý” của ông liệt kê, miêu tả hơn 3 nghìn địa danh. Theo ghi chép của ông, các thương nhân kiêm thủy thủ của La Mã không ngại thực hiện những chuyến đi buôn đầy nguy hiểm, xa xôi. Họ đã tới được tận Ấn Độ và xa hơn nữa.
Địa điểm xa nhất trên hành trình đi về phía Đông của các thương nhân La Mã mà học giả Ptolemy viết là Bán đảo Vàng (Chryse Chersonesos) và tại đây, họ giao dịch tại thành phố cảng Cattigara gần cửa sông Cottaris.
Năm 1942, nhà khảo cổ người Pháp là Louis Malleret (1901 - 1970) đã phát hiện và khai quật tàn tích đô thị cổ tại cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, An Giang.
Ông lấy luôn tên của một gò đất trên cánh đồng này là Óc Eo đặt cho khu tàn tích. Mặc dù hoạt động khai quật bị gián đoạn bởi Thế chiến II (1939 - 1945), nhưng nhà khảo cổ Malleret vẫn có được một số thành tựu, trong đó nổi bật nhất là những đồng xu La Mã thuộc thế kỷ II SCN.
Năm 2012, tàn tích Óc Eo được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Ở thời gian mà học giả Ptolemy sinh sống, Óc Eo có lẽ là kinh đô của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ I - III SCN).
Kết quả khai quật di tích Óc Eo cho thấy có một số tượng gốm, tiền xu, vàng miếng khắc hình các vị thần Hindu và chữ tiếng Phạn, chứng tỏ Phù Nam có giao lưu với Ấn Độ. Ngoài ra, còn một số món trang sức hao hao với các món có ở khu vực Địa Trung Hải cùng thời.
Trong khu vực Đông Nam Á nhưng ngoài địa điểm Óc Eo – Ba Thê, các nhà khảo cổ tìm thấy một số đồ gốm, chuỗi hạt bằng thủy tinh vàng La Mã. Hầu hết các địa điểm này đều nằm lân cận Đồng bằng sông Cửu Long. Xâu chuỗi các địa điểm và hiện vật chỉ ra, sông Cửu Long nói riêng và sông Mê Kông nói chung nhiều khả năng chính là Cottaris.
Thách thức kết luận
Một góc khu di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê. Ảnh: Badancient.com |
Bên cạnh bài viết của học giả Ptolemy, còn một số tư liệu cổ khác khẳng định người từ Đế chế La Mã đã đến châu Á. Theo Hậu Hán Thư ( 後漢書) của sử gia Phạm Diệp (398 - 445 SCN, Trung Quốc), những cá nhân này được Andun (hoàng đế La Mã) phái đi và nhiệm vụ của họ là làm thân với Trung Quốc, giúp hoàng đế kết bang giao, nói chung là giống như sứ giả.
Trước khi đến Trung Quốc, các sứ giả này đã lòng vòng khắp Đông Nam Á, thu thập những món đồ quý như ngà voi, sừng tê giác, mai rùa… làm cống phẩm, cuối cùng đi qua Nhật Nam (miền Trung Việt Nam), tiến vào Giao Chỉ (miền Bắc Việt Nam).
Trên hành trình tìm đến Trung Quốc của các sứ giả La Mã, Óc Eo trong tư cách kinh đô kiêm cảng biển thương mại quốc tế của Vương quốc Phù Nam đóng vai trò như điểm tạm dừng chân.
“Nơi đây nhiều khả năng là bến cảng cuối cùng của hải trình từ Đông Địa Trung Hải”, nhà sử học nổi tiếng George Coedes (1886 - 1969) viết trên Tạp chí Journal năm 1964.
Có một điểm giống nhau giữa Ptolemy và Phạm Diệp là cả 2 đều “nghe kể rồi viết lại”. Ptolemy thì nghe từ những thủy thủ kiêm thương nhân (họ truyền tai nhau các câu chuyện về buôn bán ở phương xa), còn Phạm Diệp thì nghe kể từ những người xung quanh. Nói cách khác, ghi chép của họ đều chưa đủ tính xác thực để làm bằng chứng.
Thêm vào đó, ghi chép của Phạm Diệp còn khá “chính trị hóa”. Nhiều người nghi ngờ, các sứ giả La Mã thực ra chỉ là các thương nhân liều lĩnh. Vì kiếm lợi, họ bất chấp vượt qua lãnh thổ Việt Nam đang trong thời kỳ Bắc thuộc đầy nguy hiểm, cố gắng đi xa nhất và đã đến được Lạc Dương, Trung Quốc, chứ không hề quan tâm đến chuyện bang giao.
Ngay cả đồng xu La Mã mà nhà khảo cổ Malleret tuyên bố tìm thấy tại Óc Eo cũng không hẳn đáng tin, vì ông không tự khai quật thấy ở nơi này mà chỉ mua lại từ người khác.
So với hải trình mà điểm cuối là hải cảng Óc Eo vẫn chưa được xác nhận thì hải trình khác nối liền La Mã với miền Tây Ấn Độ đã rõ ràng. Theo Vòng quanh biển Erythraean (Periplus of the Erythraean Sea), văn bản giống như “nhật ký đường biển” được viết trong thế kỷ I SCN thì thương gia kiêm nhà hàng hải Hippalus (thế kỷ I TCN, Hy Lạp) đã phát hiện có thể lợi dụng gió mùa để đi thuyền từ La Mã đến Ấn Độ bằng cách men theo bờ biển Erythraean (Biển Đỏ).
Hải trình này cho phép các thương nhân La Mã từ các cảng ở Ai Cập thuộc La Mã và các cảng khác dọc theo Sừng châu Phi, vịnh Ba Tư, biển Ả Rập, Ấn Độ Dương… kết nối với nhau. Sau khi dừng thuyền ở bờ biển phía Tây của Ấn Độ, họ băng qua đất liền và tiến vào Trung Quốc, mua gia vị, tơ lụa, trái cây, động vật hoang dã… bằng tiền La Mã và đem về nước.
Rất nhiều bằng chứng khảo cổ được tìm thấy dọc bờ biển Ấn Độ đã xác minh điều này. Theo ghi chép của học giả Gaius Plinius Secundus (23 - 79 SCN, Hy Lạp), tơ lụa từ Trung Quốc cực đắt, ít nhất cũng khiến La Mã phải mất 100 triệu sester (đồng vàng) mỗi năm để mua về.
Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào đủ chắc chắn để khẳng định người La Mã cổ đại đã tiếp xúc với người Phù Nam nói riêng và người Đông Nam Á nói chung. Các mẩu hiện vật và đồ tạo tác ít ỏi cho thấy có sự liên quan đến nhau giữa La Mã và Đông Nam Á nhiều khả năng chỉ là được mua bán, trao đổi qua một hoặc nhiều trung gian khác. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng họ đã từng đến tận Óc Eo thật.
“Dù không dám khẳng định Óc Eo chính là Kattigara hay Cửu Long chính là Cottaris, nhưng tôi cũng không dám phủ định”, Giáo sư khảo cổ kiêm chuyên gia về Vương quốc Phù Nam - Miriam Stark, Đại học Hawaii (Mỹ) nói.
So với bất cứ địa điểm nào đã được phát hiện, Óc Eo vẫn là ứng cử viên tiềm năng nhất. Các nhà nghiên cứu, khảo cổ đang chờ đợi và hy vọng ngày càng tìm thấy được nhiều bằng chứng mới hơn, để có thể đưa ra kết luận sau cùng.