Sinh thời, nhà văn Hữu Mai (1926 - 2007) đã chấp bút nhiều sách hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khoảng thời gian gần 30 năm. Trong đó điển hình là các ấn phẩm: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (1964), Từ nhân dân mà ra (năm 1966), Những năm tháng không thể nào quên (1975), Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử (2000)...
Thế nhưng, sau khi nhà văn Hữu Mai qua đời thì rắc rối nảy sinh vì ông không được công nhận là đồng tác giả.
Chuyện xảy ra vào tháng 5/2019, khi in 2 cuốn sách trong bộ hồi ký là Đường tới Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử cùng một số sách khác, NXB Thông tin Truyền thông không xin phép gia đình nhà văn Hữu Mai, chỉ đơn phương làm việc với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến năm 2020, gia đình nhà văn Hữu Mai phát hiện sự việc và đã liên hệ với đơn vị xuất bản. Sau đó, NXB Thông tin Truyền thông đã làm công văn xin lỗi gia đình nhà văn Hữu Mai, đồng thời đề nghị hủy hợp đồng đã ký kết giữa NXB và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mới đây, cuốn sách tự truyện “Trò chuyện với cõi vô hình” của bà Hoàng Thị Thiêm vừa được Thái Hà Books xuất bản, thì First News – Trí Việt đã có những phản ứng gay gắt cho rằng Thái Hà Books và bà Hoàng Thị Thiêm vi phạm bản quyền.
Theo First News, cuốn sách mà Thái Hà Books vừa ấn bản có nội dung tương tự 90% so với cuốn tự truyện “Trò chuyện với cõi vô hình” (cũng của tác giả Hoàng Thị Thiêm, người chấp bút là nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà) mà First News đã thực hiện hồi tháng 5/2017. Nhưng ở ấn bản vừa được Thái Hà Books phát hành, thì không còn tên của người chấp bút.
Trong khi đó, phía Thái Hà Books cho rằng cuốn sách “Trò chuyện với cõi vô hình” lần đầu tiên được xuất bản theo “Hợp đồng cho phép xuất bản tác phẩm” ký ngày 5/7/2016 giữa First News – Trí Việt và bà Hoàng Thị Thiêm đã khẳng định: Tác giả Hoàng Thị Thiêm là chủ sở hữu tác phẩm. First News – Trí Việt là bên xuất bản. Bà Nguyễn Thị Việt Hà là biên tập ghi chép và người làm công tác biên tập không được hưởng quyền tác giả.
Mặc dù khẳng định không sai về mặt pháp luật, nhưng Thái Hà Books cho rằng, để có thời gian các bên làm rõ được vai trò, quyền tác giả của tác phẩm này, nên đơn vị đã quyết định tạm dừng xuất bản cuốn sách cho tới khi việc tranh chấp trên được giải quyết rõ ràng về pháp lý.
Người viết sách tự truyện, hồi ký về cuộc đời của người khác thường được gọi là “người chấp bút”. Tuy nhiên quy định pháp luật lại không có khái niệm này. Luật chỉ quy định “tác giả” và “chủ sở hữu quyền tác giả”. Vì vậy, đã có những cách hiểu khác nhau, thậm chí gây tranh cãi xung quanh vấn đề này.
Theo các chuyên gia pháp lý, Luật Sở hữu trí tuệ quy định tác giả phải là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật. Cá nhân chỉ được coi là tác giả của tác phẩm nếu tác phẩm là kết quả sáng tạo trực tiếp của cá nhân đó.
Do đó, tác giả sáng tạo ra tác phẩm là người có quyền đứng tên trên tác phẩm. Quyền này không thể chuyển giao cho người khác, dù các bên có thỏa thuận. Thế nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn người chia sẻ câu chuyện chính là tác giả.