Hướng tới kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1974 – 27/7/2016), tối ngày 16-7 đã diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Tri ân đồng đội – Vang mãi khúc quân hành”. Chương trình ngoài sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo thì còn có đông đảo các cựu chiến binh, đại diện thân nhân gia đình các liệt sỹ tham dự.
“Tri ân đồng đội – Vang mãi khúc quân hành” lẽ ra sẽ không có “sạn” cho tới chiều ngày 18-7, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) lên tiếng về những thiếu sót của VTV khi sử dụng và biên tập lại tác phẩm của ông mà chưa xin phép.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.
Theo đó, chương trình “Tri ân đồng đội – Vang mãi khúc quân hành” phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1 vào đêm ngày 16-7 có sử dụng một trích đoạn trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” của ông làm đoạn dẫn vào ca khúc “Đồng đội ơi” mà không nói gì với tác giả. Cụ thể là đoạn thơ: “"Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/ Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò thương về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...”.
Không xin phép và cũng không trích nguồn, “điều đáng trách hơn là họ đã tự ý sửa lại thơ tôi bằng cách thay chữ “mười nghìn” thành chữ “nghìn vạn” trong tất cả các câu trích ở trên. Ví dụ: “Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn” được sửa lại thành: “Nghìn vạn Trường Sơn trong một Trường Sơn".... Tôi sử dụng chữ ‘mười nghìn’ trong bài thơ có ý nghĩa của nó. Nó vừa là con số cụ thể vừa là một con số biểu trưng cho sự hi sinh của những người con đã ngã xuống vì dân tộc. VTV sửa “mười nghìn” thành “nghìn vạn” như thế rất là vô lý. Chữ “nghìn vạn” sao lại ở đây được?”, nhà thơ gốc Quảng Trị nói.
Chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Hữ Quý về những thiếu sót của VTV.
Về nguồn gốc ra đời bài thơ “Khát vọng Trường Sơn”, nhà thơ chia sẻ, năm 1996, Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời ông tham gia Trại viết ở Đồ Sơn do nhà thơ Vương Trọng làm trại trưởng. Trong một buổi tối cách ngày kết thúc Trại viết khoảng một tuần, sau khi về phòng ông không ngủ được. Gần sáng, tự nhiên, chẳng hiểu sao hình ảnh những nấm mộ ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn cứ hiện lên chập chờn và mỗi lúc một rõ.
Đây là nghĩa trang quy tụ hơn 10,000 phần mộ liệt sỹ, những nấm mộ rất giống nhau, mỗi nấm mộ là một ngôi nhà của người liệt sỹ. Và những câu thơ đầu tiên của bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” cứ thế ra đời. Đến 4 giờ sáng thì hoàn thiện. Bài thơ này sau đó được trao giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 và được ba nhạc sĩ gồm Phạm Tuyên, Văn Chừng và Võ Thế Hùng phổ nhạc.
Nhà thơ quân đội nói thêm, ông cũng không khó khăn gì chuyện VTV sử dụng thơ của mình vào một chương trình đặc biệt như thế này. “Họ không xin phép cũng được nhưng nếu đưa vào thì ít nhất cũng phải trích nguồn rõ ràng và nhất là không nên tự ý gọt đẽo thơ tôi như vậy”.
Sau khi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ điều đáng buồn này trên trang facebook cá nhân của mình thì nhận được nhiều bình luận của bạn bè, trong đó đáng chú ý là lời chia sẻ của nhạc sỹ Quỳnh Hợp.
Nữ nhạc sỹ viết: “Chương trình hôm đó có dùng ca khúc ‘Đồng đội ơi’… ghi tác giả là Quỳnh Hợp. Nhưng bài đó không phải bài của em. Biên tập như vậy là rất ẩu”.
Ca khúc "Đồng đội ơi" của nhạc sỹ Nguyễn Giang, phổ thơ Trương Vĩnh Tuấn.. tự dưng thành của nhạc sỹ Quỳnh Hợp.
Được biết, ca khúc “Đồng đội ơi” do nhạc sỹ Nguyễn Giang phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn. Tuy nhiên, trên generique (đoạn giới thiệu bằng chữ tên các thành phần, nguồn gốc –PV) ca khúc này, tác giả lại là nhạc sỹ Quỳnh Hợp.
Theo tìm hiểu, tại Điều 26 và điều 32 của Luật Sở hữu Trí tuệ cho phép các tổ chức phát thanh, phát hình được thực hiện sử dụng bài thơ này lên sóng mà không cần xin phép tác giả, tuy nhiên phải trả nhuận bút và thù lao cho tác giả tùy vào mức độ sử dụng tác phẩm. VTV đã vi phạm bản quyền khi thay đổi từ "mười nghìn" thành "nghìn vạn" mà không hỏi ý kiến tác giả và không ghi nguồn trích. Cái này là vi phạm quyền nhân thân, làm sai khác tác phẩm mà không được sự đồng ý của tác giả. Như vậy có thể thấy, về quyền kinh tế VTV không sai, nhưng quyền nhân thân VTV đã vi phạm.
Được biết, trong chương trình “Tri ân đồng đội – Vang mãi khúc quân hành”, không chỉ có thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý mà rất nhiều đoạn thơ tự dưng trở thành thơ “vô danh”. Cộng với sự cẩu thả trong việc chú thích sai tên tác giả của một ca khúc nổi tiếng về đề tài người lính, VTV đã thể hiện sư thiếu chuyên nghiệp trong một chương trình tưởng niệm linh thiêng như thế này.
Điều 26. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao
1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Điều 32. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao
1. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân;
b) Tự sao chép một bản nhằm mục đích giảng dạy, trừ trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy;
c) Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin;
d) Tổ chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát sóng.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
(Luật Sở hữu Trí tuệ)