Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm: Tạo chuyển biến từ 'máy cái'

GD&TĐ - Muốn đảm bảo thành công quá trình đổi mới giáo dục đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW cần đổi mới cơ chế quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Giờ học tại Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Giờ học tại Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

Theo các chuyên gia, cần quy hoạch mạng lưới trường sư phạm theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, tập trung vào trường trọng điểm - những “máy cái” của hệ thống.

Mạng lưới dàn trải

Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035” do GS.TS Phạm Hồng Quang - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) làm chủ nhiệm được nghiệm thu năm 2021. Thực hiện từ cuối năm 2017, hoàn thành trong năm 2020, mục tiêu của đề tài là đề xuất mô hình quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Chồng chéo, bất cập trong nhiệm vụ đào tạo giữa các trường đại học sư phạm và trường có đào tạo sư phạm hiện nay được nhiều người nhắc đến. Cụ thể, ngành sư phạm về thể chất, nghệ thuật, mầm non đang được nhiều trường đào tạo. Điều này gây ra những bất cập trong việc tuyển sinh, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Theo nghiên cứu trên, Việt Nam có 111 cơ sở đào tạo giáo viên, gồm các trường đại học, cao đẳng. Trong đó, 14 trường đại học sư phạm (5 trường đại học sư phạm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh; 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật; 2 trường đại học sư phạm thể dục thể thao; 1 trường đại học sư phạm nghệ thuật). Ngoài ra, cả nước có 48 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 30 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương và 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, sự phân bổ trường sư phạm quá dàn trải về địa lý, đều khắp vùng, miền, địa phương trong cả nước. Sự kết nối giữa các trường chưa thực sự tốt, không tạo thành mạng lưới thống nhất và phối hợp hiệu quả trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giảng viên giữa các ngành đào tạo và giữa trường theo vùng, miền không đồng đều. Hầu hết giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học tập trung tại trường sư phạm ở thành phố lớn, đặc biệt tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Trường sư phạm địa phương thiếu giảng viên đầu ngành có trình độ cao nhưng thừa giảng viên trình độ trung bình và thấp.

Cơ sở vật chất của phần lớn trường sư phạm khó đáp ứng cho việc giảng dạy, đào tạo, nâng cao chất lượng. Nguồn tài chính hạn chế, chưa huy động được nguồn ngoài ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự bất cập giữa chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm với nhu cầu đào tạo giáo viên. Từ năm 2013 - 2020, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra.

Từ những hạn chế trên, nhóm nghiên cứu của GS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất cần phát triển mạng lưới các trường sư phạm với cơ chế trách nhiệm, phối hợp cụ thể của mỗi trường; trong đó chú trọng vai trò đầu mối chịu trách nhiệm kết nối, phát triển hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của một số trường sư phạm “đầu đàn” có chất lượng. Mạng lưới trường sư phạm cần hình thành gồm trường sư phạm trọng điểm, trường sư phạm chủ chốt và trường sư phạm vệ tinh.

Theo đó, lộ trình thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2020 - 2025 là hình thành được 2 trường đại học sư phạm trọng điểm: Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn tiếp theo (năm 2026 - 2030), có thể hình thành thêm một số trường đại học sư phạm trọng điểm khác.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Tùng

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Tùng

Sớm kiện toàn hệ thống

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh phân tích, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập có vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Bởi toàn cầu hóa, quốc tế hóa trong giáo dục là xu thế tất yếu. Giáo dục xuyên biên giới trong mười năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, sự thịnh vượng của quốc gia lại phụ thuộc mạnh mẽ và trực tiếp vào quy mô và chất lượng giáo dục như hiện nay. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là thách thức của ngành Giáo dục trong đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại.

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Nghị quyết 29-NQ/TW là khuôn khổ pháp lý, chính trị, làm cơ sở cho cuộc cải cách sâu rộng trong toàn ngành. Nghị quyết chỉ rõ, đối tượng ưu tiên của chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là giáo dục phổ thông nhằm đổi mới phương pháp học, từ chỗ dựa trên nội dung giáo trình sang chú trọng nhiều hơn tới kỹ năng và phẩm chất.

Mục tiêu của phương pháp tiếp cận này là giúp học sinh Việt Nam hướng tới các kỹ năng nhận thức và hành vi cao hơn như tư duy phản biện, sáng tạo, áp dụng kiến thức từ nhiều lĩnh vực để giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm cũng như giao tiếp hiệu quả bằng nói và viết. Để đạt được mục tiêu đó, hệ thống giáo dục phổ thông cần xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy mới cùng hệ thống đánh giá kết quả học tập toàn diện, đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng.

“Từ những phân tích trên, có thể khẳng định vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói. Đồng thời, ông nhận định, xác định Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước là điều cần thiết.

Nhiều chuyên gia giáo dục tại các hội thảo khoa học về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cũng đồng quan điểm trên. Theo đó, việc quan trọng nhất để phát triển đội ngũ nhà giáo là xây dựng trường sư phạm, cải cách hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới trường và khoa sư phạm. Trong đó, trước mắt, cần xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là trường trọng điểm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho cơ sở đào tạo giáo viên.

Điều đó đã được thực tế chứng minh: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều chuyên gia của 2 trường có tầm ảnh hưởng với ngành. Một số nhà khoa học, giảng viên là chủ biên sách giáo khoa, các chuyên gia bồi dưỡng dần xác lập uy tín với nhiều địa phương, quốc gia và khu vực… Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, tập thể lãnh đạo của 2 trường đều nhận thức rõ nhiệm vụ đổi mới chương trình đào tạo.

Hiện, chương trình đào tạo tại 2 trường sư phạm đều đúng quy chuẩn, nhất quán từ xây dựng đến kiểm định chất lượng. Các trường cũng chủ động xây dựng lại chuẩn đầu ra, trên cơ sở đó phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực; hoàn thiện chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT năm 2018 và rà soát định kỳ.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên chủ chốt của 2 trường cũng được tạo điều kiện tham gia sâu vào quá trình xây dựng Chương trình GDPT năm 2018, viết sách giáo khoa, có cơ hội nghiên cứu kỹ về chương trình. Những việc này giúp trường đi đầu trong quá trình đổi mới và thực hiện tốt công tác đào tạo cũng như bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chương trình mới.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm, với việc tham gia vào Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới. Hai trường được Bộ GD&ĐT đầu tư hệ thống trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; bồi dưỡng đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo và hỗ trợ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.(Trong ảnh: Giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Tùng

Quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm sẽ khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.(Trong ảnh: Giáo viên tại Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Mạnh Tùng

Tinh gọn mạng lưới, nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhìn nhận, cần quy hoạch mạng lưới trường sư phạm theo hướng tinh gọn và nâng cao chất lượng. Chương trình GDPT 2018 có nhiều môn học mới được đưa vào giảng dạy, đang trong tình trạng thiếu giáo viên. Trong khi đó, ở nhiều môn học khác, giáo viên lại thừa. Tình trạng thừa - thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương.

Những năm qua, sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm. Có người được tuyển dụng lại xin nghỉ vì công việc quá áp lực, thu nhập thấp. Chưa kể, cách tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển giáo viên ở nhiều địa phương chưa khách quan, chặt chẽ, dẫn đến tình trạng tiêu cực. Cùng đó, một bộ phận thầy, cô giáo tha hóa về đạo đức, nhân cách, dù rất nhỏ nhưng gây dư luận không tốt với xã hội, phụ huynh và học sinh.

“Muốn giải quyết tận gốc các vấn đề trên, phải xuất phát từ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Và nguồn gốc, chính là trường sư phạm - nơi đào tạo ra các thế hệ thầy, cô giáo. Do đó, hơn lúc nào hết, cần rà soát, nâng chất lượng hệ thống trường sư phạm”, ông Ngai nói.

Theo đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm phải căn cứ vào nhu cầu giáo viên cụ thể của từng địa phương. Sở GD&ĐT tỉnh, thành có nhiệm vụ thống kê, dự báo nguồn nhân lực ngành sư phạm. Từ cơ sở này, các trường sư phạm có cơ sở để lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp.

Ông Ngai cũng đồng tình việc quy hoạch lại các trường sư phạm theo hướng trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn thành trường trọng điểm và xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh là 2 trường đại học sư phạm trọng điểm. Bởi đây là các trường sư phạm lâu đời, có bề dày kinh nghiệm đào tạo và đội ngũ giảng viên hàng đầu.

Các trường sư phạm khác sẽ trở thành “vệ tinh” cho trường trọng điểm. Tùy quy mô về học sinh, mạng lưới trường học, khoảng 2 - 5 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương mới có một trường sư phạm. “Với trường đại học đa ngành có khoa đào tạo giáo viên, có thể sắp xếp, sáp nhập với trường sư phạm để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải. Tất nhiên, việc này phải có lộ trình, tránh sáp nhập cơ học, ảnh hưởng tới tâm lý đội ngũ giảng viên”, ông Ngai đề xuất.

Đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã triển khai công tác chuẩn bị và đạt được kết quả tích cực. Trong đó có thể kể đến: Đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển mạnh hình thức dạy học trực tuyến…

“Ngoài ra, trường có chủ trương thành lập các phân hiệu để hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trường đang hoàn thiện quy trình với sự đồng hành, hỗ trợ của các bên liên quan, hy vọng trong tương lai không xa sẽ có một vài phân hiệu tại khu vực Nam Trung Bộ”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.