Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học và sư phạm tinh gọn để nâng chất

GD&TĐ - Quy hoạch giúp nhà hoạch định chính sách có góc nhìn tổng thể về sự phát triển nền giáo dục đại học...

Một giờ học tại Trường Đại học Sài Gòn - cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên. Ảnh: Mạnh Tùng
Một giờ học tại Trường Đại học Sài Gòn - cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên. Ảnh: Mạnh Tùng

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tới kỳ vọng thiết lập hệ thống giáo dục đại học vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tập trung nguồn lực

Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục đại học; kết nối các ngành, vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Việc lập quy hoạch nhằm thiết lập hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả, phục vụ học tập suốt đời; có quy mô cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển bền vững cả nước và từng địa phương.

TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, quy hoạch trên được công bố sẽ tác động nhất định đến sự phát triển của các trường đại học.

Quy hoạch giúp nhà hoạch định chính sách có góc nhìn tổng thể về sự phát triển nền giáo dục đại học; từ đó nhận ra điểm mạnh, yếu, sự phân bổ về mặt không gian địa lý và nguồn lực của hệ thống giáo dục đại học. “Từ quy hoạch này có thể hình dung giai đoạn nào, ở đâu nên có và cần thêm trường đại học. Từ đó sẽ đầu tư hợp lý”, ông Lê Đông Phương nói.

Cũng theo chuyên gia giáo dục này, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp cơ quan quản lý, trường đại học nhận ra điểm yếu trong quá trình phát triển, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học cũng có thể tính đến việc xem xét các trường yếu kém, không phát triển. Điều này không đồng nghĩa “hễ trường yếu kém” bị sáp nhập, giải thể, mà quan trọng hơn là tìm được giải pháp.

“Nhờ sự phân tích này, Nhà nước định hướng đầu tư nguồn lực một cách tập trung, hiệu quả hơn. Ví dụ, những địa bàn xa xôi, khó khăn như Tây Bắc, Tây Nam Bộ, nếu trường đại học nào đó yếu, có thể đầu tư mạnh hơn để đáp ứng được nhu cầu tại chỗ cho địa phương”, TS Lê Đông Phương.

TS Lê Đông Phương cho rằng, khi đề án quy hoạch được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ sẽ định hướng về đầu tư cũng như sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học. Do đó, quy hoạch này có thể đặt ra những “yêu cầu phát sinh”, gồm nguồn lực, nhân sự, đất đai… cho các trường đại học phát triển.

Ở khía cạnh khác, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học sư phạm sẽ xác định chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn liền với phát triển đất nước.

Dẫn một số thống kê về lao động, TS Lê Viết Khuyến thông tin, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện còn mất cân đối xét trên nhiều khía cạnh. Kỹ năng của lao động Việt Nam bị đánh giá hạn chế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức thấp.

“Quy hoạch này sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, tập trung nguồn lực cho những ngành, nghề, trình độ mà thị trường lao động cần. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, ông Lê Viết Khuyến nói. Ông cho rằng, để thực hiện chiến lược nguồn nhân lực, cần sự chung sức từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Cũng theo các chuyên gia, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các trường đại học, địa phương đánh giá lại công tác đào tạo, dự báo nguồn nhân lực. Từ đó, điều chỉnh kịp thời, xây dựng các chương trình đào tạo thiết thực.

Khuôn viên Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mạnh Tùng

Khuôn viên Trường Đại học Việt Đức tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Mạnh Tùng

Tinh gọn mạng lưới sư phạm

Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm là điểm quan trọng được nhiều chuyên gia giáo dục quan tâm trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, đào tạo ngành sư phạm trong thời gian qua xuất hiện những vướng mắc. Hệ thống trường sư phạm hiện khá dàn trải, đào tạo không có kế hoạch tổng thể dẫn đến tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” giáo viên. Ông Nguyễn Văn Ngai nhìn nhận, cần rà soát, sắp xếp lại để nâng chất lượng hệ thống trường sư phạm.

Khi hệ thống trường sư phạm tinh gọn, nguồn lực đầu tư Nhà nước cũng tập trung hơn. Các địa phương sẽ thống kê nhu cầu giáo viên cụ thể từng năm học, đặt hàng các trường trong khu vực. Từ cơ sở này, trường sư phạm lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo phù hợp.

“Như vậy tùy theo nhiệm vụ, chức năng, các trường đại học sẽ tập trung đào tạo phân khúc mình được giao. Trường nào chuyên đào tạo giáo viên, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo sẽ rõ ràng, tránh sự nhập nhằng như hiện nay”, ông Nguyễn Văn Ngai phân tích.

TS Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, khi có quy hoạch mạng lưới trường sư phạm, nhiệm vụ đào tạo ở từng trường sẽ rõ ràng, chuyên môn hóa. “Theo đó, trường đại học đa ngành có khoa sư phạm có thể linh hoạt kế hoạch đào tạo. Nếu xảy ra tình trạng thừa giáo viên trong một giai đoạn nào đó, các trường có thể dồn nguồn lực để đào tạo lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu địa phương”, ông Lê Viết Khuyến phân tích.

Theo số liệu từ đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035” do GS.TS Phạm Hồng Quang, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) làm chủ nhiệm, Việt Nam có 111 cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, 14 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên. Ngoài ra còn có trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.