Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên: Tránh “đông nhưng không mạnh”

GD&TĐ - Có ý kiến cho rằng, với số lượng cơ sở đào tạo sư phạm như hiện nay, chúng ta như “nhà nghèo đông con”, khó có thể đầu tư trọng điểm. Do đó, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần phải thực hiện sớm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (đứng, thứ 2 từ trái sang) đến thăm Trường ĐHSP, ĐH Thái Nguyên. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng (đứng, thứ 2 từ trái sang) đến thăm Trường ĐHSP, ĐH Thái Nguyên. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Lưu ý khi thực hiện quy hoạch

Chia sẻ về việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội dẫn Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT: “Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo”. Chính phủ cũng có Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.

“Tính đến tháng 7/2017, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục đại học đa ngành có đào tạo sư phạm và một số cơ sở khác. Tình hình này là do những yếu tố có tính lịch sử; cũng đừng cực đoan phê phán, vì có thời điểm chúng ta thiếu giáo viên trầm trọng; có thời điểm tập trung xóa mù chữ, tập trung phổ cập” - GS.TS Nguyễn Văn Minh

Chia sẻ điều này, GS Nguyễn Văn Minh đồng thời cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần sắp xếp lại. Bởi, chúng ta đông nhưng không mạnh. Nói một cách thẳng thắn, chúng ta thiếu một số cơ sở có tính đầu tàu, thiếu cơ sở đại học sư phạm có tầm nghiên cứu tư vấn, chính vì vậy, mỗi lần cải cách, đổi mới là gặp phải sự lúng túng. Với số lượng nêu trên, khó mà có đầu tư trọng điểm.

Trên cơ sở đó, GS Nguyễn Văn Minh đưa ra các lưu ý khi thực hiện quy hoạch: Ổn định, phát triển và tạo ra đột phá; Phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước; Yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội của từng vùng, miền trong mối tương quan với các cơ sở trọng điểm. Giải quyết vấn đề quy hoạch cần phải tính đến các đặc điểm bối cảnh hiện nay.

Tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó quy định việc lập quy hoạch cần bảo đảm nguyên tắc: Hoạt động quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển giáo dục đại học và các chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển; bảo đảm sự liên kết, đồng bộ và tính hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Việc lập quy hoạch còn cần bảo đảm tính hệ thống và nguyên tắc tập trung, dân chủ. Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có quy mô và cơ cấu hợp lý, phân bố hài hòa, kết nối chặt chẽ với vùng kinh tế; tạo cơ chế để hình thành các đại học, trung tâm đại học lớn của đất nước; đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Chính phủ thống nhất chỉ đạo và định hướng. Các cơ sở giáo dục đại học tự rà soát, sắp xếp, quyết định theo phương án quy hoạch và chính sách của Nhà nước. Cơ quan quản lý trực tiếp hạn chế can thiệp có tính hành chính khi thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch cũng phải bảo đảm tính kế thừa, khả thi, phù hợp với năng lực đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực của toàn xã hội; tạo điều kiện để mọi người đều có cơ hội tham gia phát triển giáo dục đại học; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Sinh viên Trường ĐHSP, Đại học Thái Nguyên báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐHSP, Đại học Thái Nguyên báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học. Ảnh chụp thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: TG

Hình thành một số trường trọng điểm

GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên - chia sẻ: “Để có một mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mạnh và hiệu quả, cần sắp xếp, quy hoạch lại các trường sư phạm và hình thành một số trường sư phạm trọng điểm, đủ năng lực làm hạt nhân phát triển, dẫn dắt các trường sư phạm trong hệ thống. Trường sư phạm trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hướng trường đại học tiên tiến, hiện đại, năng động và tự chủ cao. Trường đại học sư phạm phải hội nhập hiệu quả với các đại học của khu vực, nâng tầm đạt đẳng cấp quốc tế”.

“Việt Nam có thể xem xét quy hoạch từ 2 đến 3 trường đại học sư phạm trọng điểm. Ngoài ra, có thể quy hoạch khoảng 5 đến 6 trường đại học sư phạm chủ chốt, trải dài theo vùng miền của đất nước và căn cứ theo năng lực và truyền thống của các trường. Những trường này chủ yếu đào tạo bậc đại học, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo sau đại học ở một số chuyên ngành nhất định.

Khuyến khích các trường đại học sư phạm chủ chốt trở thành đa ngành (trường sư phạm thuộc đại học vùng cần có sự gắn kết hữu cơ với trường chuyên ngành khác trong cùng đại học vùng). Sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm vào trường cao đẳng trong cùng địa phương để trở thành trường đại học địa phương. Hoặc sáp nhập các trường cao đẳng vào một trường đại học, chủ yếu tập trung vào đào tạo giáo viên mầm non” - GS Phạm Hồng Quang nêu quan điểm.

Một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các phương án quy hoạch, theo GS.TS Phạm Hồng Quang, bảo đảm quản lý tốt chất lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra của các trường sư phạm. Việc quy hoạch lại mạng lưới các trường được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này ở tầm chiến lược.

Nhiều chuyên gia cho rằng có những tác động xã hội trước mắt của vấn đề sắp xếp lại mạng lưới trường sư phạm trong bối cảnh hiện nay. Do đó, cần phải giải quyết bài toán cung cầu nhân lực giáo viên, từ đó sẽ tránh được đào tạo dàn trải, kém hiệu quả.

Mặt khác, cơ sở đào tạo giáo viên cần thống nhất đào tạo giáo viên ở nội dung cốt lõi, đưa vào các chuẩn chung về chất lượng đào tạo trong cả nước, như vậy sẽ thiết thực và hiệu quả hơn trong đầu tư. Tuy nhiên, cách làm này cũng có thể mang lại một số rủi ro như: Hạn chế tính linh hoạt, đa dạng giáo dục, đặc trưng vùng miền, ảnh hưởng đến tính sáng tạo và lộ trình tự chủ của các trường đại học.

“Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội vùng miền, đồng thời phải có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm” - GS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ